Liên minh châu Âu chính thức công bố 7 ngân hàng của Nga bị loại khỏi SWIFT

Quỳnh Giang

02/03/2022 21:23

Bảy ngân hàng bị loại khỏi SWIFT gồm Ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Ngân hàng Rossiya, Sovcombank và VEB (Vnesheconombank)

swift-1646230814.jpg
SWIFT hiện đang kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tại Nga khoảng 300 ngân hàng và tổ chức sử dụng SWIFT, đứng thứ 2 toàn cầu sau Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/3 đã loại bảy ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, do các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo công bố chính thức của EU, bảy ngân hàng bị loại khỏi SWIFT gồm Ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Ngân hàng Rossiya, Sovcombank và VEB (Vnesheconombank).

Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

SWIFT hiện đang kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tại Nga khoảng 300 ngân hàng và tổ chức sử dụng SWIFT, đứng thứ 2 toàn cầu sau Mỹ.

SWIFT được cho là chưa có đối thủ, dù Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống khác. Ở Nga cũng có hệ thống thanh toán riêng nhưng 70% giao dịch chuyển tiền trong nước Nga vẫn thông qua SWIFT.

Trước đó ngày 28/2, EU đã liệt các nhà tài phiệt hàng đầu có liên hệ với Điện Kremlin vào danh sách đen trừng phạt. Trong số những cái tên nổi tiếng có đồng minh thân cận của ông Putin là Igor Sechin, người đứng đầu Tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft, cùng với Nikolay Tokarev, chủ tịch Công ty đường ống Transneft của Nga.

Danh sách trừng phạt còn có tên 3 người được tạp chí Forbes xếp hạng trong top 10 người giàu nhất nước Nga, gồm: ông trùm kim loại Alexei Mordashov, nhà tài phiệt Alisher Usmanov và doanh nhân kiêm bạn của ông Putin Gennady Timchenko.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khi trả lời phỏng vấn Đài France Info vào ngày 1-3 cho biết tổng số tài sản bị phong tỏa của Nga lên tới "gần 1.000 tỉ USD".

Trong khi đó, dữ liệu được CNBC xem xét từ Marine Traffic cho thấy ít nhất 4 du thuyền khổng lồ thuộc sở hữu của các lãnh đạo doanh nghiệp Nga đã hướng tới Montenegro và Maldives kể từ khi một loạt các biện pháp trừng phạt Nga được các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, bao gồm cả Bộ Tài chính Mỹ công bố trong những ngày gần đây. 

Tài sản của các giám đốc điều hành Nga bị nhắm tới có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi chính quyền của tổng thống Joe Biden trong một tuyên bố  thành lập lực lượng đặc nhiệm nhằm vào các tài sản béo bở của họ, bao gồm cả du thuyền và biệt thự. Pháp đang đưa ra danh sách các tài sản thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, bao gồm ô tô và du thuyền, có thể bị tịch thu theo lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

“Tuần tới, chúng tôi sẽ khởi động một lực lượng đặc nhiệm xuyên Đại Tây Dương đa phương để xác định, truy lùng và đóng băng tài sản của các công ty và nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt - du thuyền, biệt thự của họ và bất kỳ khoản lợi nhuận bất chính nào khác mà chúng tôi có thể tìm thấy.” trích từ Tweet gần đây của Nhà Trắng.

Ngân hàng trung ương Nga hôm thứ Hai đã tăng hơn gấp đôi lãi suất chính của nước này từ 9,5% lên 20% khi đồng tiền của nó, đồng rúp, đạt mức thấp kỷ lục so với đồng đô la vì ảnh hưởng bởi một loạt các biện pháp trừng phạt và trừng phạt mới do châu Âu áp đặt trong cuộc tấn công Ukraine.

Những diễn biến kịch tính thể hiện nỗi lo sợ về một cuộc tháo chạy trên các ngân hàng của Nga. Hiện tại, hàng dài người đến để rút tiền mặt đã được ghi nhận tại các máy ATM ở các thành phố của Nga.

Quỳnh Giang