Cần làm gì để thúc đẩy bán hàng khi lâm vào khủng hoảng?

TS Vũ Anh Đào - CEO Công ty tư vấn toàn cầu Teal Unicorn

27/03/2024 11:56

Khủng hoảng đẩy bạn vào tình thế “sống còn” buộc bạn phải hành động ngay lập tức để đối phó với nó. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh này thì bài viết dưới đây là những lời khuyên cho bạn.

Trong thế giới thay đổi liên tục, thị trường hỗn loạn, nhiều đối thủ cạnh tranh, khả năng các doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng thường rất cao và theo chu kỳ. Khủng hoảng hiểu nôm na là những khó khăn hay thất bại lớn xảy ra ngoài mong đợi làm ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh hay cuộc sống của bạn. Khủng hoảng đẩy bạn vào tình thế “sống còn” buộc bạn phải hành động ngay lập tức để đối phó với nó. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh này thì đây là những lời khuyên cho bạn:

  1. Giữ bình tĩnh và hành động. Giữ được bình tĩnh chúng ta mới tỉnh táo để tìm ra hướng giải quyết. Đây không phải là lúc để mọi người tìm cách đổ lỗi cho nhau hay tự trách mình. Việc đầu tiên cần xác minh: Điều gì đã xảy ra, khi nào, như thế nào, con số chính xác là gì, những người liên quan…? Những thông tin trên cần chính xác mới biết mức độ nghiêm trọng đến đâu để tránh ra những quyết định không đúng đắn hoặc phản ứng thái quá.
  2. Tìm kiếm cơ hội: Dành thời gian suy nghĩ liệu trong khủng hoảng mà bạn đang đối mặt có những điểm tốt hay vấn đề tích cực nào không? Vd: Cơ hội cho bạn sắp xếp lại đội ngũ, cách làm, quy trình, cắt giảm những chi tiêu lãng phí, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới, thu nhỏ lại quy mô mà vẫn hiệu quả... Hãy nhớ: Trong khủng hoảng luôn luôn có cơ hội, bạn cần tìm ra chúng.
  3. Đối mặt, trung thực và thẳng thắn: Khi lâm vào khủng hoảng có thể kéo theo những vấn đề về tài chính. Hãy nói rõ với những người quan trọng trong DN và những đối tác về tình trạng của công ty. Đừng đặt những người liên quan và đối tác vào thế bất ngờ, bị động. Cách duy nhất để giữ được uy tín đối với các đối tác, những chủ nợ là cho họ biết khó khăn của bạn và đề nghị họ chấp nhận giải pháp bạn đưa ra, ví dụ thanh toán chậm, trả góp theo tháng… cho đến khi bạn qua giai đoạn khó khăn. Hãy nhớ bạn có thể mất tất cả nhưng điều duy nhất bạn cần giữ là lòng tin, do vậy đừng bao giờ lờ đi hay chối bỏ các khoản nợ.

    qznhtsutcq5ca-1622611246.jpg

     

Rắc rối luôn đi song hành với cuộc sống, dù làm tốt đến đâu chúng ta cũng không thể tránh khỏi nó, giờ là lúc chúng ta phải đương đầu. Hãy tư duy những về việc này:

  • Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
  • Hậu quả xấu nhất là gì?
  • Nếu điều đó xảy ra, chúng ta cần làm gì?
  • Xác định những hành động có thể giảm thiểu tổn thất và tập trung vào đó để cải thiện tình hình.

Lúc này chỉ có những giải pháp linh hoạt mới giúp bạn đối diện với khủng hoảng. Hãy ra soát toàn bộ những gì công ty đang làm để xem xét dựa trên nguyên tắc 80/20 (các công ty thường mất 80% nỗ lực cho những công việc chỉ tạo ra 20% giá trị. Có những công việc chỉ chiếm 20% nỗ lực nhưng tạo ra 80% giá trị. 20% khách hàng mang lại 80% giá trị, 20% nhân viên mang lại 80% giá trị…)

  • Những sản phẩm dịch vụ nào không mang lại giá trị lớn nhưng mất nhiều thời gian và nỗ lực?
  • Hoạt động hay quy trình nào không nên tiếp tục thực hiện?
  • Những ai không hoặc đóng góp ít giá trị: Nếu được làm lại bạn sẽ không chọn họ hoặc bạn sẽ không cất nhắc họ vào vị trí bây giờ?
  • Những chi phí nào cần cắt giảm?
  • Sau khi đã có những câu trả lời, bắt đầu thực hiện nguyên tắc 20/80.

Chọn tất cả những sản phẩm, dịch vụ có thể bán được ngay lập tức để bán (20% sản phẩm dịch vụ tạo ra giá trị cao).

  • Dừng cung cấp những gì tạo ra ít giá trị
  • Gọi cho những khách hàng mang đến giá trị cao ngay lập tức.
  • Cắt giảm những chi phí không quan trọng, không cần thiết.
  • Chấm dứt hợp đồng với những nhân viên đóng góp ít giá trị.

Hãy nhớ, bạn đang trong cơn khủng hoảng, nếu không có những quyết định cứng rắn: Cắt lỗ nhanh, thu nhỏ quy mô, sa thải người… lúc này bạn sẽ không thể giữ được doanh nghiệp của mình.

Việc tiếp theo bạn cần làm là gì?

Nếu doanh số bán ra thấp gây ra khủng hoảng, bạn cần nhanh chóng xoay chuyển tình thế dưới đây là những phương pháp Teal Unicorn đã cố vấn cho nhiều doanh nghiệp và giúp họ vượt qua khủng hoảng:

Thực hiện chính sách 100 cuộc tiếp xúc với khách hàng tiềm năng

Mục tiêu: nói chuyện trực tiếp với 100 khách hàng tiềm năng càng sớm càng tốt và trong thời gian ngắn nhất. Hãy đặt mục tiêu cụ thể cho nhân viên bán hàng mỗi ngày mỗi người cần gặp bao nhiều người và đánh giá vào cuối ngày. Hãy để họ tập trung cao độ vào việc bán hàng, đừng quá lo lắng về việc có ngay lập tức tăng doanh số hay không. Cần làm việc này đều đặn, chăm chỉ, không kể giờ giấc. Nhân viên sale thường dành rất nhiều thời gian trong ngày để làm những việc khác, không liên quan đến bán hàng, nếu toàn bộ công ty cam kết và thực hiện nghiêm túc việc này đảm bảo số lượng sale sẽ tăng rõ rệt sau một thời gian ngắn. Tinh thần của mọi người sẽ khác, doanh thu sẽ tăng và tình thế sẽ thay đổi nhanh chóng.

Liên hệ với khách hàng cũ và mời họ mua hàng

Những khách hàng tiềm năng nhất là những người từng sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn, nếu họ không có nhu cầu họ có thể giúp bạn giới thiệu những người thân, bạn bè của họ. Hãy thuyết phục họ mua hàng ngay, thêm dịch vụ, giảm giá, khuyến mại, tặng phiếu mua hàng, tặng quà… bất kể điều gì cần thiết để khách hàng bỏ tiền ra mua. Hãy tìm cách để người mua hàng mua với số lượng nhiều hơn, nhiều mặt hàng hơn (như giảm giá 30% cho sản phẩm thứ 2 hay bán bia kèm lạc…) 

Nâng cao năng lực đội ngũ bán hàng

Một điều vô cùng quan trọng để tăng doanh số là tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ bán hàng. Doanh số càng thấp càng nên chú trọng đào tạo. Nếu được đào tạo đúng và đầy đủ doanh số họ mang về cho công ty sẽ lớn hơn rất nhiều số tiền bạn đầu tư cho họ.

Trên đây là một số lời khuyên của chúng tôi để giúp các nhà lãnh đạo thành công khi đối diện với khủng hoảng, những phương pháp đã được kiểm chứng và chứng minh hiệu quả. Hy vọng chúng cũng hữu ích cho bạn. Cuối cùng, một nhà lãnh đạo giỏi là người có khả năng xử lý khủng hoảng. Quá trình bạn vượt qua nó chứng minh bản lĩnh, sự khôn ngoan và độ trưởng thành của bạn.

Và điều quan trọng là bạn có thể rút ra bài học gì để khủng hoảng không xảy ra trong tương lai?

TS Vũ Anh Đào - CEO Công ty tư vấn toàn cầu Teal Unicorn