Đây là diễn đàn học thuật chuyên sâu để các diễn giả trao đổi với công chúng tham dự về xu hướng ứng dụng công nghệ mới và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hữu ích, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực vào ứng dụng AI hiệu quả trong việc giảng dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay. Tọa đàm không chỉ mang tới cơ hội để cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo ngôn ngữ quốc tế cho người Việt, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại Tọa đàm, các diễn giả đều đồng thuận rằng, trong thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công cụ quan trọng trong việc đổi mới và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động giáo dục trên toàn cầu. Chẳng hạn như, AI có thể cá nhân hóa lộ trình học cho từng học viên dựa trên phân tích dữ liệu về năng lực và nhu cầu học tập của họ. Nhờ khả năng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, AI có thể đưa ra phản hồi tức thì, tự động chấm bài, cải thiện phát âm và theo dõi sự tiến bộ của học viên mà không cần sự can thiệp trực tiếp của giáo viên.
Ngoài ra, việc sử dụng AI cũng có thể giúp học viên tiếp cận rất nhanh chóng những kiến thức mới mà không cần mất quá nhiều thời gian; công việc dịch thuật cũng không còn khó khăn như trước hay hỗ trợ trong việc học phát âm, viết bài luận… và rất nhiều những hoạt động khác trong quá trình học tập.
Trước những bàn luận và băn khoăn về vai trò thực sự của AI trong giáo dục nói chung và đào tạo trực tuyến nói riêng, PGS.TS. Lê Văn Canh - Nguyên Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, AI sẽ thay đổi toàn diện, triệt để và định nghĩa lại toàn bộ khái niệm trong học tập. Nhờ có các công nghệ mới, lớp học không còn là nơi duy nhất để lĩnh hội kiến thức. Chất lượng giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến không có gì khác biệt và trong tương lai, dạy học trực tuyến sẽ ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, thứ người máy không làm được chính là thay thế xúc cảm khi giao tiếp giữa người với người, không hiểu hết được sự sáng tạo và tinh tế của ngôn ngữ. Dù tạo ra nhiều cơ hội, người máy không tạo động lực cho người học. Giáo viên mới là người tạo động lực, truyền cảm hứng, hướng dẫn học viên phương pháp học tập, phân tích thông tin.
PGS.TS. Lê Văn Canh nhận định, với những tiến bộ nhanh chóng, AI không còn là một công cụ mà sẽ là một chủ thể, một tác nhân, một thành viên trong cộng đồng, cộng tác cùng giáo viên trong hoạt động giảng dạy. Nhưng cũng không vì thế mà ta lạm dụng công nghệ, vì như thế tính sáng tạo, khả năng tư duy, phản biện sẽ bị thui chột, không thể hòa nhập hay nhìn nhận thế giới đa chiều.
“Chúng ta cần ưu tiên về chính sách đào tạo, hướng dẫn giáo viên phương pháp dạy học bằng công nghệ, đạo đức trong việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân” - PGS.TS. Lê Văn Canh nói.
Dựa trên thực tế hoạt động, ông Nguyễn Tiến Nam - Chủ tịch Tập đoàn SunUni Global kiêm CEO của SunUni Academy cho biết, trước những cơ hội và thách thức mà công nghệ AI mang lại trong thời 4.0, thay vì những lo ngại trên, SunUni Academy đã chủ trương sử dụng AI để phục vụ hiệu quả cho hoạt động đào tạo Anh ngữ trực tuyến.
“AI rất thông minh và nhanh nhạy. Tuy nhiên, hiện nay, AI vẫn chưa thể thay thế vai trò của con người bởi rõ ràng chúng ta không thể học như một cái máy. Trước sự phát triển như vũ bão của AI, cái chúng ta cần làm chính là nâng cao giá trị của bản thân và sử dụng chính AI để phục vụ cho công việc của mình. Chính vì vậy, SunUni Academy luôn cố gắng nâng cao chất lượng nhân sự, xây dựng chương trình đào tạo bài bản và khác biệt, tiếp cận nhu cầu học viên từ những chi tiết nhỏ - vốn là thứ mà AI không làm được” – ông Nam khẳng định.
Hiện nay, AI cũng đã có thể dạy học một phần nào đó, cũng có thể xây dựng những chương trình đào tạo cho người dùng. Tuy nhiên, AI có thể nắm rõ năng lực học viên nhưng không thể nắm rõ được hành vi hay cảm xúc, AI có thể xây dựng chương trình dựa trên những tổng hợp kiến thức từ internet chứ khó có thể xây dựng được chương trình mới, tư duy mới chưa từng xuất hiện. AI cũng chưa thể đi vào từng chi tiết và cách tiếp tận theo hướng cá nhân hóa. Bởi vậy, vai trò của con người vẫn là chủ đạo trong đào tạo ngoại ngữ.