Số liệu này trái ngược với con số mà Tổng cục thống kê đã công bố vào cuối tháng Một vừa qua, với con số nhập siêu trên 800 triệu đô la Mỹ. Thực tế, số liệu mà Tổng cục thống kê đưa ra là con số ước tính, thông thường được thống kê đến khoảng ngày 20 hàng tháng, trong khi Tổng cục hải quan đưa con số sơ bộ sau 2 tuần kết thúc tháng. Do vậy, có thể nói số liệu mà Tổng cục hải quan công bố sát với tình hình thực tế xuất nhập khẩu trong tháng/năm.
Thành tích xuất siêu tiếp tục đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong đó Samsung là một điểm sáng. Theo số liệu công bố, khối FDI xuất siêu 2,64 tỷ USD và khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước nhập siêu 1,83 tỉ đô la Mỹ.
Tình hình xuất siêu của Việt Nam chưa thực sự bền vững. Cũng theo tổng cục hải quan, trong 9 ngày nghỉ Tết, các cửa khẩu trên cả nước đã làm thủ tục xuất khẩu và thống kê nhập siêu khoảng 222 triệu đô la Mỹ. Máy tính, các thiết bị điện thoại di động,... là các loại hàng hoá chiếm tỉ trọng xuất nhập khẩu cao nhất.
Năm 2018, Việt Nam đạt thành tích xuất siêu tới 6,8 tỉ đô la Mỹ trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục 480 tỉ đô la Mỹ, cao hơn gấp đôi tổng thu nhập quốc nội (GDP) cả nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo số liệu mới nhất từ tổng cục hải quan, tính đến 13.2, sau gần một tháng rưỡi, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã cán mốc 50 tỉ đô la Mỹ. Tính toán của chúng tôi cho thấy, nếu tiếp tục duy trì tốc độ này, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm nay sẽ không dưới 400 tỉ đô la Mỹ.
(Ảnh: Viconship)