Hậu Giang từ lâu nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cam sành, khóm, cá thát lát. Để những sản vật này vươn đến khắp năm châu bốn biển, một nền tảng logistics hướng thủy hoàn chỉnh là điều kiện cần.
Con kênh trăm tuổi
Mùa khô năm 1901, người Pháp khởi công đào kênh xáng Xà No. Sau 3 năm, con kênh rộng 60m và dài khoảng 40 km đã hoàn thành, bắt nguồn từ sóc Xà No (thành phố Cần Thơ) đến sông Cái Tư (Hậu Giang - Kiên Giang).
Ngày nay, tỉnh Hậu Giang (tách ra từ Cần Thơ vào năm 2004) vẫn là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành logistics nói chung và giao thông đường thủy nói riêng. Ngoài 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 1A và quốc lộ 61 chạy qua, hệ thống sông rạch dày đặc của Hậu Giang nối liền một cách thuận tiện với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu. Đây là một trong hai nhánh lớn của sông Mê Kông, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ.
Hậu Giang cũng giáp ranh với thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Có thể kể đến ở đây là sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ.
Nếu xây dựng một trung tâm logistics tại đây, dòng lưu chuyển hàng hóa có thể đi đến các cảng lớn trong khu vực như Cần Thơ, Mỹ Thới và các cảng khác trên thượng lưu, có thể kết nối với mạng lưới các tuyến vận tải đường thủy nội địa dày đặc tới các tỉnh trong khu vực. Đây cũng là nơi triển vọng nhất để tạo tuyến đường nối đến cảng Phnom Penh (Campuchia).
Sự phát triển chưa tương xứng
Tỉnh Hậu Giang hiện có 140.124 ha đất nông nghiệp (chiếm 87% diện tích đất tự nhiên). Trong đó, diện tích trồng lúa chiếm 79.000 ha (diện tích sản xuất cả năm là 198.500 ha), sản lượng 1,26 triệu tấn. Nhiều loại cây trái đã làm nên thương hiệu cho vùng đất này như cam, khóm (dứa), xoài, mít… và rau màu cùng thủy sản. Những con số đó đưa Hậu Giang trở thành một trong những trung tâm lúa gạo và vựa rau củ quả của ĐBSCL.
Từ hơn 1 thế kỷ nay, hệ thống vận tải đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển nông sản Hậu Giang đi đến các thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế nhưng các hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế, xét trên toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hệ thống giao thông thủy, bộ, hàng không có mật độ dày và phát triển đều khắp, tuy nhiên chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ.
Riêng về đường thủy, do hệ thống cảng có quy mô nhỏ và phân bố phân tán nên hiệu quả vận hành và kết nối giữa các vùng thuộc ĐBSCL và giữa ĐBSCL với thị trường nước ngoài đều chưa cao. Lượng hàng hóa qua các cảng của vùng hằng năm rất thấp (chỉ khoảng 20%). Một điểm quan trọng nữa đó là việc quy hoạch các khu công nghiệp, nông nghiệp chưa có tính hướng thủy cao, dẫn đến việc chưa tối ưu hóa được vai trò của hệ thống giao thông thủy.
Những hạn chế này làm cản bước nhảy vọt của Hậu Giang.
Để Hậu Giang cất cánh
Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 tổ chức vào ngày 12.12 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, ông Lê Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ - đặt câu hỏi: “Thủy sản, rau củ quả, gia cầm... là những sản phẩm cốt lõi của Hậu Giang, nhưng chúng ta có thể làm gì với nó để Hậu Giang phát triển?“
Giải pháp đầu tiên mà ông Lê Thành nói đến là giao thông: “Nếu chúng ta giải quyết câu chuyện giao thông miền Tây bằng đường bộ thì chi phí đầu tư rất cao do nền đất yếu và nguy cơ xâm lấn của nước biển. Vì vậy, Hậu Giang nên lấy đường sông làm cốt lõi”.
Dựa vào đường sông, nông sản được vận chuyển từ tay người nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp đi đến các chợ nổi đầu mối để giao thương.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở việc xây dựng hệ thống vận tải đường thủy. Trong kế hoạch đưa nông sản Hậu Giang cất cánh, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đã phối hợp với Công ty cổ phần Lavifood – một công ty chế biến rau củ quả có các nhà máy đạt chuẩn Leed Silver - để xây dựng một chuỗi giá trị nông sản. Ông Lê Thành đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang hỗ trợ xây dựng 8 tổng kho (gồm 7 kho nhỏ, 1 kho lớn) trong vòng 1 năm để có đủ hàng tươi xuất sang Trung Quốc. Song song với đó là việc xây dựng nhà máy chế biến, sau 1 năm có thể đi vào hoạt động và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc.
“Tại sao Hậu Giang không lựa chọn trở thành một nơi mà ở đó có trung tâm chế biến sâu, trung tâm kho vận, ngân hàng và hệ thống hải quan... đi kèm để cung cấp tất cả các dịch vụ? Phải có nhà máy lớn, phải xây dựng trung tâm logistics, chợ đầu mối, trung tâm hỗ trợ người nông dân, kết hợp với hợp tác xã. Đặc biệt có tổ chức tài chính đi theo hỗ trợ lâu dài. Như vậy, nông dân là người hưởng lợi nhờ chuỗi giá trị này”, ông Lê Thành khẳng định.