Trung Quốc vượt Mỹ thành thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới 2019

truongtrivinh

27/01/2019 11:29

Trung Quốc nhiều khả năng lần đầu tiên trở thành thị trường bán lẻ đứng đầu thế giới nhờ tăng trưởng tài sản của người dân và thương mại điện tử phát triển.

Báo cáo mới công bố hôm 23.1 của công ty nghiên cứu eMarkerter cho thấy doanh thu bán lẻ của Trung Quốc trong năm nay ước đạt 5,6 nghìn tỷ USD, và nhiều hơn Mỹ khoảng hơn 100 tỷ USD. Khoảng cách này sẽ còn tăng trong những năm tới do kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh ít nhất đến năm 2022.

Theo Giám đốc dự báo cấp cao của eMarketer, bà Monica Peart, “Những năm gần đây, thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc tăng, khiến lượng người thuộc tầng lớp trung lưu cũng tăng nhanh chóng. Điều này khiến sức mua và bình quân chi tiêu đầu người lên mạnh”.

Dự báo của công ty này còn nhấn mạnh tầm quan trọng ngày một tăng của Trung Quốc với tư cách là thị trường cho các thương hiệu toàn cầu ngay cả khi tăng trưởng nói chung của nước này có dấu hiệu chậm lại. Trung Quốc hiện đã là thị trường tiêu thụ ô tô và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Các đại gia thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba và JD.com cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ. Dự báo từ eMarketer cho thấy hơn 35%, tương đương 2 nghìn tỷ USD sẽ được dành cho việc chi tiêu vào các mặt hàng bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc trong năm nay.

Ngày mua sắm lớn nhất thế giới đã dịch chuyển từ Mỹ về Trung Quốc.
Ngày mua sắm lớn nhất thế giới đã dịch chuyển từ Mỹ về Trung Quốc.

Trung Quốc là nơi có xuất xứ của Ngày Độc Thân, đợt mua sắm trực tuyến thường niên của Alibaba giúp đem lại doanh số bán hàng cao hơn cả ngày Black Friday (ngày thứ Sáu ngay trước ngày Lễ Tạ Ơn) hay ngày Cyber Monday (ngày thứ Hai ngay sau ngày Lễ Tạ Ơn) cộng lại.

Doanh số bán hàng trực tuyến của Alibaba chiếm hơn một nửa tại Trung Quốc, nhưng công ty này cũng đang phải đối mặt với cạnh tranh tăng cao từ các đối thủ nhỏ hơn như Pinduoduo. Năm 2017, Alibaba trả 2,9 tỷ USD để mua lại 36% cổ phần của Sun Art Retail Group – vốn được biết đến rộng rãi như Walmart của Trung Quốc.

Cũng giống như Amazon ở Mỹ, các đại gia Internet của Trung Quốc đang chuyển hướng sang ngành bán lẻ truyền thống (tức ở dạng của tiệm thay vì trực tuyến). Năm 2018, Tencent, chủ sở hữu của ứng dụng tin nhắn hàng đầu WeChat cùng ba công ty khác đã đầu tư 5 tỷ USD vào Wanda Commercial Properties – nhà vận hành trung tâm mua sắm lớn nhất Trung Quốc. Tencent cũng là cổ đông lớn của JD.com.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang dần nhận thấy tác động do kinh tế chững lại cùng với hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo eMarketer, tăng trưởng doanh số bán lẻ dự báo chỉ ở 7,5% năm 2019 so với 8,5% trong năm ngoái.

Cùng thời điểm đầu tháng 1 năm nay, Apple cảnh báo các nhà đầu tư rằng doanh số của hãng tại Trung Quốc thấp hơn so với dự báo trước đó. Theo chuyên gia phân tích mảng ngân hàng đầu tư của Societe Generale, chi tiêu dành cho mỹ phẩm và đồ trang sức đang chịu ảnh hưởng do người tiêu dùng cảm nhận được thị trường nhà đất giảm nhiệt trong khi nợ tăng.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lại lạc quan hơn. Chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty nghiên cứu Oxford Economics cho biết, “Chúng tôi dự báo tăng trưởng tiêu dùng chậm lại, và cũng nghĩ rằng lo ngại về người tiêu dùng Trung Quốc đang bị thổi phồng quá mức”.

truongtrivinh