Tác động trong ngắn hạn từ làn sóng bất động sản công nghiệp

Phạm Sơn

02/06/2020 19:15

Không chỉ bởi tiềm năng của bất động sản công nghiệp, ngay ngắn hạn, việc tham gia lĩnh vực này giúp nhà đầu tư mở rộng danh mục, giải quyết tình trạng khó khăn mảng nhà ở.

Không phải đến thời điểm này bất động sản công nghiệp Việt Nam mới "nóng lên". Từ khoảng năm 2015, Việt Nam từng được dự đoán là "con hổ" mới của châu Á với sự phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn về công nghệ trong khối FDI mang đến sức sống cho các khu công nghiệp phía Bắc. Phát triển khu công nghiệp cũng là một trong những định hướng của Chính phủ. Vào tháng 3.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt gần 21.000 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Với sự ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, làn sóng dịch chuyển sản xuất - đặc biệt từ Trung Quốc - được dự báo từ năm 2018 và rõ nét hơn trong năm 2019. Các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp có niềm tin vào một thị trường tiềm năng khi các nhà máy mở rộng sản xuất đã thực sự có mặt tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành chế biến, chế tạo đạt kỷ lục 17,5 tỉ USD trong năm 2019, chiếm 77,5% tổng vốn đăng ký. Một số khác bắt đầu tiếp xúc với công ty tư vấn bất động sản, "đánh tiếng" tìm nhân sự, tìm đất.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, một trong đơn vị có nguồn đất lớn nhất cả nước có chủ trương đầu tư vào việc mở rộng các khu công nghiệp, theo thông tin tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019. Doanh nghiệp này sẽ phát triển khoảng 5.000-7.000 héc-ta đất khu công nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên giai đoạn 2021-2025. Cao su Phước Hoà cũng đã bàn giao đất trồng cây cao su cho dự án Khu công nghiệp VSIP III với tổng diện tích đất bàn giao trên 690 héc-ta vào tháng 9.2019. Nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nguồn cung bất động sản công nghiệp.

Dù vậy, đầu tư vào bất động sản công nghiệp không còn là riêng câu chuyện của lĩnh vực công nghiệp. Ngày nay, bất động sản nhà ở tiếp tục gặp khó với rào cản từ việc siết pháp lý của chính quyền, khả năng tìm kiếm quỹ đất cho các dự án này ngày càng thu hẹp. Tập đoàn Vingroup định hướng bất động sản công nghiệp sẽ là mảng chính sau nhiều năm đứng ở vị trí hàng đầu trong mảng bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng.

"Hiện tại bất động sản công nghiệp là mảng bổ trợ nhưng trong tương lai sẽ là mảng chính của Vinhomes, mang lại dòng tiền thường xuyên cho công ty. Điều này quan trọng với một doanh nghiệp bất động sản", ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn này tại Đại hội đồng cổ đông ngày 28.5. Doanh nghiệp này đầu tư 10.000 tỉ đồng vào bất động sản công nghiệp trong hai năm.

Mặt khác, đây không chỉ là sự chuyển hướng sang mảng bất động sản mới. Sự phát triển của các khu công nghiệp kéo theo sự phát triển của các khu đô thị đã được chứng minh. Bộ mặt Bình Dương - một tỉnh nhiều năm liền là địa phương hấp dẫn đầu tư nước ngoài thứ hai cả nước đã thay đổi nhờ các khu công nghiệp. Khác với năm 2009 có 1,06 triệu người dân nông thôn, chiếm 70% dân số toàn tỉnh, theo Tổng cục Thống kê. Sau  năm, một tỉnh nằm sâu trong nội địa, không cảng biển, cảng sông chỉ có lợi thế duy nhất là ở cạnh TP.HCM đã có một cuộc đổi ngôi ngoạn mục. 80% dân số Bình Dương là người thành thị, tỉ lệ cao hàng đầu cả nước, hơn Hà Nội và ngang với TP.HCM.

Xung quanh các khu công nghiệp hệ thống bất động sản bán lẻ và căn hộ phục vụ đời sống cư dân phát triển. Hơn 50% dân số hiện tại của Bình Dương là người nhập cư từ các tỉnh thành khác đến lao động trong các nhà máy xí nghiệp. 24.000 căn hộ được xây dựng ở đây để phục vụ lượng lao động này, bằng một phần sáu số căn ở thành phố lớn dân cư đông đúc gấp 5 lần như TP.HCM. Mặt sàn bán lẻ là 166.300 m2. Các khu đô thị công nghiệp là một trong những đích đến mà các nhà đầu tư bất động sản có thể nhắm tới.

Tập đoàn Đất Xanh - doanh nghiệp chuyên đầu tư bất động sản nhà ở cho biết trọng tâm mở rộng quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp, khu đô thị công nghiệp trong năm 2020, khi thị trường có nhiều biến động khó kiểm soát. Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn cho hay, doanh nghiệp đang chuyển nhượng các dự án nhỏ để tập trung vào dự án quy mô lớn, mang lại hiệu quả hơn. Trong vòng 3-5 năm tới, doanh nghiệp tập trung vào các dự án khu đô thị quy mô lớn.

Không chỉ bởi tiềm năng của lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ngay trong ngắn hạn, việc tham gia lĩnh vực này giúp mở rộng danh mục đầu tư của các nhà phát triển bất động sản, giải quyết tình trạng khó khăn ở lĩnh vực nhà ở.

Tâm Phạm

Phạm Sơn