Niềm tự hào mới của nông nghiệp Việt Nam

dohung

06/01/2019 11:14

Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood có tổng đầu tư 1.780 tỷ đồng, vừa chính thức ra mắt hôm nay tại Tây Ninh.

Tanifood, nhà máy chế biến rau củ quả của công ty Lavifood đã chính thức khánh thành hôm nay 6.1.2019 tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, sau 18 tháng xây dựng.


"Chưa bao giờ nông nghiệp được quan tâm như bây giờ. Gần 10 Uỷ viên Trung ương Đảng tham dự lễ khánh thành của một nhà máy. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các lãnh đạo của nhiều tỉnh thành", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy Tanifood.

Nghị thức nhấn nút
Nghi thức nhấn nút khánh thành nhà máy Tanifood - Ảnh: Nhà Quản Lý

Sự kiện đã thu hút 1.300 khách mời tham dự, cùng sự hiện diện của ông Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng,cùng nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tham quan nhà máy mới khánh thành Tanifood - Ảnh: Nhà Quản Lý
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tham quan nhà máy mới khánh thành Tanifood - Ảnh: Nhà Quản Lý

Phát biểu khai mạc lễ khánh thành nhà máy Tanifood, ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty Lavifood vui mừng giới thiệu nhà máy chế biến rau củ quả liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối), với triết lý "cùng phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau".

Nhà máy chế biến rau củ quả có quy mô "nghìn tỷ" vừa khánh thành của Lavifood tại Tây Ninh, mở ra hy vọng mới cho chế biến nông sản Việt Nam theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, hội nhập thị trường quốc tế. Qua đó, góp phần thực hiện đơn đặt hàng do Thủ tướng Chính phủ đặt ra: "Ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào Top 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào Top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu".

Chủ tịch HĐQT Lavifood Phạm Ngô Quốc Thắng phát biểu tại lễ khánh thành - Ảnh: Nhà Quản Lý
Chủ tịch HĐQT Lavifood Phạm Ngô Quốc Thắng phát biểu tại lễ khánh thành - Ảnh: Nhà Quản Lý

Từ giai đoạn hình thành kế hoạch, dự án đã liên tục điều chỉnh tăng quy mô vốn, từ khoảng 440 tỷ đồng ban đầu, lên mức 1.380 tỷ đồng, rồi 1.500 tỷ đồng. Con số cuối cùng được công bố theo thông cáo báo chí tại lễ khánh thành hôm nay của nhà máy Tanifood là 1.780 tỷ đồng. Với đầu tư lớn, Tanifood đặt mục tiêu trong 10 năm tới phải lọt vào Top 1 Việt Nam, Top 5 Đông Nam Á, Top 10 châu Á và Top 20 thế giới về chế biến rau củ quả.

“Đây là một trong những nhà máy sở hữu công nghệ hiện đại đứng vào hàng nhất Đông Nam Á và top đầu trên thế giới (…) đặc biệt, liên kết được 6 nhà trong phát triển, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại 4.0”, ông Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao về Tanifood trong phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy.

Từ ý tưởng "chuỗi giá trị nông nghiệp" đến hiện thực

Sự ra đời của nhà máy Tanifood là một trong những kết quả từ ý tưởng chính của hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” do Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vào đầu năm 2017.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường điểm lại rõ ràng từng dấu mốc thời gian kể từ khi nhà máy mới chỉ là ý tưởng: ngày 6.1.2017 hội thảo, ngày 2.5.2017 khởi công và hôm nay 6.1.2018 khánh thành nhà máy.

Thiết kế: Hùng Nguyễn
Nhà máy Tanifood sở hữu nhiều công nghệ chế biến rau củ quả hiện đại từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản - Thiết kế: Hùng Nguyễn/Nhà Quản Lý

Nhà máy Tanifood hoạt động dựa trên chuỗi liên kết 6 nhà, trong đó nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao đóng vai trò dẫn dắt chuỗi. Đây là mắt xích quan trọng kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ toàn cầu thông qua các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới để định hình quy chuẩn sản xuất trong các khâu tiếp theo.

Với cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân tham gia trong chuỗi, khi đi vào hoạt động, ông Lee Yong Kyun, Tổng giám đốc điều hành Lavifood khẳng định, nhà máy sẽ cải thiện thu nhập cho nông dân từ 0,26 USD lên 3,6 USD mỗi mét vuông.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ khẳng định, với mô hình của Tanifood, sẽ không còn cảnh giải cứu nông sản hay được mùa mất giá.

Cơ hội lớn từ chế biến rau củ quả

Rau quả đứng thứ 2 trong nhóm 8 mặt hàng "tỷ đô" của Việt Nam năm 2018, chỉ xếp sau gỗ và sản phẩm gỗ. Theo số liệu mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2018.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Chế biến rau củ quả Việt Nam là ngành được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt kỳ vọng "phải đứng Top 10 thế giới". Đây là "bài toán" được Thủ tướng đặt ra cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới.

Trong chuyến thăm nhà máy Tanifood hồi tháng 8.2018, Thủ tướng đánh giá cao mô hình sản xuất hiện đại với quy mô lớn, tạo sự gắn kết với người nông dân và hợp tác xã của nông trường. Thủ tướng cho rằng, khi nhà máy Tanifood đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ góp phần giải “bài toán” trên.

“Việt Nam cần có thêm nhiều nhà máy như Tanifood để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”, VietnamPlus dẫn lời Thủ tướng nói trong lần ghé thăm triển lãm gian hàng của công ty Lavifood tại Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra cuối tháng 11.2018.

Dù thành tích xuất khẩu cải thiện về giá trị khi tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước đó, nhưng cấu trúc thị trường xuất khẩu không thay đổi nhiều. Đa số hàng rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, với thị phần luôn trên 70% trong 2 năm gần nhất. Trong khi đó, các thị trường chính còn lại (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan,...) chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chưa đến 5%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chuyến thăm nhà máy Tanifood tháng 8.2018 - Ảnh: Nhà Quản Lý
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chuyến thăm nhà máy Tanifood tháng 8.2018 - Ảnh: Nhà Quản Lý

Người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn nêu ra vấn đề của nông sản Việt. "Đất đai nông nghiệp thì Việt Nam hiện đang có sẵn, nhưng sản phẩm chỉ mới sản xuất tươi và xuất thô, sơ chế các sản phẩm chỉ mới sử dụng được 50%, 50% lãng phí", Thủ tướng nêu nhận định trong chuyến thăm nhà máy Tanifood hồi tháng 8.

Trước tồn tại trên, giải pháp của Tanifood là "thu mua hết tất cả các loại trái cây, trái cây loại một sẽ làm hàng xuất khẩu tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai", ông Lee Yong Kyun nói về hướng đi của công ty.

Tanifood là dự án đầu tư rau củ quả với quy mô "nghìn tỷ" nổi bật nhất được khởi công trong năm 2017. Năm qua cũng chứng kiến "cú bắt tay lịch sử" giữa tập đoàn Trường Hải và Hoàng Anh Gia Lai, với tổng giá trị đầu tư dự kiến lên đến 1 tỷ USD cho nông nghiệp và bất động sản. Sự tham gia của những công ty và tập đoàn hàng đầu, mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị được kỳ vọng sẽ tạo khởi đầu mới cho xu hướng đầu tư lớn vào nông nghiệp - lĩnh vực theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - "còn rất nhiều tiềm năng phát triển".


Tanifood, trực thuộc Công ty cổ phần Lavifood, là nhà máy chuyên sơ chế, sản xuất, chế biến các loại rau củ quả bằng công nghệ hiện đại với chuỗi dây chuyền sản xuất (multilines) bao gồm trái cây tươi được xử lý bằng công nghệ VHT, đông lạnh, cô đặc, nước ép được xử lý bằng công nghệ HPP, sấy, chần-trụng các loại rau củ quả.

Nhà máy Tanifood được xây dựng trên diện tích đất 15ha, với tổng vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng, chuyên sâu lĩnh vực xuất khẩu trái cây đông lạnh với công suất thiết kế 15.000 tấn thành phẩm/năm. Mỗi ngày, nhà máy tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu với các mặt hàng như xoài, dứa, thanh long, mãng cầu, chuối.


dohung
Bạn đang đọc bài viết "Niềm tự hào mới của nông nghiệp Việt Nam" tại chuyên mục Khoa học quản lý.