Ngành điện thoại di động nguy cơ chia rẽ vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

tamvu

29/01/2019 10:29

Không chỉ có ZTE đối mặt với “án tử hình” do hậu quả của cuộc chiến thương mại, mà ngay cả Apple, Huawei và các công ty công nghệ toàn cấu khác cũng đối mặt với nhiều bất ổn.

Hồi tháng 5 năm ngoái, trong cuộc nói chuyện với các nhà đầu tư, CEO Tim Cook của Apple cho biết ông không lo ngại về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc. Cook cho rằng hai cường quốc có quá nhiều sự gắn kết để có thể gây tác động nghiêm trọng lên phía còn lại. “Trung Quốc chỉ thắng nếu Mỹ thắng và Mỹ cũng sẽ chỉ thắng nếu Trung Quốc thắng. Thế giới chỉ thắng nếu cả Mỹ và Trung Quốc cùng thắng cuộc”.

Nhưng ngay sau khi thị trường đóng cửa hôm 2.1, Tim Cook lại có thông điệp khác. Lần đầu tiên trong vòng 15 năm, Apple cắt giảm dự báo lợi nhuận. CEO của Apple giải thích là do các chính sách thương mại của chính quyền tổng thống Trump đang ảnh hưởng nhu cầu mua iPhone tại Trung Quốc. Ngay ngày hôm sau, cổ phiếu của Apple giảm 10% giá trị thị trường.

Nếu có bài học nào cho các nhà đầu tư của Apple thì đó chính là bài học mà các đối thủ của công ty này tại Trung Quốc đã biết rõ: không thể tránh được ảnh hưởng của địa chính trị. Huawei và ZTE, hai ông lớn sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép lớn từ chính quyền Trump khi tổng thống Trung muốn tìm cách hạn chế hệ thống mạng không dây thế hệ thứ 5 hay 5G của Trung Quốc. Công nghệ mới này không chỉ hỗ trợ điện thoại thông minh mà còn hướng tới hỗ trợ các phương tiện tự lái và các cơ sở hạ tầng có kết nối Internet. Theo các cơ quan tình báo Mỹ, sự thống trị của Trung Quốc với công nghệ mới chủ chốt này có thể coi như rủi ro về anh ninh trong tương lai.

Hiện vẫn chưa rõ những căng thẳng ngoại giao do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ, Canada và Trung Quốc sẽ được giải quyết như thế nào, và điều gì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn của Huawei hay nhu cầu tiêu dùng sản phẩm Apple tại Trung Quốc. Nhưng để xem xét những gì đang diễn ra trong ngành công nghệ toàn cầu, có thể nhìn vào trường hợp của ZTE khi công ty này nỗ lực tránh khỏi hậu quả của cuộc chiến thương mại. Tháng 4.2018, Bộ Thương mại Mỹ công bố rằng ZTE không tuân thủ thỏa thuận của công ty liên quan đến các vi phạm về cấm vận Iran. Theo đó, chính quyền tổng thống Trump ra lệnh trừng phạt: cấm công ty này không được làm ăn với các nhà cung cấp Mỹ trong 7 năm.

ZTE, giống như các nhà sản xuất viễn thông lớn khác, sản xuất thiết bị và điện thoại ở Trung Quốc nhưng phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp Mỹ để nhập các bộ phận về. Thực tế, các bộ phận quan trọng như bộ chuyển đổi mạng hay modem điện thoại là do các công ty Mỹ sản xuất. Nếu không có những bộ phận này, ZTE ngay lập tức sẽ phải cho công nhân nghỉ không lương và đóng cửa các nhà máy. Báo cáo tài chính hồi tháng 5 của công ty cho thấy, “các hoạt động chính của công ty đang bị đình trệ”.

Ngày 13.5.2018, tổng thống Trump cho biết trên Twitter rằng Mỹ vừa đạt được thỏa thuận với chủ tịch Tập Cận Bình để cứu ZTE. ZTE được cứu, xong thông điệp rất rõ ràng: Nếu Trump muốn thì sức mạnh nào cũng có thể bị bẻ gãy, kể cả tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.

Câu chuyện ZTE bắt đầu từ cảm hứng về sự đổi mới của phương Tây sau chuyến đi đến Mỹ của một cán bộ thuộc Nhà máy 691 trực thuộc Bộ Hàng Không và Công Nghiệp Trung Quốc vào những năm 1980. Năm 1985, ZTE được thành lập với 2,8 triệu Nhân dân tệ (tương đương 2 triệu USD theo giá trị hiện tại). ZTE khởi nghiệp kinh doanh với tư cách nhà thầu sản xuất các sản phẩm như điện thoại cố định, các bộ phận điện tử và quạt máy. Tập đoàn này bắt đầu phát triển thiết bị kết nối vào năm 1987 và định vị được mình bằng cách bán giá rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh đến từ nước ngoài. Dần dần ZTE thắng các gói thầu xây dựng mạng lưới truyền thông tư nhân lớn cho ngành đường sắt, khách sạn và các cơ quan chính phủ.

Do có mối quan hệ từ sớm với Bắc Kinh, ZTE (cũng như Huawei – được thành lập bởi một cựu quan chức quân đội) thường phải đối mặt với giả thiết rằng tập đoàn là công cụ của chính phủ Trung Quốc. ZTE cho biết cổ phần của công ty này đã được chính phủ mua đầu tiên ngay khi phát hành ra công chúng năm 1997. Theo các thông tin tài chính được tiết lộ, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 48,5% cổ phần của một công ty có tên Zhongxingxin. Công ty này lại sở hữu khoảng 30% cổ phần ZTE. Trên trang web của mình, ZTE cho biết mô hình kinh doanh của mình theo dạng “nhà nước sở hữu và tư nhân vận hành”. Theo đó, chính phủ không liên quan đến hoạt động thường nhật của công ty.

Trong khi đó, Mỹ chưa bao giờ thấy thuyết phục với các câu chuyện doanh nghiệp của Trung Quốc. Một báo cáo năm 2012 của Ủy ban Tình báo thuộc Hạ viện Mỹ cho biết, “Dựa trên thông tin được phân loại mật và không mật sẵn có, không thể khẳng định được là Huawei và ZTE không chịu ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc”. Ủy ban này cho rằng ZTE chưa phản hồi một cách đầy đủ và hợp lý các báo cáo báo chí cho thấy tập đoàn này đang làm ăn với Iran. Vấn đề này sẽ khiến tập đoàn đi đến bờ vực nhiều năm sau.

Theo phía Mỹ, ZTE bắt đầu bí mật hợp tác với Iran từ năm 2010. ZTE thành lập các công ty vỏ bọc, bỏ logo khỏi bao bì và mã hóa danh tính khách hàng vì biết rằng việc bán các bộ phận linh kiện Mỹ sang Iran, dù là một phần của thiết bị nhãn hiệu Trung Quốc, cũng sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Thương vụ này của ZTE cuối cùng phải công khai. Vào năm 2017, tập đoàn thừa nhận việc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran và Bắc Triều Tiên, đồng thời chấp nhận đóng phạt 1.2 tỷ USD. Sự việc có vẻ được giải quyết. Tuy nhiên đến tháng 4.2018, Bộ thương mại Mỹ cho biết, ZTE trả thêm lương thưởng cho các giám đốc liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt và gây nhiễu các quan chức Mỹ.

Tại văn phòng của ZTE tại Dallas, Mỹ - nơi 350 trong số tổng cộng 80.000 nhân viên của tập đoàn này đang làm việc, tin tức về lệnh trừng phạt của Mỹ được đón nhận với nhiều hoang mang. Các giám đốc sở tại ở Mỹ không đưa ra được chỉ đạo nào trong nhiều tuần. Sau thỏa thuận dàn xếp chiến tranh thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung được thống nhất vào tháng 6.2018, ZTE đồng ý trả khoản phạt 1,4 tỷ USD, đồng thời thay thế các giám đốc cấp cao và ban điều hành. Ngay sau đó, tập đoàn này cắt giảm các hoạt động sản xuất điện thoại thông minh và bán hàng triệu USD bất động sản để lấy tiền trả phạt.

Với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, câu chuyện ZTE lại được dùng như cảm hứng để tiến tới giảm sự phụ thuộc của nước này vào ngành công nghệ Mỹ. Hồi tháng 4.2018, theo Xinhua, chủ tịch Tập Cận Bình đã nói trong một bài phát biểu của mình rằng “các công nghệ cốt lõi là công cụ quan trọng của nhà nước”. Điều này ám chỉ rằng Trung Quốc nên sản xuất ra các loại chip giúp các công ty công nghệ bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ. Từ sau đó, Huawei tuyên bố về tiến bộ trong việc sản cuất thiết bị bán dẫn cho phép cạnh tranh được với các nhà sản xuất chip điện tử của Mỹ như Intel, Nvidia và Qualcomm.

Theo James Lewis, cựu chuyên gia an ninh mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ và cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington D.C., các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn còn yếu thế, bởi họ còn cách nền công nghệ phương Tây nhiều năm nữa để có thể hoàn toàn tự lập. Lewis không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng để Mỹ khiến các công ty của mình phá sản, bởi những nỗ lực kiểu này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của chính Mỹ trong dài hạn. Theo đó, “việc ZTE chấm dứt làm ăn ở Mỹ, nếu có, sẽ chỉ làm tăng mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ”, và nếu Trung Quốc trở nên hung hăng hơn, thì họ lại càng không cần Mỹ. Sau khi bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt giữ vào tháng 12.2018 tại Canada theo lệnh của Mỹ do liên quan đến vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, một số công ty Trung Quốc đã đề xuất hỗ trợ tài chính cho những nhân viên chọn mua sản phẩm Huawei thay vì Apple.

Trong khi Huawei không còn đặt nhiều hy vọng vào việc cứu vãn hình ảnh của mình ở Mỹ, bằng chứng là tập đoàn này gần như đã bỏ các nỗ lực vận động hành lang tại Washington, thì ZTE lại chọn cách tiếp cận ngược lại. Trong năm 2018, ZTE chi nhiều cho vận động hành lang hơn tổng cộng 3 năm trước đó. Thậm chí gần đây, tập đoàn này còn thuê cựu nghị sỹ và cựu ứng viên phó tổng thống Joe Lieberman về làm việc cho mình. Nói về vai trò của mình, Lieberman cho biết công việc “không phải để thuyết phục hay vận động, mà là để lắng nghe một cách kỹ lưỡng hơn, giúp ZTE hiểu được một cách ngắn gọn bản chất chính xác của những mối lo ngại phía Mỹ, tiến tới giải quyết chúng”. Hôm 2.1, nghị sỹ Elizabeth Warren của bang Massachusetts, người có khả năng ra tranh cử tổng thổng Mỹ nhiệm kỳ tới đã chỉ trích ZTE gay gắt vì mối quan hệ của tập đoàn này với chính phủ Trung Quốc cũng như Lieberman vì “che đậy trách nhiệm giải trình”.

tamvu