Ngày 12.12.2018, tại tỉnh Hậu Giang, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics - thu hút đông đảo lãnh đạo chính quyền, chuyên gia và các khách mời đến từ các tỉnh, thành phố và quốc gia khác.
Nằm ở vị trí trung tâm châu thổ sông Mê Kông, Hậu Giang có những lợi thế chiến lược trong phát triển nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế và xây dựng nền tảng logistics liên kết vùng phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt tận dụng lợi thế giao thông đường thủy vốn chưa được khai thác đúng với tiềm năng. Có tới 87% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông thủy sản đã có được danh tiếng tốt như khóm Cầu Đúc, cá thát lát cườm, lúa gạo… và với 70% dân số trong độ tuổi lao động, cùng với thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước giúp tỉnh có thế mạnh và tiềm năng trong các lĩnh vực từ nông sản đến thủy sản.
Bên cạnh sông Hậu, Hậu Giang còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt mà không phải địa phương nào cũng có. Kênh xáng Xà No dài gần 40 km, chạy xuyên qua Hậu Giang và kết nối với sông Cần Thơ, được đào cách đây hơn 100 năm không chỉ giúp “đò em qua lại để thăm dò ý anh” như trong lời ca xưa mà từ lâu đã trở thành một tuyến vận tải thủy quan trọng chuyên chở lúa gạo và các sản vật của miền đất trù phú này tới.
Nằm kế bên Cần Thơ, trung tâm kinh tế, giao thương, văn hóa, giáo dục của Đồng bằng sông Cửu Long giúp Hậu Giang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…
Tiềm năng về nông nghiệp, về địa lý, về giao thông… vô cùng to lớn, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Hậu Giang vẫn đứng ở vị trí khá khiêm tốn trong bảng xếp hạng phát triển của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian gần đây, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách được coi là đột phá nhằm đưa Hậu Giang bứt lên, phát triển xứng tầm với tiềm năng. Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có việc xác định lại thứ tự ưu tiên: thủy sản, rau quả, lúa gạo… cũng như đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là sự cụ thể hóa những chủ trương, chính sách và quyết tâm đó. Tỉnh Hậu Giang đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200 ha cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường nằm trong những nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, giúp Hậu Giang bắt kịp và vượt lên các tỉnh trong khu vực miền Tây Nam Bộ và cả nước.
Nhằm tiếp tục tạo động lực thu hút đầu tư và kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước, Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics được tổ chức trước thềm Hậu Giang kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh. Diễn đàn có sự tham gia của các nhà lãnh đạo trung ương và tỉnh Hậu Giang, cùng 400 đại biểu là các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước để cùng nhau thảo luận các giải pháp giúp phát huy đầy đủ các thế mạnh sẵn có của địa phương trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logistics.