Hiểu về hành vi kinh tế con người

vutuan

31/10/2019 09:16

Giải Nobel Kinh tế năm 2017 trao cho Richard Thaler tôn vinh “những đóng góp của ông cho kinh tế học hành vi” – không đơn thuần là một nhánh trong kinh tế học...

Hành vi duy lý là hòn đá tảng xây dựng nên tòa tháp ngà kinh tế học. Một trong những giả định nhất quán xuyên suốt hầu hết các mô hình kinh tế học truyền thống là các chủ thể của nó là con người kinh tế (homo economicus) luôn hành động một cách duy lý. Trong phạm vi hẹp của lĩnh vực này, duy lý (rationality) được hiểu với nghĩa “ra quyết định tối ưu” – khi đối diện với lựa chọn, anh hoặc cô ta luôn chọn thứ mình thích nhất.
Hành động một cách duy lý. Trong phạm vi hẹp của lĩnh vực này, duy lý (rationality) được hiểu với nghĩa “ra quyết định tối ưu” – khi đối diện với lựa chọn, anh hoặc cô ta luôn chọn thứ mình thích nhất. Cá nhân được lý tưởng hóa này ra quyết định và hành động dựa trên tất cả thông tin và hiểu biết, bao gồm sở thích cá nhân và sự khan hiếm nguồn lực, nhằm mục đích tối đa hóa sự thỏa dụng (utility) khi là người tiêu dùng hay tối đa hóa lợi nhuận khi là người sản xuất. Giả định này thống trị và dẫn dắt các thảo luận về lý thuyết và ảnh hưởng đến quyết sách kinh tế ở khắp mọi nơi.

Tuy vậy, không khó nhận ra sự khác biệt giữa hành vi của homo economicus – con người kinh tế được lý tưởng hóa – và homo sapien – người thông thái, con người bằng xương bằng thịt. Trên thực tế, con người không luôn hành động một cách duy lý và “lạnh lùng” như vậy. Năng lực nhận thức và ý chí tinh thần của con người là có hạn. Bên cạnh đó, dù tư lợi là động lực chính lèo lái hành vi, con người còn quan tâm đến sự công bằng và bình đẳng. Lớp lớp các nhà kinh tế tấn công vào giả định về hành vi duy lý. Các nhà kinh tế học hành vi như Richard Thaler đã kết hợp kinh tế học với những hiểu biết sâu sắc của tâm lý học để cho thấy các quyết định kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào bởi những thành kiến trong nhận thức. Ông là một trong những nhà kinh tế học sáng lập của nhánh nghiên cứu về tài chính hành vi. Thaler không đồng ý với quan điểm coi kinh tế học hành vi là một cuộc cách mạng làm dịch chuyển mô thức bên trong kinh tế học. Với ông, phương pháp của kinh tế học hành vi đưa tư duy kinh tế quay trở lại điểm xuất phát của nó, bắt đầu từ Adam Smith nối tiếp qua Irving Fisher và John Maynard Keynes. Nhờ các công trình nghiên cứu kết hợp các giả định thực tế của tâm lý học vào các phân tích về việc ra quyết định kinh tế, Richard Thaler được trao giải Nobel kinh tế năm 2017. Xin trình bày các đóng góp chính của Thaler như sau:

TÍNH DUY LÝ HẠN CHẾ
Đóng góp lớn thứ nhất của Thaler là công trình tiên phong của ông về sự chệch hướng khỏi các hành vi duy lý lý tưởng sẽ định hình một cách hệ thống các quyết định kinh tế như thế nào. Năm 1980, ông đặt ra khái niệm “hiệu ứng nắm giữ” (endownment effect) để mô tả thiên hướng định giá cao một mặt hàng mà người ta sở hữu so với mặt hàng tương tự mà họ không có và chỉ ra sự liên quan của hiệu ứng này với thuyết viễn cảnh (prospect theory) của Kahneman và Tversky. Thaler lấy ví dụ về một nhà kinh tế mua một vài chai rượu vang đỏ ngon và sau một thời gian thì giá các chai rượu này tăng rất cao. Nhà kinh tế thỉnh thoảng vẫn thưởng thức những chai vang này, nhưng lại không sẵn lòng (1) bán các chai vang mình đang có theo giá thị trường hay (2) mua thêm chai rượu cùng loại với giá này. Với người này, lợi ích tổn thất từ việc từ bỏ những chai rượu này lớn hơn lợi ích nhận về từ số tiền bán rượu (trường hợp 1), trong khi tổn thất lợi ích từ việc mất đi số tiền đang có thì lớn hơn lợi ích khả dụng từ chai rượu mua về (trường hợp 2). Anh ta đánh giá cao những gì mình đang có, cả tiền mặt và rượu vang, do có ác cảm về sự mất mát với hai mặt hàng này. Thaler tìm thấy lời giải thích cho hiện tượng này nhờ thuyết viễn cảnh: nếu từ bỏ một vật được coi như là mất mát thì những cá nhân có ác cảm với mất mát sẽ hành xử như thể đồ vật mà họ đang nắm giữ có giá trị cao hơn đồ vật tương tự không thuộc sở hữu của họ. Mức độ thỏa dụng của một cá nhân, do đó, phụ thuộc vào mức độ thay đổi so với điểm tham chiếu – tức là những gì người đó có lúc ban đầu (endownment).

Sau đó, để tìm hiểu cách con người vượt qua các giới hạn nhận thức khi ra quyết định liên quan đến tài chính, Thaler phát triển lý thuyết mental accounting (tạm dịch: kế toán cảm tính). Con người có thiên hướng chú trọng vào tác động hẹp của từng sự kiện, từng tình huống mà hiếm khi đánh giá ảnh hưởng một cách tổng thể. Điều này có thể dẫn tới những quyết định thiếu tối ưu. Đơn cử, một người có thể để dành một khoản tiết kiệm cho chuyến du lịch dài ngày nhưng lại sử dụng thẻ tín dụng cho những nhu cầu chi tiêu trước mắt, cho dù lãi suất trên thẻ tín dụng cao hơn nhiều lãi suất của khoản tiết kiệm. Một cá nhân duy lý sẽ không làm như vậy bởi tiền có đặc tính có thể chuyển đổi (fungibility) – bất kể nguồn gốc hay mục đích, 1 đồng vẫn là 1 đồng.
Hành động tưởng chừng phi lý ở trên có thể giải thích được bởi cá nhân đã thực hiện mental accounting đối với nguồn tài chính của mình. Theo lý thuyết này, số tiền được phân chia một cách cảm tính thành những tài khoản riêng biệt dựa trên các tiêu chí chủ quan như nguồn gốc (tiền lương, tiền trúng giải,…) và mục đích sử dụng (chi cho nhà cửa, ăn uống, du lịch,…). Thaler lập luận rằng mỗi tài khoản cảm tính có ngân sách riêng và có điểm tham chiếu riêng – do đó sự thay đổi mức độ thỏa dụng khi biến động chệch khỏi điểm tham chiếu này ở mỗi tài khoản là khác nhau, dẫn đến tình trạng hạn chế khả năng chuyển nhượng giữa các tài khoản. Tài khoản “tiền du lịch” không thể chuyển sang tài khoản “tiền chi tiêu hàng ngày”. Một hàm ý quan trọng từ việc làm này là giá trị mà một người gán cho một khoản tiền phụ thuộc vào việc số tiền này được đặt vào trong tài khoản cảm tính nào.

THIẾU TỰ CHỦ
Đóng góp đáng kể thứ hai của Thaler liên quan đến vấn đề thiếu tự chủ khiến cá nhân không thể thực hiện kế hoạch tối ưu, dù bản thân họ là người đặt ra kế hoạch đó. Mô hình tân cổ điển về hành vi cho rằng nếu một việc mang lại độ thỏa dụng/có ích thì làm việc đó bây giờ mang lại độ thỏa dụng/ích lợi lớn hơn là trì hoãn cho tương lai, thời gian càng xa thì độ thỏa dụng càng thấp (hiện tượng được gọi là exponential discounting). Theo đó, do bỏ thuốc lá là có ích cho nên dừng hút thuốc ngay bây giờ có lợi hơn là bắt đầu vào tháng sau. Nếu kết cục tối ưu của một người là thực hiện một việc trong tương lai thì cá nhân sẽ không trì hoãn thực hiện việc đó khi thời điểm đến, tức là thị hiếu không phụ thuộc vào thời gian. Tuy nhiên, chịu thua trước các cám dỗ ngắn hạn là một lý do quan trọng khiến cho các kế hoạch tiết kiệm cho tuổi già hoặc áp dụng lối sống lành mạnh hơn thường thất bại. Câu chuyện vui về bát hạt điều của Thaler minh họa con người khó vượt qua được cám dỗ ngắn hạn ra sao. Chuyện là một hôm vợ chồng Thaler tổ chức một bữa tiệc tối cho một số người bạn. Trước bữa tối, Thaler mang ra một bát hạt điều lớn và mời các thực khách.

Những vị khách ngấu nghiến bát hạt điều và sớm nhận ra rằng nếu tiếp tục ăn thì họ sẽ khó mà thưởng thức trọn vẹn bữa tối. Nhưng hạt điều quá hấp dẫn, các vị khách không thể ngừng được; vì vậy, họ đã cầu xin Thaler cất bát đi. Khả năng thiếu kiểm soát của các vị khách mâu thuẫn với giả định cổ điển rằng cá nhân luôn lựa chọn hành vi tối ưu một cách dễ dàng. Thaler đặt ra các thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết về tính nhất quán về thời gian khi ra quyết định và cho thấy con người có khuynh hướng lựa chọn làm những việc mang lại lợi ích nhỏ ngay lập tức thay vì những việc mang lại lợi ích lớn nhưng ở trong tương lai (hiện tượng được đặt tên là hyperbolic discounting).
Thaler và Shefrin phân tích vấn đề về tự kiểm soát bằng mô hình người lập kế hoạch (planner) - người thực thi (doer). Trong mô hình này, trong mỗi người tồn tại hai cá thể: một có tầm nhìn xa lập kế hoạch trước còn cá thể thực thi hành động lại thiển cận hơn. Cá thể lập kế hoạch muốn tối ưu hóa lợi ích lâu dài, trọn đời còn cá thể thực thi hành động chỉ quan tâm đến lợi ích hiện tại, do đó hành động của cá nhân có thiên hướng đáp ứng nhu cầu trước mắt hơn. Để tối ưu hóa lợi ích thì cá thể lập kế hoạch phải ép buộc cá thể thực thi bằng ý chí hoặc áp đặt các quy tắc giới hạn. Tuy nhiên mỗi người có sức mạnh ý chí khác nhau, hiệu quả của việc áp đặt ý chí lên hành động phụ thuộc vào đặc tính riêng của từng người.
Nếu cá nhân không đủ ý chí để tự áp đặt hay đặt ra các quy tắc hành động thì liệu có thể tác động bằng chính sách? Thaler chứng minh các chính sách thiết kế theo hướng tạo ra các cú hích (nudge) có thể lèo lái hành vi của con người theo hướng lựa chọn hành động có lợi cho chính họ trong dài hạn. Một điểm đáng chú ý là con người thường bám vào lựa chọn mặc định. Bằng việc thay đổi lựa chọn mặc định và chi phí thay đổi thấp, người thiết kế chính sách một mặt không cản trở cá nhân lựa chọn theo ý muốn của mình, đồng thời thúc đẩy cá nhân chọn những việc “có ích” như tiết kiệm nhiều hơn cho quỹ lương hưu hay lựa chọn hiến tạng. Nhiều quốc gia, đặc biệt tại Mỹ và Anh, đã áp dụng cú hích vào trong quá trình thiết kế chính sách về lương hưu, y tế, giáo dục. Chính phủ của Mỹ thời Tổng thống Barack Obama đã thành lập Nhóm Khoa học Xã hội và Hành vi (Social and Behavioral Sciences Team) thuộc Nhà trắng để đưa các thử nghiệm thực địa vào các chương trình liên bang. Chính phủ Anh thành lập Nhóm Kiến giải Hành vi (Behavioral Insights Team) sử dụng kinh tế học hành vi để thiết kế chính sách mới.

Cuốn sách bán chạy “Nudge” (tựa tiếng Việt: “Cú hích”) của Richaed Thaler và Cass Sunstein

THỊ HIẾU XÃ HỘI
Một đóng góp quan trọng của Thaler liên quan đến các nghiên cứu của ông và cộng sự về nhận thức của cộng đồng về sự công bằng có thể ảnh hưởng tới các quyết định kinh tế như thế nào. Ông cũng chỉ ra sự quan tâm về tính công bằng ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng và thị trường lao động, cùng với hàm ý về hành vi tối ưu của doanh nghiệp.
Các nhà kinh tế Solow, Akerlof và Okun đặt ra giả thuyết mối quan tâm về tính công bằng có ảnh hưởng đến quá trình định giá hay quyết định về tiền lương của doanh nghiệp. Nghiên cứu của Thaler cùng Kahneman và Knetsch năm 1986 cung cấp bằng chứng về giả thuyết này. Họ xác định ba yếu tố tác động đến cảm nhận về sự công bằng: điểm tham chiếu, cách gắn nhãn hay “đóng khung” (framing), và tình huống của hành động.
Điểm tham chiếu là giá hoặc mức lương hiện hành, biến động so với điểm tham chiếu này có thể bị đánh giá là không công bằng. Lương của một nhân viên hiện thời là 9 USD/giờ thì đây là điểm tham chiếu của người đó, điểm tham chiếu của nhân viên mới có thể thấp hơn. Việc giảm lương của nhân viên hiện tại còn 7 USD/giờ sẽ bị cho là bất công hơn là thuê một nhân viên mới với tiền công 7 USD/giờ để thay thế cho nhân viên cũ nghỉ việc.
Khi đánh giá sự thay đổi của giá so với điểm tham chiếu, cách “gắn nhãn” vấn đề quan trọng không kém. Giá của một chiếc xe ô tô mới tăng 20 triệu đồng sẽ bị coi là thiếu công bằng hơn khi việc tăng giá được “gắn nhãn” là tăng giá bán niêm yết so với khi vấn đề được “đóng khung” là giảm chiết khấu. Cuối cùng, Thaler và cộng sự thấy rằng bối cảnh ảnh hưởng đến cảm nhận về sự công bằng. Việc tăng giá tiêu dùng thường sẽ được chấp nhận nếu nguyên nhân đến từ việc tăng giá đầu vào sản xuất, ví dụ giá thịt lợn tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng không được chấp nhận nếu nhà sản xuất lợi dụng sức mạnh thị trường (độc quyền) để tăng giá, ví dụ hãng hàng không duy nhất vận hành đường bay ra đảo tăng giá vé trong khi chi phí không đổi.
Những yếu tố này đặt ra các hàm ý quan trọng với thị trường hàng hóa tiêu dùng: khi có cú sốc từ phía cầu, thị trường phản ứng kém linh hoạt hơn do không thể tăng giá (vì sẽ bị coi là không công bằng) và kích thích việc phân bổ lại hàng hóa, tình trạng thiếu hụt khó giải quyết được. Giá cả phản ứng mạnh hơn khi có cú sốc từ phía cung, và giá nhạy cảm hơn khi chi phí tăng hơn khi chi phí giảm.



Tác giả: Ngô Quốc Thái

Ngô Quốc Thái tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học, chuyên ngành Tài chính định lượng, Đại học Strathclyde (UK). Trước đó, anh nhận bằng Cử nhân ngành Kinh tế học, Đại học Quốc gia Úc (Australia).

Anh hiện là Chuyên viên kinh doanh phái sinh và phân tích vĩ mô. Trước đó, anh đã có thời gian công tác tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Hiểu về hành vi kinh tế con người" tại chuyên mục E-magazine.