Phương pháp kết nối và lãnh đạo đội ngũ đa thế hệ trong giai đoạn mới

Dương Tống - CEO HomeNext, OnHomeAsia, Tác giả sách

11/04/2024 20:03

Với lực lượng lao động đa dạng như ngày nay, việc quản lý đội ngũ đa thế hệ là điều phổ biến dành cho các cấp lãnh đạo. Việc mỗi thế hệ nhân sự có lối tư duy riêng biệt, phong cách làm việc và giao tiếp khác nhau sẽ khiến nhà lãnh đạo gặp phải ít nhiều thách thức trong việc quản lý. Bài viết này, hãy cùng tôi đi sâu vào khám phá các chiến lược để lãnh đạo đội ngũ đa thế hệ, kết nối nhằm khai thác những thế mạnh riêng biệt của họ, thúc đẩy quá trình làm việc và đổi mới.

1. Các thế hệ khác nhau trong doanh nghiệp

Nơi làm việc hiện đại là nơi hội tụ của nhiều nhóm tuổi khác nhau, mỗi nhóm có những suy nghĩ, mong muốn, niềm tin giá trị, kỳ vọng và phong cách làm việc riêng. 

Việc lãnh đạo đội ngũ nhiều thế hệ đòi hỏi sự hiểu biết về những khác biệt này và khả năng tận dụng chúng để khám phá những giới hạn khác nhau của mỗi người. Sau đây là là 3 nhóm thế hệ (Gen) tiêu biểu thuộc lực lượng lao động hiện nay:

1.1 Gen X (Xers):

– Sinh từ năm 1965 đến 1980, thế hệ X có đặc điểm là tính độc lập, khả năng thích ứng và tính hoài nghi.

– Họ coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tính tự chủ và kết quả hữu hình.

– Họ có kinh nghiệm trong cơ cấu công việc truyền thống nhưng cởi mở với các công nghệ và phương pháp mới.

1.2 Gen Y (Millennials):

– Sinh từ năm 1981 đến 1996, Millennials là những người am hiểu công nghệ, đầy tham vọng và luôn tìm kiếm mục đích trong công việc của mình.

– Họ coi trọng sự hợp tác, phản hồi tích cực và phát triển cá nhân.

– Thế hệ Y thoải mái lĩnh hội với những tiến bộ công nghệ nhanh chóng và thích sắp xếp công việc linh hoạt.

1.3 Gen Z (Zers):

– Sinh từ năm 1997 đến 2012, thế hệ Z rất đa dạng, thuộc nhóm thế hệ kế thừa những thành tựu công nghệ mới mẻ hiện nay, có tinh thần kinh doanh.

– Họ ưu tiên sự đa dạng, tác động xã hội và giao tiếp tức thời.

– Thế hệ Gen Z thích học tập trải nghiệm và thành thạo trong việc điều hướng các nền tảng kỹ thuật số.

2. Kết nối với nhân sự Gen X

Theo một nghiên cứu của trường Đắc Nhân Tâm Dale Carnegie: Thế hệ Gen X là nhóm đang sắp đối mặt với chế độ giảm biên chế trong thị trường việc làm hiện nay. Họ là những người thường thận trọng và hoài nghi với các cấp lãnh đạo. Chính vì thế, nhà lãnh đạo cần nhận ra các đặc điểm tâm lý của thế hệ này và có các biện pháp gắn kết họ:

– Tạo cơ hội tự chủ, phát triển trí sáng tạo: Với bản chất độc lập của mình, nhà lãnh đạo cần cho họ không gian để sáng tạo, cho phép họ có cơ hội tận dụng tài nguyên và khả năng sáng tạo của mình để đạt được mục tiêu mong muốn.
 

Để không gian cho các suy nghĩ sáng tạo và làm việc tự chủ là điều cần thiết cho các nhân sự Gen X

Để không gian cho các suy nghĩ sáng tạo và làm việc tự chủ là điều cần thiết cho các nhân sự Gen X (Nguồn: Sưu tầm)

– Sắp xếp công việc linh hoạt: Những người thuộc thế hệ Gen X thường có xu hướng bền vững trong công việc và cuộc sống, nhưng họ sẵn sàng thích nghi với sự đổi mới. Vì thế, để tạo gắn kết với họ, nhà lãnh đạo cần trò chuyện và truyền đạt rõ ràng về tính chất công việc với nhân viên để họ có thể điều chỉnh mục tiêu phù hợp với tổ chức. Giao cho họ đảm nhận những dự án và trao quyền để họ kiểm soát chính những công việc đó.

– Ghi nhận kinh nghiệm và chuyên môn: Cung cấp những phản hồi mang tính xây dựng, đồng thời khuyến khích họ học tập và phát triển kỹ năng liên tục. Những nhân sự Gen X cần được tôn trọng ý kiến và họ cần biết những gì mình đang làm là đúng để có động lực phát triển trong tương lai.

Nói chung, đối với thế hệ Gen X, nhà lãnh đạo cần tự do để nhân sự có không gian phát triển tính thích ứng của mình, khuyến khích họ trang bị một tinh thần cầu tiến trong công việc.

3. Cách kết nối với thế hệ Gen Y

Thế hệ Gen Y nhận được sự ưu ái đặc biệt hơn so với bậc tiền bối trước đó – Gen X, khi là thế hệ sinh ra trong thời đại công nghệ tiên tiến. Theo một nghiên cứu dự báo xu hướng lực lượng lao động: Vào năm 2025, Gen Y sẽ chiếm đến 75% lao động trên toàn thế giới. Cho nên, tập trung gắn kết với các Millennials là một chiến lược trọng tâm để tích lũy cho doanh nghiệp nguồn lao động có tiềm năng. Các cách tạo kết nối hiệu quả bao gồm:

– Cung cấp các thử thách phù hợp với và cho phép phát triển tính sáng tạo cá nhân: Thế hệ Y là những người thích cảm giác được thử thách, trải nghiệm điều mới mẻ, vì thế hãy chỉ định họ đảm nhận các dự án mà họ có thể học hỏi nhiều. Đồng thời, đặt ra phần thưởng cho sự những suy nghĩ táo bạo và các phát kiến sáng tạo.

– Tạo ra một môi trường làm việc hợp tác và hòa nhập, phân công trách nhiệm rõ ràng: Gen Y thích được đồng hành với các cộng sự của mình và nhóm là nơi tiếng nói của họ được lắng nghe và đánh giá cao. Tạo một không gian để họ tham gia làm việc chung cùng nhiều thế hệ khác nhau để tạo ra sự khác biệt.

– Phản hồi tích cực, khích lệ: Nhà lãnh đạo cần thường xuyên công nhận những đóng góp mà những nhân viên thuộc thế hệ Gen Y đã làm. Điều tốt nhất là khích lệ những giá trị mà họ cung cấp như là khen thưởng trước mọi người.

Vì thế, nhà lãnh đạo cần khuyến khích nhân viên Gen Y tham gia vào các cuộc làm việc nhóm, để họ sử dụng và tiếp xúc với các công nghệ hiện đại để phục vụ công việc một cách tốt nhất.

4. Cách tạo kết nối với thế hệ Z

Gen Z là một thế hệ được nhiều chuyên gia nhận định là vô cùng năng động, sáng tạo, chủ động và có cá tính trong công việc. Nếu có thể tận dụng được các đặc điểm nổi trội này, thì đây là một điều tuyệt vời với hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng phần lớn tình trạng đi theo chiều hướng ngược lại.

Theo Phó giám đốc công ty Lotus Holdings, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh: Năng suất làm việc của gen Z rất hiệu quả. Họ có những suy nghĩ, ý tưởng độc đáo. Nhưng vì có cá tính mạnh và cái tôi quá lớn nên một bộ phận Gen Z thường ảo tưởng, đòi hỏi yêu cầu quá cao. Chính điều đó đã làm khó cho lãnh đạo.

Không những thế, sự mâu thuẫn về suy nghĩ giữa hai thế hệ X, Y với thế hệ Z thường diễn ra, gây ra sự mất đoàn kết trong đội nhóm. Để tháo gỡ nút thắt này, nhà lãnh đạo cần phải có chiến lược linh hoạt:

– Tạo không gian giao tiếp, lắng nghe tích cực: Nhà lãnh đạo cần tạo điều kiện sắp xếp những thế hệ X, Y, Z cùng làm việc chung. Với Gen X, Y, nhà lãnh đạo cần động viên họ bỏ qua định kiến mà chấp nhận những cá tính Gen Z. Và ngược lại, Gen Z cũng nên tôn trọng những người có thâm niên cao hơn mình. Cả hai cùng nhau đặt cái tôi thấp xuống để cùng nhau làm việc.

– Khuyến khích làm việc linh động, nhưng không được phá vỡ nội quy, văn hóa doanh nghiệp: Với đội ngũ Gen Z, khơi dậy tinh thần sáng tạo bằng cách trao quyền cho họ chủ động và theo đuổi những ý tưởng đổi mới. Tuy nhiên, cũng đảm bảo Gen Z không được vượt quá khuôn khổ quy định của doanh nghiệp.

– Nuôi dưỡng một nền văn hóa đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI): Phổ biến về văn hóa doanh nghiệp DEI cho cả ba thế hệ X, Y, Z: Lực lượng lao động đa dạng về thế hệ, giới tính, độ tuổi sắc tộc; Công bằng trong trong cách cư xử với nhau; Hòa nhập trong cách đón nhận và cho phép mọi người cùng làm việc để phát triển.

Xây dựng môi trường văn hóa đa dạng, công bằng và hòa nhập, nơi mà cả ba thế hệ X, Y, Z cùng nhau phối hợp phấn đấu và phát triển công việc

Xây dựng môi trường văn hóa đa dạng, công bằng và hòa nhập, nơi mà cả ba thế hệ X, Y, Z cùng nhau phối hợp phấn đấu và phát triển công việc (Nguồn: Sưu tầm)

– Khuyến khích cố vấn: Cố vấn là một giải pháp tuyệt vời để lãnh đạo đội nhóm đa thế hệ. Điều này cho phép thành viên trong các nhóm thế hệ được học hỏi lẫn nhau. Ví dụ như một nhân viên có thâm niên 10 năm trong công ty có thể chỉ dạy những kỹ năng cơ bản về công việc, văn hóa công ty cho nhân viên mới. Ngược lại, nhân viên Gen Z có thể chỉ lại cho những người lớn tuổi hơn về áp dụng công nghệ, xu hướng mới nhất hiện nay để tối ưu quy trình làm việc hơn…

Suy cho cùng, gắn kết với Gen Z là một hoạt động không phải dễ dàng đối với bất kỳ người lãnh đạo nào, nó đòi hỏi tính kiên trì và cần sự phối hợp của cả ba thế hệ X, Y, Z cùng nhau tôn trọng, bền bỉ thực hiện để đi đến kết quả.

Kết luận

Việc lãnh đạo đội ngũ đa thế hệ trong thời kỳ đổi mới đòi hỏi một cách tiếp cận đa sắc thái. Bằng cách hiểu được sở thích, giá trị và phong cách của từng nhóm khác nhau, tôi hy vọng những chia sẻ từ bài viết sẽ giúp các nhà lãnh đạo có thể tạo ra một môi trường nhóm gắn kết và năng động, có lợi cho sự sáng tạo, hợp tác và đổi mới hiệu quả.

Dương Tống - CEO HomeNext, OnHomeAsia, Tác giả sách