Dầu mỏ chẳng có gì xa lạ. Điều này hoàn toàn đúng về mặt địa chất. Nhưng ngay cả lịch sử sử dụng cũng lâu dài hơn chúng ta tưởng, từ nhựa bitum để chống thấm nước cho các con tàu cổ đại, cho đến sự thống trị của dầu mỏ dưới dạng xăng, dầu hay khí đốt trong thị trường năng lượng toàn cầu hiện nay.
Tìm ra dầu mỏ và công dụng là một chuyện nhưng người tiêu dùng trực tiếp không thể hô một cái là có dầu chuyển tới ngay cho họ. Vận tải luôn luôn là chìa khóa, theo Mike Hanrahan, chuyên gia IT với gần 30 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực dầu khí. Mặc dù lịch sử lâu đời, việc quản lý chuỗi cung ứng ngành dầu khí chỉ mới được quan tâm từ đầu thế kỷ XX – khi thế giới bắt đầu chịu ảnh hưởng và định hình từ nguồn năng lượng kinh tế quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, như Daniel Yergin từng nói trong cuốn Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực. Dù mang đặc điểm thiếu linh động và phức tạp (do quá trình vận chuyển kéo dài, năng lực sản xuất gần như cố định và hạn chế về phương tiện vận chuyển), chuỗi cung ứng dầu mỏ vẫn còn cơ hội cải thiện nhằm giảm chi phí vận tải.
Thách thức logistics trong quản lý chuỗi cung ứng
Ngành công nghiệp dầu khí về bản chất mang tính toàn cầu. Do đó, trang thiết bị và sản phẩm có thể được vận chuyển giữa những lục địa khác nhau. Khoảng cách xa, các phương tiện vận chuyển chuyên dụng vận tốc thấp (chủ yếu là đường ống, tàu biển, đường sắt) và bắt buộc chuyển đổi hình thức vận tải đường bộ để đến tay người tiêu dùng khiến chi phí logistics tăng cao. Chỉ riêng hiệu quả sản xuất không còn đảm bảo lợi thế cạnh tranh, ngành dầu khí cần các quy trình tích hợp trên toàn bộ chuỗi cung ứng từ thượng nguồn đến hạ nguồn. “Quản lý chuỗi cung ứng là xương sống của một ngành có chi phí logistics còn lớn hơn chi phí sản xuất”, theo lời Werner Paratorius, chủ tịch bộ phận hóa dầu của Tập đoàn Hóa chất BASF (trụ sở tại Đức).
Một thách thức khác là thái độ lo lắng phổ biến về việc hợp tác và chia sẻ thông tin về nhu cầu/ giá cả giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng. Để cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, triết lý mới trong ngành đó là: hợp tác với đối thủ. “Hợp tác, chia sẻ thông tin và tối ưu nguồn vốn cần những thay đổi lớn trong cách nghĩ vì các nhà sản xuất, các công ty logistics phải làm việc với đối thủ cạnh tranh, cũng như những đối tác khác trong chuỗi cung ứng”, theo Phil Browitt, CEO của công ty logistics Agility (Kuwait).
Thông lệ hoán đổi (swap practice)
Khi nhu cầu thuê ngoài bộ phận logistics trở thành xu hướng, các công ty dầu trở nên ngày càng phụ thuộc vào đơn vị cung ứng bên thứ ba thực hiện việc quản lý chuỗi cung ứng cho mình. Tuy nhiên, các công ty trong ngành công nghiệp dầu đã tìm ra một cách “thuê ngoài” khác là lập đồng minh và hợp tác với đối thủ. Hình thức hợp tác này được gọi là “đổi hàng tương hỗ hợp tác có hệ thống” (tạm gọi là hoán đổi - swap).
Hình thức hợp tác này thực ra là thông lệ phổ biến từ lâu trong ngành và đem lại lợi ích đôi bên. Gần đây nhất là trường hợp tháng 9.2018, một bên mua Trung Quốc đặt hàng khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, đã hoán đổi chuyến hàng tương tự với một công ty từ nước khác để tránh mức thuế suất mới từ chính phủ Mỹ, theo nguồn tin của Bloomberg.
Thông lệ hoán đổi này được thực hiện dưới nhiều hình thức: hoán đổi giao hàng, hoán đổi tài sản và hoán đổi kinh doanh.
Hoán đổi giao hàng (shipment swap): Thông lệ này khả dĩ vì trong thương mại hàng hóa, người dùng cuối không quan trọng nguồn hàng ở đâu miễn sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và giao hàng đúng hạn. Do đó, các công ty sản xuất dầu và hóa dầu lập thành đồng minh chuỗi cung ứng để giao hàng cho khách hàng, giảm chi phí vận chuyển, lưu kho đồng thời cải thiện dịch vụ khách hàng. Chi phí tiết kiệm được trên toàn chuỗi sẽ được chia sẻ giữa các công ty đồng minh.
Ví dụ, trong năm 2000, thỏa thuận hoán đổi khí LNG đã diễn ra giữa Algeria, Trinidad và Tobago và Tây Ban Nha. Đầu tiên, Công ty Atlantic LNG (Trinidad và Tobago) có hợp đồng bán LNG cho Gas Natural (Tây Ban Nha); đồng thời Công ty Sonatrach (Algeria) có hợp đồng tương tự xuất sang Mỹ. Gas Natural Tây Ban Nha quyết định bán lại lô hàng và giao LNG từ Trinidad cho Mỹ, lô hàng của Sonatrach Algeria đáng lẽ chuyển đến Mỹ, lại được chở sang Tây Ban Nha, rút ngắn đáng kể chặng vận tải biển và giảm chi phí logistics cho tất cả các bên. Năm 2001, các giao dịch hoán đổi này đã phát triển thành thỏa thuận lâu dài với việc ký kết hợp đồng giữa Sonatrach của Algeria, Gas Natural của Tây Ban Nha, Tractebel LNG ở Bắc Mỹ và Distrigas của Bỉ, giúp các công ty từ cả hai bờ Đại Tây Dương này phản ứng nhanh hơn với các cơ hội thương mại, giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Hoán đổi tài sản (Asset Swap)
Năm 2001, hai công ty ở Đức BP và E.ON đã thực hiện hoán đổi tài sản, trong đó BP tiếp quản Veba Oel, công ty khai thác và lọc dầu và hóa dầu của E.ON, còn E.ON mua 25% cổ phần trong Ruhrgas, nhà phân phối khí đốt lớn nhất của Đức. Việc hoán đổi tài sản giúp BP đạt được 2,1 triệu tấn khí ethylene - khoảng 40% sản lượng năm của cả nước, và E.ON kiểm soát một trong những hệ thống phân phối khí đốt lớn nhất ở Đức.
Gần đây hơn, năm 2017, Iraq và Iran đã đạt được thỏa thuận hoán đổi lên đến 60.000 thùng mỗi ngày trong một năm giữa dầu thô của Iraq với dầu thành phẩm của Iran. Theo đó, mỗi ngày các xe bồn chuyên dụng sẽ vận chuyển khoảng 30.000-60.000 thùng dầu thô từ mỏ dầu Kirkuk tới khu vực biên giới Kermanshah, nơi Iran có một nhà máy lọc dầu; còn Iran sẽ vận chuyển đến các cảng phía nam của Iraq loại dầu có đặc tính tương đương và với số lượng ngang bằng với lượng với dầu thô từ Kirkuk. Trước đây, Iraq cũng từng hoán đổi khí thiên nhiên do mình sản xuất để lấy benzene và diesel từ Kuwait. Việc hoán đổi này vừa giúp Kuwait giải phóng được một số lượng dầu đáng kể, vừa có được khí đốt để sản xuất điện.
Hoán đổi nghiệp vụ (Business Swap)
Năm 2001, BP Industries (Anh) hoán đổi nghiệp vụ chất nhũ hóa PEG của mình để lấy nghiệp vụ sản xuất dung môi BGE (butyl glycol ether) của Clariant, một công ty hóa dầu Thụy Sĩ. Tất nhiên, việc hoán đổi nghiệp vụ chỉ giới hạn ở danh sách khách hàng và hợp đồng, không có sự trao đổi các đơn vị sản xuất, nhân viên hay tài chính giữa hai bên. Thỏa thuận này đã mở rộng phạm vi các sản phẩm mà Clariant cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô và cho phép BP sử dụng tốt hơn nhà máy tại Lavera (Pháp) để sản xuất BGE.
Áp dụng mô hình quản lý hoán đổi
Có thể thấy, thông lệ hoán đổi thực sự đem lại lợi thế đáng kể cho các công ty dầu khí, giúp duy trì nguồn cung dầu thô liên tục, giảm thời gian vận chuyển, giảm giá thành sản xuất và phân phối và thực hiện các thao tác thương mại dễ dàng hơn. Tuy vậy, thông lệ hoán đổi vẫn chưa được quan tâm nhiều trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng của ngành dầu khí. Cách thức hoán đổi thường đơn giản dựa trên đánh giá (judgmental) và không đảm bảo được giải pháp tối ưu. Một mô hình hoặc phương pháp toán học hoặc giả lập cụ thể đem đến cho những người chơi trong ngành dầu khí nhiều công cụ hữu hiệu để quản lý chuỗi cung ứng.
Một mô hình được nhóm ba nhà nghiên cứu Raed Al-Husain, Tiravat Assavapokee và Basheer Khumawala hợp tác thực hiện để đề xuất cách giải quyết bài toán tối ưu hoán đổi. Trong nghiên cứu của ba tác giả được đăng tải trên Tạp chí Khoa học Quốc tế Int. J. Applied Decision Sciences năm 2008, các hằng và biến của vấn đề hoán đổi giữa hai công ty A và B (bao gồm: sản xuất, phân phối, khách hàng, vị trí bến cảng, chi phí vận tải, v.v) được đưa vào mô hình toán học nhằm tối ưu hóa chi phí tiết kiệm được cho cả hai bên (swap model). Mô hình swap model được đưa vào thử nghiệm thực tế, và kết quả là tiết kiệm được 20% chi phí so với cách thức hoán đổi dùng phương pháp đánh giá (judgmental).
Như vậy, việc nghiên cứu và khai thác triệt để mô hình quản lý việc hoán đổi giúp giải quyết thách thức logistics trong ngành dầu khí, trở thành gợi ý hữu ích cho các công ty quan tâm đến việc thực hành hoán đổi. Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật quản lý chuỗi cung ứng một cách khoa học như vậy cũng góp phần nâng cao mức độ hiểu biết và tin tưởng vào việc hợp tác giữa các công ty trong toàn ngành dầu khí.
Cao Dung (tổng hợp)