Nhờ vào đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, những tàu chứa đầy ắp dầu phải neo lại các cảng lớn, mong chờ nhu cầu dầu mỏ tăng trở lại và giá cả đủ hợp lý để trút bớt dầu khỏi bể chứa. Nhưng thậm chí trước cả khi dịch bệnh bùng phát, tương lai kinh tế thế giới đã bắt đầu chua chát với các nhà sản xuất dầu mỏ, điều chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn bao giờ hết trong mùa báo cáo kết quả tài chính tới đây.
Hãy lấy ví dụ từ hậu duệ của hai ông lớn lâu đời trong ngành dầu mỏ là Standard Oil và D. Rockerfeller để phân tích.
Đầu tiên, Standard Oil trở thành Esso, rồi phát triển thành tập đoàn Exxon và ngân hàng JPMorgan Chase như bây giờ. Về mọi lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp này đã gấp đôi quy mô khai thác nhiên liệu hóa thạch. Hiểu rõ vấn đề biến đổi khí hậu từ những năm 1980, nhưng thay vì cảnh báo chúng ta, Exxon lại giúp xây dựng nên kiến trúc thông tin lừa dối, chối bỏ và bóp méo sự thật, làm cản trở ứng phó của toàn cầu trong suốt ba thập kỷ.
Trong 30 năm đó, Exxon được lợi không xuể, bỏ túi số tiền khổng lồ. Nhưng việc sản xuất ra thứ sản phẩm hủy hoại trái đất phải trả giá bằng áp lực pháp lý to lớn. Exxon có thể dùng ảnh hưởng chính trị để trì hoãn luật định một thời gian chứ không thể mãi mãi. Đó là những gì xảy ra trong bàn thảo luận về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015, khi tất cả vỡ lẽ ra rằng đã đến lúc loài người phải cai cơn nghiện dầu.
Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu phải đối mặt với thách thứ hai. Các kỹ sư điện gió và mặt trời không ngừng giảm giá sản phẩm công nghệ, đến mức có thể sử dụng năng lượng xanh sạch mà chi phí vẫn rẻ hơn khoan dầu lên rồi đốt. Đầu tháng Năm tại Abu Dhabi, công ty năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới hứa hẹn mức giá chỉ hơn 1 xu cho mỗi kWh (trong khi giá bán điện trung bình ở Mỹ vào khoảng 13 xu/kWh).
Kết quả của áp lực kép này là ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch đã phát triển chậm lại trong thập kỷ cuối bùng nổ kinh tế, thua tất cả các lĩnh vực khác. Exxon, do đó, từ vị thế "ông hoàng không ai dám trái ý ở Phố Wall" - một trong những công ty quyền lực nhất thế giới, trở thành "một công ty bình thường", giá trị còn thấp hơn chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng Home Depot, theo báo cáo của Bloomberg Businessweek.
Và không chỉ riêng Exxon. Như nhà vận động tài chính năng lượng Clara Vondrich đã chỉ ra: các công ty dầu khí lớn phải lần lượt cắt giảm mức chia lợi nhuận cho cổ đông để bù đắp cho khoản hoàn vốn ngày càng suy giảm. Warren Buffet đầu tháng Năm đã chính thức xin lỗi cổ đông vì khoản đặt cược 10 tỉ USD vào ngành dầu mỏ. "Nếu quý vị là cổ đông của bất kỳ công ty dầu khí nào, thì quý vị đã cùng tôi phạm sai lầm", ông thừa nhận.
Nhưng không phải ai cũng sai lầm như vậy. Một thập kỷ trước, đã có một số người bắt đầu vận động thoái hóa vốn cho nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích các công ty lớn chuyển đổi đầu tư để chống biến đổi khí hậu. Trong tâm trí chúng ta, lý do đạo đức để hành động rất to lớn, nhưng không hề lường trước rằng danh mục đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.
Những người thừa kế của John Rockefeller là nhóm đã chuyển đổi. Năm 2014, họ thoái vốn từ đầu tư nhiên liệu hóa thạch sang quỹ từ thiện, một câu chuyện đình đám trên các trang nhất báo chí bấy giờ, vì một trong các ông lớn ngành dầu mỏ ra khỏi lĩnh vực dầu có vẻ đánh dấu một bước ngoặt gì đó quan trọng. Những người thừa kế của Rockerfeller thực sự đang phản ứng với quan ngại về sự nóng lên toàn cầu. Họ thông báo kế hoạch tại Nhà thờ St. John the Pine ở thành phố New York, bao gồm một video đáng chú ý từ Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu, người so sánh việc thoái vốn nhiên liệu hóa thạch ngang tầm đóng góp để chấm dứt phân biệt chủng tộc. Nhưng những người thừa kế của Rockerfeller cũng cho biết họ cho rằng kế hoạch của họ có ý nghĩa kinh tế.
Hóa ra họ đã đúng. Tuần đầu tháng Năm, gia đình Rockerfeller báo cáo về kết quả kế hoạch, tóm tắt tình hình lợi nhuận năm năm tính đến cuối năm 2019 (nghĩa là trước khi đại dịch COVID-19 đẩy nhanh các xu hướng về dầu mỏ hiện nay). Như tờ Washington Post bình luận, “bất chấp dự đoán của các nhà quản lý tài sản”, gia đình Rockerfeller đã làm rất tốt. Danh mục đầu tư của họ tăng 7,76%/ năm trong giai đoạn trên, so với mức chuẩn 6,71% nếu họ giữ lại các khoản mục đầu tư cũ.
Không cần quan tâm nhiều đến niềm vui lợi nhuận 1% là bao nhiêu mới hiểu được vấn đề này. Nó đã khiến giới tài chính ngày càng sẵn sàng quay lưng với ngành nhiên liệu hóa thạch. Chẳng hạn, vào tháng Một, BlackRock, công ty quản lý khối tiền lớn nhất Trái Đất, cho biết, các lo lắng về biến đổi khí hậu sẽ yêu cầu “sự tái định hình về cơ bản của tài chính”. Nói cách khác, chuyên gia đầu tư của America’s TV - ông Jim Cramer từng nói với khán giả CNBC rằng, “Tôi đã thôi không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nữa”, vì “không còn tiền để làm” khi ngày càng nhiều quỹ thoái vốn. Ông nói, các công ty dầu mỏ lớn (Big Oil), “có thể đứng sai bên trong tình hình này”.
Quay lại với JPMorgan Chase và mùa họp cổ đông đang diễn ra. 50 năm trước, Chase do David Rockerfeller, cháu trai của John D. Rockerfeller điều hành. David bị mắc kẹt trong ngành công nghiệp nhiên liệu dầu mỏ lâu nhất và mạnh nhất. Nhiều năm sau hiệp ước chung Paris (Paris Climate Accords), ngân hàng Chase đã cho Big Oil vay hơn một một phần tư nghìn tỉ USD, khiến ngân hàng này thành một trong số những lực cản chính làm chậm lại hành động đối phó sự nóng lên toàn cầu. Và không có gì ngạc nhiên khi nhân vật cao cấp bên ngoài hội đồng quản trị Chase là một người đàn ông tên Lee Raymond, người từng là chủ tịch và CEO của Exxon trong những năm tập đoàn này chối bỏ mạnh mẽ nhất sự thật biến đổi khí hậu.
Nhưng những thương vụ làm ăn của Chase không có kết quả tốt đẹp chút nào: ngày 4.5.2020, Chase báo cáo thu nhập quý I giảm 70% và theo tờ Energy and Environment News, “các khoản cho vay dầu khí gây tranh cãi là phần lớn lý do”. Trong khi đó, các nhà hoạt động từ StopTheMoneyPipeline.com và các cổ đông lớn của ngân hàng do Kiểm soát viên Thành phố New York Scott Stringer dẫn đầu đã gây áp lực buộc ngân hàng phải loại Raymond khỏi vị trí giám đốc điều hành. Stringer cho biết ông sẽ dùng tới quyền biểu quyết của các quỹ hưu trí thành phố chống lại Raymond vì ông này “thiếu công tâm và thờ ơ với biến đổi khí hậu”.
Chase thoái lui, hạ bệ Raymond khỏi vị trí lãnh đạo. Các nhà hoạt động vẫn đang cố gắng loại bỏ hoàn toàn Raymond ra khỏi hội đồng quản trị trong cuộc họp cổ đông thường niên. Vừa rồi, quỹ hưu trí khổng lồ ở California không còn theo đuổi nỗ lực này nữa, nên có thể Raymond sẽ còn trong hội đồng quản trị, nhưng vị thế của ông sẽ chỉ như một gợi nhắc đáng buồn cho vinh quang một thời của Big Oil.
Dĩ nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ không phải hoàn toàn hết cách xoay trở. Quyền lực chính còn lại sẽ là ảnh hưởng chính trị và ngành này vẫn đang dùng để cố gắng đảm bảo các công ty dầu mỏ lớn nhận được thật nhiều tiền cứu trợ liên bang. Điều này thật phi lý: chính phủ liên bang đã cho họ những khoản trợ cấp khổng lồ trong nhiều thập kỷ (như trợ cấp khấu hao dầu mỏ), và bây giờ, họ nên tập trung bảo lãnh cho công nhân, giúp họ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo – công việc có tương lai, theo lời nhà vận động năng lượng Jamie Henn.
Tương lai của ngành năng lượng đáng giá bao nhiêu? Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature của các nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Bắc Kinh tính toán các khoản đầu tư để giảm khí thải nhà kính theo Thỏa thuận chung Paris sẽ tiêu tốn tới 100 nghìn tỉ USD tính năm 2100. Nếu không, thế giới sẽ phải chi trả từ 127 đến 616 nghìn tỉ để tránh các tổn thất khổng lồ gây ra do nhiệt độ hành tinh gia tăng.
Và nếu các quốc gia không đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris, thiệt hại kinh tế vào năm 2100, có thể đạt 792 nghìn tỉ USD.
Theo The New York Review of Books