Ngân hàng thất thế

minhtam

02/10/2020 13:46

Ngân hàng vẫn là trung tâm của hệ thống tài chính, vừa là đại lý lẫn đầu cơ kể cả trong khủng hoảng. Nhưng những thay đổi trong luật sau đó dần đẩy ngân hàng ra khỏi vị trí này.

Hầu hết các cuộc khủng hoảng đều gây nên nỗi đau nghiêm trọng cho nền kinh tế, không chỉ mỗi khủng hoảng tài chính 2007-2009. Sau đó, cụm từ “quá lớn để đổ vỡ” (too big to fail) đi vào từ điển hiện đại, và quan niệm phổ biến về các ngân hàng như những con quái vật khổng lồ điều khiển nền kinh tế lớn nhất thế giới lên ngôi.

Quan niệm cường điệu đó về vai trò thống lĩnh cao độ và đầy nguy hiểm của các ngân hàng này có vẻ lỗi thời. Và chúng đang bị lật đổ do làn sóng đổi mới trong thị trường vốn. Sự đổi mới đang chuyển hóa hoạt động chứng khoán hóa (securitisation) và phát hành vốn vay và dẫn đến việc vay từ các công ty tài chính khác trực tiếp hơn. Kết quả là, việc cho vay chỉ chiếm một phần trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, chẳng hạn, tỉ lệ đã đình trệ ở mức khoảng 12%, ngay cả khi các ngân hàng đã lấy lại sức mạnh và nước Mỹ như một doanh nghiệp, đã nuông chiều sự bùng nổ trong hoạt động đi vay.

Hoạt động đình trệ và sự e ngại rủi ro của các ngân hàng gây ra hậu quả, thể hiện qua cách ngân hàng trung ương đối phó với khủng hoảng.

Trong năm 2007-2009, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phải can thiệp vào thị trường vốn, với nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy các ngân hàng thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, đầu năm nay, các ngân hàng gần như không hề hấn gì khi các thị trường vốn đóng băng. Thay vì đóng vai trò là người cho vay khi không còn chỗ vay nào khác đối với các ngân hàng, Fed trở thành người tạo lập thị trường khi không còn ai khác đảm nhận việc này, can thiệp vào thị trường tín dụng với tổng quy mô khoảng 23,5 nghìn tỉ USD. Quy mô can thiệp lần này của Fed vượt qua mọi lần  khác trong lịch sử.

Có thể thấy được sự tăng trưởng dần dần của các thị trường vốn nước Mỹ từ những năm 1940 và 1950, khi những hũ tiền do các tổ chức tài chính như các nhà quản lý quỹ tương hỗ bắt đầu phình to. Những năm 1980 chứng kiến sự ồ ạt việc phát hành vay nợ, đặc biệt là trái phiếu rác của các công ty. Đồng thời, cũng có sự bùng nổ vay nợ hộ gia đình trên thị trường vốn thông qua các công nghệ tài chính mới của các sản phẩm chứng khoán hóa hoặc gộp chung vốn vay vào trái phiếu rồi bán. Cuối cùng, việc chứng khoán hóa các khoản vay đã góp phần gây ra sự sụp đổ năm 2007-2009.

Cuộc khủng hoảng tài chính cũng cho thấy các ngân hàng vẫn là trung tâm của hệ thống tài chính, đóng vai trò là đại lý và nhà đầu cơ. Nhưng những thay đổi trong các điều luật sau đó dần đẩy ngân hàng ra khỏi vị trí trung tâm. Các đạo luật, bao gồm Dodd-Frank ở Mỹ năm 2010, và các quy định quốc gia và quốc tế, như khung Basel, cùng yêu cầu các ngân hàng tự cấp vốn ở mức cao hơn và khuyến khích các ngân hàng hoạt động ít rủi ro hơn.

Nhiều trong số các quy tắc này nhằm mục đích thuần hóa các hoạt động ngân hàng đầu tư nằm trong các công ty lớn như Bank of America và JPMorgan Chase. Khi tất cả các loại ngân hàng phải đối mặt với quy định chặt chẽ hơn, hai ngân hàng đầu tư độc lập lớn cuối cùng là Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng phát triển giống như các tập đoàn ngân hàng. Cả hai mở rộng ra các khu vực trầm lắng thu hút nhiều tiền gửi hơn, chẳng hạn như quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ.

Quy định pháp lý đã làm cùn mòn lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Việc họ được tích hợp theo chiều dọc: có xu hướng phát hành các khoản vay, theo dõi và thu thập các khoản vay đó và chịu rủi ro liên quan trên bảng cân đối kế toán, một lần nữa cho họ lợi thế so với các nhà đầu tư và các quỹ tìm kiếm lợi nhuận chỉ từ một lát giao dịch. Nó bù đắp cho thực tế là các ngân hàng chậm nắm bắt công nghệ. Nhưng các chủ ngân hàng bây giờ nói về các bảng cân đối kế toán của mình như một nguồn tài nguyên khan hiếm.

Khi các ngân hàng phát triển khẩu vị ít rủi ro, các tổ chức phi ngân hàng, thường hiểu biết về công nghệ, đang đẩy mạnh theo hướng ngược lại. “Khi luật điều tiết các ngân hàng, và để phần còn lại của hệ thống tài chính được quy định dễ thở hơn, sẽ có tranh chấp về luật định”, ông Richard Berner thuộc Đại học New York cho biết. “Nhưng công nghệ cũng tạo điều kiện cho sự thay đổi bởi vì, đặc biệt trong thập kỷ qua, công nghệ đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thanh toán và các hoạt động giống chức năng ngân hàng bên ngoài hệ thống ngân hàng”.

Nước Mỹ đã giảm vay nợ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Điều đó gần như hoàn toàn được thúc đẩy bởi sự sụt giảm nợ thế chấp, ở cả tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng. Tuy nhiên, nợ doanh nghiệp đã đạt đến mức cao nhất mọi thời đại và phần lớn hoạt động vẫn được tạo điều kiện bởi các ngân hàng bóng tối. Trong số các khoản nợ mà các công ty thêm vào từ năm 2012, khoản vay từ các ngân hàng tăng chỉ 2 điểm phần trăm trong GDP. Trong khi đó cổ phiếu khu vực phi ngân hàng nắm giữ tăng 6 điểm phần trăm. Mặc dù các ngân hàng hiện đang dư thừa vốn và thanh khoản, nhưng chính thị trường vốn mới là nguồn trợ vốn của phần lớn nợ doanh nghiệp gia tăng.

Một sự thay đổi đáng chú ý đã diễn ra ở phần còn lại của thế giới, nơi các thị trường vốn trước nay đóng một vai trò thứ yếu. Kể từ cuộc khủng hoảng, các thị trường này đã mở rộng. Năm 2007, tài sản của các tổ chức tài chính phi ngân hàng toàn cầu đạt mức 100 nghìn tỉ USD, tương đương với 172% GDP và 46% tổng tài sản tài chính, theo Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB). Hiện những tài sản này, ở mức 183 nghìn tỉ USD, chiếm 212% GDP, hay 49% tài sản tài chính của thế giới.

Việc tách các hoạt động của các ngân hàng “thực thụ” trên thế giới ra khỏi các tổ chức trong bóng tối khó hơn trước. Một số tổ chức phi ngân hàng, chẳng hạn như nhánh cho vay tín dụng tư nhân, thực hiện cho vay giống như các ngân hàng. Và cũng giống như cách đã làm trước cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng phát hành các khoản cho vay trong bóng tối (shadow instrument) phân bổ khoản vay vào trong thị trường vốn, chẳng hạn như các khoản vay thế chấp được chứng khoán hoá (mortgage-backed securities) hoặc các gói vay doanh nghiệp (bundled corporate loans). Các ngân hàng cũng cho ngân hàng bóng tối vay. Đây là một lĩnh vực mà hoạt động cho vay của ngân hàng đã tăng lên so với GDP và hiện chiếm 5% tổng số các khoản cho vay.

Những gì trong bóng tối

Không chỉ mảng bán lẻ với các khoản vay được chứng khoán hoá, khoản vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…, các ngân hàng bóng tối cũng đang tập trung tấn công vào các hoạt động từng là địa bàn riêng của các ngân hàng đầu tư lớn. Địa bàn này bao gồm các dịch vụ tư vấn về sáp nhập và mua lại, nơi các công ty mới nổi như Evercore và Financial Technology Partners phát triển cùng với những tên tuổi lâu đời như Lazard, thậm chí cả hoạt động giao dịch cổ phiếu và trái phiếu. Các ngân hàng từng là người thống lĩnh trong giao dịch cổ phần và thu nhập cố định. Nhưng cấu trúc thị trường đã chuyển hóa, theo ông Paul Hamill của Citadel Securities, một đại lý môi giới được thành lập bởi Ken Griffin, người sáng lập quỹ phòng hộ Citadel.

Citadel là một trong những công ty giao dịch vốn cổ phần lớn nhất ở Mỹ. (Khi Slack, một dịch vụ gửi tin nhắn nội bộ doanh nghiệp, lên sàn chứng khoán năm ngoái, cổ phiếu của Slack được niêm yết trực tiếp thông qua Citadel Securities). Jane Street Capital, một công ty giao dịch phi ngân hàng khác, cũng thành công nhờ làm trung gian trên thị trường cổ phiếu.

Việc các ngân hàng phải cật lực chiến đấu là rõ ràng. Họ ít tạo lợi nhuận hơn trong một thế giới bắt buộc họ phải giữ tài sản an toàn thu lợi thấp và gánh bộ đệm an toàn cồng kềnh. Theo ông Michael Spellacy của Accenture, một công ty chuyên tư vấn, các ngân hàng kiếm được một nửa trong khoảng 1 nghìn tỉ USD doanh thu hàng năm mà tất cả các doanh nghiệp toàn cầu kiếm được bằng cách làm trung gian thị trường vốn. Nhưng trong số 100 tỉ USD lợi nhuận kinh tế, trừ đi chi phí vốn và các chi phí khác, họ chỉ thu được 10%.

Ban ổn định tài chính (FSB) đã cố gắng xác định các công ty tài chính dễ bị tổn thương nhất bởi sốc thanh khoản giống như ngân hàng và các công ty có khả năng gây rủi ro hệ thống cho nền kinh tế. Các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm được loại trừ vì họ cân đối các khoản nợ dài hạn của mình với các tài sản dài hạn. Trên toàn thế giới, FSB đã xác định được 51 nghìn tỉ USD (tương đương 59% GDP) trong các khoản đầu tư “hẹp” trong bóng tối, gần ba phần tư trong số đó được thực hiện bằng các khoản vay “với đặc điểm dễ gặp rủi ro cạn vốn”. Tỉ lệ này đã tăng lên nhanh chóng, từ 29 nghìn tỉ USD năm 2010 (hay 42% GDP). Vào cuối năm 2018, tỉ lệ của nước Mỹ đầu tư vào nhóm rủi ro này đứng ở mức 15,3 nghìn tỉ USD. Các ngân hàng thương mại Mỹ, với tài sản trị giá 15,6 nghìn tỉ USD, chỉ nhiều hơn một chút.

Với số lượng chức năng thị trường vốn ngày càng tăng và lượng lớn tín dụng được cho các doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách một lần nữa nhận thấy các công cụ thông thường không còn hiệu quả như họ mong muốn. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, cả thể chế ngân hàng và phi ngân hàng đều bị cuốn vào cơn hoảng loạn. Lần này, các ngân hàng không lo ngại đổ vỡ. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất mà Fed dự liệu trong năm nay, tỉ lệ vốn tự có giảm từ mức trung bình 12% trên 33 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ xuống còn 9,9%, một con số vẫn còn vững vàng.

Do đó, thay vì đóng vai trò là người cho vay cuối cùng (khi không còn ai khác) đối với hệ thống ngân hàng, Fed buộc phải đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường bất đắc dĩ. Cuộc khủng hoảng 2007-2009 là buổi duyệt thử cho vai trò này, với một số can thiệp thử nghiệm.
Bây giờ Fed xâm nhập vào một loạt các thị trường tài chính rối loạn. Fed bước vào để làm dịu thị trường trái phiếu Kho bạc, và để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã ngừng hoạt động, bằng cách hứa sẽ mua trái phiếu. Fed cung cấp tài chính cho thị trường mua lại (repo), nơi trái phiếu Kho bạc được hoán đổi qua đêm để lấy tiền mặt như đã từng làm vào tháng 9.2019, khi thị trường bùng nổ. Fed đang cung cấp thanh khoản cho các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ, các tổ chức lấy tiền từ các cá nhân và gửi vào các khoản đầu tư ngắn hạn như tín phiếu Kho bạc, với hy vọng rằng các nhà đầu tư có thể được thanh toán kịp thời khi rút khỏi các quỹ đó. Và Fed mua lại các chứng khoán được thế chấp, ủng hộ đầu ra của các nhà cung cấp thế chấp bán lẻ.

Suy ngẫm

Fed đã xoa dịu được các nhà đầu tư thông qua quyền lực của các tuyên bố mình đưa ra, đến nay cũng chỉ cho vay được 100 nghìn tỉ USD thông qua nhiều chương trình. Nhưng hai học giả Stephen Cecchetti và Kermit Schoenholtz đã tính toán ra quy mô từng bảo đảm ngầm của Fed. Dựa trên số liệu đã điều chỉnh, ước tính rằng Fed hứa cho vay hoặc mua các khoản vay nợ, lên đến hơn 4 nghìn tỉ USD trên thị trường tín dụng với tổng giá trị dư nợ là 23,5 nghìn tỉ USD. Số này được hỗ trợ bởi khoản bảo lãnh trị giá 215 tỉ từ Kho bạc, điều có khả năng khiến Fed bị thua lỗ.

Mức độ can thiệp của Fed đã lên đến tầm cao mới. Như lưu ý trong báo cáo thường niên gần đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (câu lạc bộ của các ngân hàng trung ương), hậu quả của việc bảo lãnh thị trường vốn ở quy mô lớn như vậy có thể kéo dài. “Cung cấp thanh khoản rộng rãi và ép buộc gây rối loạn chức năng thị trường, đồng thời hỗ trợ giá tài sản trên một phổ rủi ro rộng. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc định giá rủi ro thị trường trong tương lai”.

Sự trì trệ của các ngân hàng có thể không phải là điều xấu: việc cấp tín dụng ngày càng cạnh tranh hơn, và có lẽ đang trở nên ít phụ thuộc hơn vào một số ít các tổ chức rủi ro lớn. Nhưng khi các ngân hàng gặp trục trặc, cơ quan quản lý ít nhất cũng biết xem xét ở chỗ nào. Khi có quá nhiều hoạt động diễn ra trong bóng tối, các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ phải dò dẫm trong bóng tối.

Lược dịch từ The Economist
(Tựa do ban biên tập đặt)

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng thất thế" tại chuyên mục E-magazine.