Giữa tháng Năm, trong một báo cáo gửi cơ quan chức năng, quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett cho biết quỹ này đã bán 84% cổ phiếu nắm giữ của Goldman Sachs, một trong những định chế tài chính hàng đầu thế giới.
Trước đó hai tuần, trong cuộc họp thường niên của quỹ, Warren Buffett cho biết đã bán hết cổ phiếu ngành hàng không trị giá trên 6 tỉ USD với đánh giá ngành hàng không đã “thay đổi cơ bản” vì đại dịch COVID-19.
Buffett đại diện cho trường phái đầu tư giá trị. Với khối lượng tài sản đầu tư khổng lồ hàng trăm tỉ USD, ông không quan tâm đến những biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Việc bán ra một cổ phiếu hay thoát khỏi một ngành nào đó, do vậy, thay cho nhận định của ông về triển vọng mờ mịt trong dài hạn.
Tính đến cuối năm 2019 quỹ này nắm giữ 12,4 triệu cổ phiếu Goldman Sachs với giá trị thị trường gần 3 tỉ USD, theo báo cáo thường niên 2019 của Berkshire. Buffett đã mua và nắm giữ cổ phiếu của Goldman Sachs từ cuộc khủng hoảng 2008. Phong cách đầu tư của Buffett được ông nhấn mạnh trong cuộc họp thường niên đầu tháng Năm, là Berkshire sẽ không giảm tỉ trọng, một khi đã quyết định bán cổ phiếu, sẽ thoát khỏi ngành. Việc ông bán hết cổ phiếu ngành hàng không minh chứng cho phong cách đầu tư đó. Đó là lý do các nhà phân tích cho rằng việc bán cổ phiếu ngành ngân hàng của Berkshire sẽ không dừng lại ở Goldman Sachs.
Sau ba tháng đầu năm 2020, giá trị các khoản đầu tư vào cổ phiếu của Buffett đã giảm đi 67 tỉ USD do việc bán đi các ngành đầu tư chính (chủ yếu là ngành hàng không) và sự giảm giá của các cổ phiếu đang nắm giữ. Giá trị đầu tư của Buffett có khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu trong ba tháng tới.
Sau kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2019 với lợi nhuận đạt gần 82 tỉ USD, Berkshire Hathawayđã công bố khoản lỗ gần 50 tỉ USD trong quý I.2020. Dịch bệnh là nhân tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu, do đó tác động trực tiếp đến các khoản đầu tư của Warren Buffet. Trong suốt thời gian từ 1965 - 2019, Berkshire đạt tỉ suất lợi nhuận bình quân trên 20%, cao gấp đôi so với tỉ suất lợi nhuận của chỉ số đại diện cho ngành chứng khoán Mỹ S&P 500.
Với các chính sách lãi suất bằng 0% hay thậm chí âm, đồng thời lãi suất cho vay được hạ thấp tối thiểu, biên lợi nhuận ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng Mỹ và châu u, đang bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, các khoản vay dành cho doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ nợ xấu, buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm sâu trong quý I.2020.
Goldman Sachs đã công bố báo cáo tài chính quý I.2020 với lợi nhuận giảm 48%, đạt 1,1 tỉ USD. Nguyên nhân chính của việc giảm sâu lợi nhuận là ngân hàng đã tăng gấp bốn lần khoản trích lập dự phòng rủi ro. HSBC, Citibank… cũng có kết quả kinh doanh tương tự trong quý I vừa qua.
Trong đại dịch, hàng không được đánh giá là ngành chịu tổn thất nặng nề hơn cả. Khi thế giới chưa tìm ra thuốc phòng và trị bệnh, phong toả và giãn cách xã hội được các quốc gia áp dụng rộng rãi như một giải pháp tối ưu để phòng tránh lây nhiễm. Hầu hết các chuyến bay trong nước và quốc tế đã phải tạm dừng. Trong khi chi phí duy trì hoạt động của các hãng bay thông thường khá cao, ngay cả khi máy bay không cất cánh. Các chi phí bao gồm trả lương cho lao động, bảo trì bảo dưỡng máy bay, thuê chỗ đỗ khi máy bay buộc phải dừng bay…
American Airlines đã báo lỗ 2,2 tỉ USD, Southwest Airlines thua lỗ 94 triệu USD, Delta Air Lines thua lỗ trên 500 triệu USD... trong quý I.2020. COVID-19 cũng tạo điều kiện cho hãng hàng không Quốc gia Thái Lan Thai Airways đệ đơn phá sản vào giữa tháng Năm, sau thời gian dài thua lỗ.
Trong thư gửi cổ đông năm 1998, Buffett cho rằng “Tiền mặt không giúp chúng ta hạnh phúc”. Đến nay, quan điểm của Buffett dường như đã phải thay đổi, khi ông chưa tìm thấy cơ hội đầu tư khả dĩ trong điều kiện thị trường hiện tại.