CT Group xin làm đường sắt TP. HCM - Cần Thơ
Tập đoàn CT Group vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến TP. HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP. Tập đoàn CT Group cho biết đã nghiên cứu dự án trong 10 năm. Liên danh tư vấn đã kinh nghiệm khi làm tuyến tàu điện quy mô tương tự ở Jakarta - Bandung (Indonesia).
Dự án đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ là tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tổng chiều dài khoảng 174km, với tổng mức đầu tư khoảng 9,98 tỷ USD. Dự án đi qua địa phận 6 địa phương gồm: Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.
CT Group cho biết sẽ cùng liên danh với các tập đoàn như Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, Tập đoàn xây dựng điện Trung Quốc... để nghiên cứu thỏa thuận gói hỗ trợ tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính như World Bank, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc, Cơ quan phát triển Pháp để bảo đảm nguồn tài chính đầu tư cho dự án.
CT Group dự kiến bắt tay với Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) để hình thành 1 liên doanh đầu tư có tên là Liên doanh tàu điện tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long (CMEX).
Một dự án của CT Group
Để phát triển đồng bộ kinh tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đề xuất lập phương án phát triển đồng bộ 12 khu đô thị ga dọc tuyến theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Mỗi nhà ga sẽ là công trình hiện đại mang bản sắc của mỗi tỉnh. Từ ga đến bán kính 500 m là vành đai thương mại dịch vụ, khu dân cư, khu công nghệ; vòng ngoài bán kính 10 km là logistic và nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng đô thị xanh.
Theo đề xuất, dự án này sẽ kết nối thẳng trực tiếp với đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP. HCM để thuận tiện cho việc trung chuyển hành khách, đảm bảo hiệu quả kinh tế. CT Group cam kết hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 6 tháng đầu năm 2024 để trình phê duyệt và huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành dự án trước năm 2032.
Công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án trong năm 2024; giải phóng mặt bằng năm 2025 - 2026; triển khai thi công, đào tạo nhân lực, tổ chức vận hành từ năm 2027 đến 2032.
CT Group là doanh nghiệp nào, kinh doanh ra sao?
CT Group là một doanh nghiệp được biết đến dưới sự dẫn dắt của ông Trần Kim Chung. Đây là một doanh nghiệp có tiếng tại khu vực phía Nam.
Được thành lập từ năm 1992, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, CT Group hiện có 62 công ty thành viên hiện diện tại 12 quốc gia. Công ty hoạt động đa lĩnh vực như bất động sản, hạ tầng giao thông, y tế, công nghệ cao... dưới sự dẫn dắt của ông Trần Kim Chung - Chủ tịch HĐQT.
Ở lĩnh vực bất động sản, CT Group làm nhiều công trình tại TPHCM như tòa nhà Léman Luxury Apartments (Quận 3); loạt tòa nhà CT Plaza (Tân Bình), CT Plaza Phố Wall (quận 1), CT Plaza Minh Châu (quận 3) hay CT Plaza Nguyên Hồng (Gò Vấp)...
CT Group cũng đầu tư xây dựng các dự án bất động sản du lịch như Léman Cap Resort& Spa (Bà Rịa - Vũng Tàu), Resort Léman Tree (Nha Trang).
"Song song với việc nâng mảng phát triển Đô thị thông minh lên tầm cao hoàn toàn mới toàn diện và sâu sắc, CT Group đã và đang tập trung tiến công vào lĩnh vực Công nghệ cao, hoà nhịp với Cuộc cách mạng Khoa học Công nghệ lần thứ 4 – trên toàn cầu - Cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi mãi mãi toàn nhân loại", thông tin giới thiệu trên website của CT Group cho biết.
Năm 2017, vốn chủ sở hữu của CT Group ở mức 639 tỷ đồng, đến năm 2018 vốn chủ sở hữu giảm xuống chỉ còn 622 tỷ đồng. Năm 2019, vốn chủ sở hữu được tăng lên 714 tỷ đồng, sang năm 2020 lại giảm mạnh xuống 659 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2021 vốn chủ sở hữu của CT Group lại tăng đột biến lên gấp 9 lần, đạt mức 5.795 tỷ đồng.
Cùng với đó, quy mô tổng tài sản của CT Group cũng dần tăng lên. Năm 2017 đạt khoảng 1.523 tỷ đồng, năm 2018 đạt 1.498 tỷ đồng và đạt 7.212 tỷ đồng năm 2021. Cập nhật cuối năm 2021, vốn đăng ký của CT Group đạt 6.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, số cổ phần do ông Trần Kim Chung - Chủ tịch HĐQT sở hữu 83,34%, bà Trần Thị Mỹ Hoa sở hữu 8,33%.
Ông Trần Kim Chung
Ông Trần Kim Chung đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT/người đại diện pháp luật CT Group. Ông Trần Kim Chung quê gốc ở Bình Định, từng học tại Đại học Havard (Mỹ), hiện là Chủ tịch C.T Group, một trong những doanh nghiệp có tiếng tại thị trường phía Nam.
Bên cạnh đó, ông Trần Kim Chung còn là người sáng lập ra Công ty TNHH Him Lam, sau đó đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp có tiếng trên thị trường bất động sản. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực Đầu tư bất động sản, Phát triển dự án bất động sản, Kinh doanh và Phân phối dự án bất động sản, Quản lý vận hành bất động sản...
Cuối năm 2017, ông Trần Kim Chung được bổ nhiệm vị trí thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) nhiệm kỳ 2015 – 2020, đánh dấu việc lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng.
Ông Trần Kim Chung luôn được các đối tác nước ngoài đánh giá cao về tư duy kinh doanh, tư duy toàn cầu, tư duy quốc tế hóa… Ông không chỉ nắm giữ vị trí trọng yếu tại C.T Group, mà còn giữ các cương vị khác như Lãnh sự danh dự Bồ Đào Nha tại Hà Nội; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nhật; Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam – Malaysia; Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc ; Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM…
Tập đoàn C.T Group và ông Trần Kim Chung nổi tiếng với hoạt động tặng thưởng lớn cho nhân viên. CT Group từng gây chú ý khi năm 2012, thưởng Tết cho nhân viên có nhiều đóng góp là ngôi nhà 8 tỷ đồng kèm 200 triệu đồng tiền mặt. Truyền thống thưởng Tết cao của doanh nghiệp này còn được duy trì nhiều năm sau đó dưới các hình thức như xe hơi BMW, tiền mặt, voucher…