Bà Đoàn Hoàng Anh – con gái ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai vừa đăng ký mua thêm 4 triệu cổ phiếu HAG của công ty, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu từ 0,43% lên 0,86% vốn điều lệ.
Giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian từ 27/9 đến 26/10 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Đóng cửa ngày 21/9, thị giá HAG dừng ở mức 5.130 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, số tiền Đoàn Hoàng Anh cần chi để thực hiện giao dịch là khoảng gần 21 tỷ đồng.
Trước đó, bà Hoàng Anh đã mua 4 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức khớp lệnh trên sàn trong thời gian 11/8 – 20/8 , nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 0,43%.
Hiện Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng đang sở hữu xấp xỉ 320 triệu cổ phiếu HAG, tương đương tỷ lệ 34,5% và có giá trị thị trường hơn 1.600 tỷ đồng.
Bầu Đức còn hai người con nữa nhưng cả hai đều không sở hữu cổ phần tại Hoàng Anh Gia Lai. Trái lại, mẹ và các em ruột, em dâu, em rể của ông Đức đang nắm giữ tổng cộng khoảng 1,55 triệu đơn vị HAG.
Đoàn Hoàng Anh là một trong 3 người con của Bầu Đức và hình ảnh chưa từng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hai người còn lại là Đoàn Hoàng Nam và Đoàn Hoàng Nam Anh. Cả 3 đều được vợ Bầu Đức nuôi dạy và sinh sống tại Singapore từ khi còn nhỏ.
Theo miêu tả lúc bấy giờ, Đoàn Hoàng Anh khi đó 24 tuổi, làm việc năng nổ, chu đáo nhưng phong cách giản dị, đặc biệt khi hoàn tất buổi lễ khởi công thì âm thầm ngồi vào bàn ăn cùng các nhân viên. Sau đó, ai cũng ngỡ ngàng khi biết đó là con gái vị đại gia nổi tiếng Việt Nam.
Đầu năm 2020, Đoàn Hoàng Anh đã kết hợp với con trai Bầu Thắng là Võ Quốc Lợi để thành lập cà phê Ông Bầu tại Việt Nam. Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Đoàn Hoàng Anh nắm 24,5% vốn.
Về Hoàng Anh Gia Lai, mới đây công ty đã công bố BCTC hợp nhất bán niên soát xét năm 2021 với lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm từ mức 18 tỷ trong báo cáo tự lập xuống còn hơn 8 tỷ đồng, mức chênh lệch lên tới gần 10 tỷ đồng, tương ứng sụt giảm gần 55%.
Cụ thể, giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng 24% do liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất. Trong khi, chi phí quản lý được điều chỉnh giảm 39% nhờ giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát khả năng thu hồi.
Theo giải trình của HAGL, trong quá trình soát xét BCTC hợp nhất bán niên, Công ty kiểm toán E&Y đã đề nghị điều chỉnh các số liệu ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế liên quan đến tăng giá vốn do các điều chỉnh liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất và giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát khả năng thu hồi.
Trong báo cáo, phía kiểm toán cũng lưu ý đến khoản lỗ lũy kế lên tới 7.372 tỷ đồng của công ty. "Điều kiện này cùng với những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn", theo E&Y.
Còn phía HAGL cho hay, BCTC hợp nhất giữa niên độ của tập đoàn này được lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục, với giả định rằng HAGL có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.
Mới đây, HĐQT HAGL vừa thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế. Nếu dùng hết thặng dư trên thì lỗ lũy kế HAGL sẽ giảm tương ứng hơn 3.260 tỷ đồng.