Bên cạnh, các KCN hiện hữu, việc quy hoạch nhà ở công nhân tương đối khó khăn do liên quan đến việc bố trí quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch, KCN mất rất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục.
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại An, Chủ đầu tư KCN Đại An (Hải Dương) cho biết, quy định trước đây yêu cầu diện tích tối thiểu với một KCN là 100 ha nhưng Nghị định 82 mới đây lại đưa ra quy định tối thiểu chỉ 75ha/1 KCN. Với 100 ha, nhà đầu tư phải đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ (đền bù đất khoảng 400 tỷ, đầu tư tối thiểu 600 tỷ, thậm chí thực tế đầu tư ít nhất là mức 1.400 tỷ). Do đó, quy định 75ha/KCN là không phù hợp. Một KCN cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hoá, kết nối cho người lao động.
Trong khi đó, các nhà đầu tư KCN đang bị chi phối bởi Luật Nhà ở khi xây dựng nhà ở trong KCN. Do đó rất khó để kêu gọi được nhà đầu tư KCN xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân cũng còn dài dòng, bất cập.
Cũng theo bà Phương, Nhà nước phải thay đổi chính sách lựa chọn nhà đầu tư KCN. Cần có tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để họ đáp ứng được các vấn đề mang tính kết nối quốc tế, đào tạo, đời sống người lao động. Phải coi chủ đầu tư KCN là nhà đầu tư đặc biệt. Hiện nay, mô hình nhà ở cho công nhân đang theo mô hình cũ (4-6 người/phòng). Mô hình đó đã không còn hiệu quả bởi vì, công nhân ai cũng mong muốn ở 1 phòng. Cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu kỹ và nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của người lao động trong thời đại mới để ban hành tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân được dễ dàng hơn. Ngoài ra, trong mùa Covid-19 này, công nhân ở cùng phòng sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan rất nhanh. Do vậy, cần phải thay đổi, tư duy cách nhìn về quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân thì mới phù hợp.
Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ nhiều khu công nghiệp không đáp ứng được nhà ở cho công nhân là do việc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ…). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở.
Nguyên nhân là chưa có cơ chế chính sách cụ thể đầu tư từ ngân sách để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, trong khi ngân sách địa phương hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, đa số cơ sở văn hóa, trường học phục vụ con em người lao động tại các khu công nghiệp đã được đầu tư đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất chất lượng thấp, môi trường học tập, giảng dạy đơn sơ, vị trí cơ sở không phù hợp quy hoạch, quy mô chưa thích hợp.
Bài toán đặt ra là tới đây, khi Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào sẽ dẫn đến nhu cầu nhân lực (công nhân) cho các khu công nghiệp rất lớn, trong khi nhà ở cho công nhân hiện đã thiếu hụt. Đây là một thách thức rất lớn.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, để cùng cả nước chuẩn bị tốt nhất nhân lực, vật lực đón làn sóng FDI, ngành xây dựng trước hết sẽ sửa đổi chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời, làm việc với các bộ, ngành có liên quan để thúc đẩy phân bổ nguồn vốn cho nhà ở xã hội mà Chính phủ đã giao./.