Nghị quyết cho phép VNVC mua vaccine AstraZeneca theo cơ chế chọn nhà thầu trường hợp đặc biệt vừa được Chính phủ ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ mua lại 30 triệu liều vaccine mà công ty này đã nhập từ trước đó.
Theo đó, giá mua vaccine này là tạm tính và theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Trường hợp AstraZeneca giảm giá bán cho VNVC thì công ty sẽ giảm giá bán cho Bộ Y tế. Nhưng nếu hãng tăng giá bán, thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho VNVC theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, các chi phí vận chuyển vaccine sẽ được thanh toán cho VNVC theo thực tế hoá đơn chứng từ AstraZeneca cung cấp cho VNVC. Phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng sẽ được hạch toán theo số tiền VNVC phải thanh toán thực tế cho hãng.
Nghị quyết cũng chấp nhận các nội dung, điều khoản miễn trừ trách nhiệm với các khiếu nại phát sinh từ/đến vaccine hoặc sử dụng vaccine cho AstraZeneca và công ty liên quan. VNVC có thể giao hàng không đúng tiến độ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về đơn giá, số lượng trên cơ sở đã đàm phán với VNVC.
Trước đó, Thường trực Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép VNVC chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt của Luật Đấu thầu khi mua vaccine AZD1222 do AstraZeneca sản xuất. Phương án chọn nhà thầu mua vaccine Covid-19 được thực hiện theo trường hợp đặc biệt của Điều 26, Luật Đấu thầu, với các điều kiện đặc thù.
Sau khi nghị quyết của Chính phủ được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng Bộ Y tế dự thảo Quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu và báo cáo Thủ tướng.
Đến nay, Việt Nam nhận được gần 3 triệu liều vaccine. Trong số này, cơ chế Covax cung cấp hơn 2,5 triệu liều chia thành hai đợt, đều là vaccineAstraZeneca. Ngoài ra, hơn 400.000 liều khác nằm trong số Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều từ AstraZeneca.