COVID-19 đang gây ra nhiều tang thương và xáo trộn cho hàng triệu người, hàng nghìn gia đình và cho cả đất nước. Và đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ. Tuy nhiên, các em luôn được cộng đồng đang dang rộng vòng tay chia sẻ, chăm lo, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân.
Mới đây doanh nhân trẻ Nguyễn Duy Khánh cùng với doanh nhân Kendrick Nguyễn, nhà đầu tư trẻ Danny Dương và 5 tổ chức phi lợi nhuận (VietChallenge, STEAM for Vietnam, VietSeeds, Stay Strong Saigon, VietBay) đã cùng đồng hành trong chiến dịch gây quỹ nhằm ủng hộ cho trẻ em và học sinh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Chiến dịch gây quỹ này nhằm cung cấp nguồn tài chính cần thiết, hỗ trợ tinh thần và điều kiện học tập cho ba nhóm đối tượng chính đang đối mặt với nhiều thách thức ở Việt Nam: trẻ em mồ côi vì dịch bệnh COVID-19; các em học sinh không có điều kiện học tập từ xa do thiếu thiết bị công nghệ và Internet; thế hệ sinh viên phải từ bỏ ước mơ học đại học do khó khăn về tài chính.
Mục tiêu của chiến dịch gây quỹ là kêu gọi quyên góp được 300.000 USD, từ ngày 24/11/2021 cho đến ngày 15/2/2022. Số tiền này sẽ được phân phối dưới dạng học bổng, gói hỗ trợ tài chính và máy tính Chromebook để giúp xây dựng lại cuộc sống của các em học sinh và sinh viên đang phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Nguyễn Duy Khánh (sinh năm 1991) tốt nghiệp Cử nhân Tài chính, Đại học The George Washington, Mỹ. Trong thời gian học đại học, Nguyễn Duy Khánh cũng đã tham gia sâu và rộng vào hoạt động của SSI như làm việc với đối tác McKinsey trong giai đoạn chuyển đổi hoạt động của SSI (năm 2010); đồng hành cùng Quỹ SSI Internation Corp từ những ngày đầu thành lập và có những khoản đầu tư đem lại lợi nhuận cao…
Đến năm 2015, khi chỉ mới 24 tuổi, Nguyễn Duy Khánh đã được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán SSI.
Chia sẻ về lý do gia nhập HĐQT SSI, Nguyễn Duy Khánh cho biết muốn đóng vai trò cầu nối giữa nguồn nhân lực trẻ được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài và SSI.
Đồng thời, Nguyễn Duy Khánh cũng chia sẻ trong quá trình học tập và làm việc tại Mỹ đã gây dựng được mạng lưới quan hệ khá tốt với các doanh nghiệp, tổ chức ở Mỹ và Việt Nam.
“Đó là một lợi thế mà tôi có thể tận dụng để hỗ trợ SSI và các bên liên quan tiếp cận, mở rộng kinh doanh tại thị trường Mỹ và các thị trường quốc tế, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho SSI trong việc phát triển thị trường”, Duy Khánh cho biết thêm.
Dấu ấn đầu tư vào Golden Beans
Nguyễn Duy Khánh chính là người trực tiếp phụ trách thương vụ đầu tư vào CTCP Cà phê Golden Beans của Tập đoàn PAN. Golden Beans có 2 công ty con, trong đó Shin Cà phê - nhánh vận hành tiệm cà phê, kinh doanh cà phê rang xay tại TP HCM; đơn vị còn lại SOC, kinh doanh cà phê nhân và vận hành mảng giáo dục.
Chia sẻ về lý do vì sao Tập đoàn PAN quyết định đầu tư vào Shin Cà phê trên VnExpress, Nguyễn Duy Khánh cho biết ngoài việc đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, PAN cũng có chiến lược đầu tư vào những startup tiềm năng, thích hợp để cùng thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông sản, thực phẩm Việt.
Nguyễn Duy Khánh kể rằng việc hợp tác với CTCP Cà phê Golden Beans rất tình cờ. Lãnh đạo tập đoàn PAN vô tình đọc được câu chuyện gây nhiều cảm hứng của CEO Shin Cà phê - Nguyễn Hữu Long trên truyền thông và nhận thấy đây có thể là mắt xích phù hợp trong chuỗi liên kết từ nông trại đến những sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao của mình. Startup này cũng có ước mơ mang nông sản Việt ra với thế giới như PAN.
Thế mạnh lớn nhất của Golden Beans chính là mảng cà phê đặc sản, khi họ đã kiểm soát được chất lượng tại vùng trồng và khâu sản xuất. Trong khi đó, tập đoàn PAN từ lâu luôn muốn góp phần thúc đẩy việc đưa hạt cà phê từ những vùng trồng chất lượng cao của Việt Nam ra thế giới, thông qua việc xây dựng những thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu. Bởi vậy, PAN quyết định đầu tư vào CTCP Cà phê Golden Beans. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn PAN tại Golden Beans tương đương 80% vốn điều lệ của công ty này.
Với những đóng góp ban đầu của Nguyễn Duy Khánh cho cả SSI và tập đoàn PAN, có thể chứng minh rằng Duy Khánh có đủ tài năng để xứng đáng với những vị trí mà mình đang đảm nhận, ngoài vị thế là con của ông Nguyễn Duy Hưng.
Bên cạnh đó, Nguyễn Duy Khánh hiện là CEO của NDH Invest Ltd, một công ty tư nhân chuyên đầu tư vào các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính (SSI), nông nghiệp và thực phẩm (PAN Pacific Corp), công nghệ sinh học (BioSpring), thương mại quốc tế (NDH Overseas) và truyền thông (Brand Consulting).
Hổ phụ sinh hổ tử
Về ông Nguyễn Duy Hưng, được nhiều người ví là “ông trùm chứng khoán”, bởi ông là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI - công ty chứng khoán lớn nhất, ra đời sớm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (30/12/1999). Đồng thời, ông cũng là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN.
Ông sinh năm 1962, là con cả trong gia đình có 4 anh, chị em. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Hưng học Đại học Tổng hợp TP.HCM. Những năm 1980, vừa đi học ông Hưng vừa bán hàng mỹ nghệ kiếm tiền. Ra trường, nhờ khả năng tiếng Đức ông làm thư ký riêng cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1993, ông Hưng cùng một số người bạn lập ra PAN Pacific với số vốn vài chục triệu đồng, chuyên tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài với hai thương vụ nổi tiếng là khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình.
Năm 1998, PAN trở thành công ty cung cấp dịch vụ lau chùi, quét dọn chuyên nghiệp. Sau này, PAN dịch chuyển thành công ty đầu tư vào chuỗi giá trị khép kín trong nông nghiệp.
Năm 1999, ông Hưng sang Thái Lan học về đầu tư, ông về nước lập ra chứng khoán SSI. SSI hiện là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường với vốn điều lệ trên 6.029 tỷ đồng, 6 năm liên tiếp dẫn dầu về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, SSI ghi nhận tổng doanh thu 5.091,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.062,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53,3% và 91,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng là khoảng 6.222 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 30 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, theo CafeF.