Tổng giám đốc Vinatex: Hướng đầu tư của Việt Nam đang phù hợp chuyển dịch của thị trường

hado

31/01/2019 01:45

Tương lai có thể sẽ không còn là của những đơn hàng cả triệu sản phẩm giống nhau nữa. Hướng đầu tư của Việt Nam phù hợp với hướng dịch chuyển nhu cầu của thế giới.

Hình 1


Tương lai có thể sẽ không còn là của những đơn hàng cả triệu sản phẩm giống nhau nữa. Hướng đầu tư của Việt Nam phù hợp với hướng dịch chuyển nhu cầu của thế giới.

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường nói trong buổi phỏng vấn độc quyền với Tạp chí Nhà Quản Lý: "Đơn giản, cái áo này mình mặc vừa tay. Nếu vừa tay của người Việt thì không bán được cho nước nào hết vì người Việt tay ngắn. Còn nếu mua 1 áo thương hiệu ngoại thì tay bị dài. Đấy chính là nhân trắc học người Việt. Nên nếu anh tự thiết kế để phục vụ người Việt thì nhân trắc học người Việt nó phải thể hiện trong đấy: lưng hơi gù, vai hơi lệch, tay hơi ngắn…. Đó là đặc thù. Người ta hay nói mình mua sơ mi sản xuất cho thị trường Nhật là dễ mặc nhất vì người Nhật tay cũng hơi ngắn kiểu Việt Nam. Còn tôi 100% là áo may đo, đương nhiên vừa”.

hình 2

Giơ cánh tay áo lên, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường bắt đầu chủ đề “dệt may Việt Nam hôm nay-nguy hay cơ?” bằng câu chuyện rất thiết thực: bộ số đo kích thước người Việt từ chính chiếc sơ mi của mình.

Để có được một cuộc cách mạng nho nhỏ về thiết kế kỹ thuật phục vụ thị trường nội địa Vinatex đã làm quét 3D cho 120 nghìn người trên các độ tuổi để làm bộ kích cỡ người Việt. Thế nên giờ một số áo thuộc Tập đoàn, May 10, Việt Tiến… tương đối phù hợp với người Việt hơn có áp dụng kết quả của chương trình số đo người Việt.

Chỉ một bộ kích cỡ cho người Việt mà vất vả vậy?

Có nhiều tiêu chuẩn: vùng miền, độ tuổi, nam nữ... Nếu không lấy đủ lượng mẫu nhất định thì không thể thiết kế được. Ví dụ cỡ 38, 39 của người Việt như thế nào. Cái 38 ta đang có là sử dụng thông số quốc tế chưa có điều chỉnh cho phù hợp nhân trắc học người Việt. 90 triệu dân mà chỉ làm hơn 100 nghìn người là bộ mẫu bé. Kích thước mẫu chưa đủ độ tin cậy. 120 nghìn mẫu đó chia cho các độ tuổi, chia cho nam nữ, còn tính đặc thù nữa thì mỗi mẫu còn được kích thước bao nhiêu?

Tuy nhiên chúng tôi chỉ làm cho khu vực thành thị nên 120 nghìn người lại thành hợp lý. Hướng của chúng tôi là cho các thị trường ở các trung tâm, không lấy mẫu khu vực nông thôn. Chúng tôi lấy mẫu Hải phòng, Đà nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ… Như thế chấp nhận được.

Vinatex định vị mình ở nhóm hàng trung cao chứ không phải là hàng phổ thông, giá rẻ. Cụ thể là trung cao và cho cư dân đô thị. 10 năm trước định hướng nhiều hơn vào đồ công sở, tức là nó hơi formal (công thức) một tí. Gần đây có xu thế quần áo thời trang cho người trẻ. Lượng tiêu dùng của nhóm khách trẻ lớn hơn formal. Ví dụ một năm bạn mua 5 cái sơ mi đã nhiều rồi. Nếu dừng ở đối tượng đấy mà không mở rộng ra thị hiếu trẻ thì sẽ bị giới hạn về quy mô thị trường.

hình 3

Thời gian Vinatex lập bộ tiêu chuẩn là bao lâu tính từ khi bắt đầu ý tưởng đến khi hoàn thành?

Bắt đầu ý tưởng từ 2005, tiến hành đo mẫu từ 2010 đến 2012.

Bộ tiêu chuẩn đó có thể được coi là lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam?

Không thể nói thế được. Kích cỡ để đo phù hợp kích thước của người mặc…. Nó phù hợp với sản phẩm tiêu chuẩn. Cái này là của doanh nghiệp Vinatex chứ không phải của ngành dệt may Việt Nam. Vinatex chỉ sử dụng cho mình và các công ty thành viên.

Mình không dùng tiêu chuẩn đó đi giải thích với người tiêu dùng, mà dùng cảm nhận của họ để điều chỉnh.

Các nhà tạo mẫu thế giới có ý tưởng rồi, ở sau họ có cả một đội ngũ kỹ thuật để làm việc. Họ làm từ mẫu vải đến mẫu dập mẫu giấy kinh khủng lắm.

Trung tâm thiết kế của Zara có 5 ngàn người. Tức là như nhà máy lớn nhất của mình. Họ hiểu khái niệm thiết kế không như ngày xưa là cái gì cao siêu sáng tạo, mà vấn đề là chuyển thể nhanh những ý tưởng thành sản phẩm thương mại. Người thiết kế ý tưởng ít lắm. Rồi đến người thiết kế kỹ thuật rồi người may thử mẫu, ra quy trình công nghệ.

Vậy Vinatex có bao nhiêu người ở trung tâm thiết kế?

Vinatex không có trung tâm thiết kế. Đó là việc của doanh nghiệp. Là không gian cạnh tranh của các doanh nghiệp. Vinatex và các đơn vị thành viên chia sẻ nhiều hơn về thiết kế, kích cỡ, nhân trắc để các nhân viên thiết kế kỹ thuật thực hiện quy trình tốt nhất.

Thu nhập bình quân của người lao động của Vinatex năm ngoái là bao nhiêu thưa ông? Và liệu lao động ngành dệt may Việt Nam có sức cạnh tranh trong giai đoạn này?

Tiền lương và thưởng tết, không tính bảo hiểm, ăn trưa… thì mỗi ng là 100 triệu /năm, tính lĩnh hàng tháng khoảng 7 triệu đồng. Dù sao thì chúng ta vẫn còn có lợi thế cạnh tranh trong ngành này.

Ví dụ lương bình quân của Ai Cập tính ra chỉ có 4,5 triệu đồng mà làm 3 ca, trong ngành sợi. Ở Việt Nam không trả đủ 8,5 triệu không ai làm. GDP bình quân của họ là 3.500 đô la Mỹ trong khi Việt Nam chỉ hơn 2.200 đô la Mỹ.

Lao động ngành dệt may Việt Nam lương không hề rẻ. Nhưng lương trên đơn vị sản phẩm vẫn còn cạnh tranh. Có nghĩa là năng suất lao động ngành dệt may đang rất tốt.

Năng suất ngành may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Mà Trung Quốc hơn Việt Nam chủ yếu là vì Trung Quốc tổ chức sản xuất sản lượng lớn, làm đơn hàng cả triệu sản phẩm thì Trung Quốc thắng. Nhưng đem nhà máy làm 5 ngàn sản phẩm thì Trung Quốc thua Việt Nam. Đấy là lý do Việt Nam thực sự may hơn khôn: Tiền ít, vốn nhỏ, quá trình đầu tư ngành dệt may là chọn hướng quy mô đầu tư vừa phải, làm đơn hàng quy mô nhỏ và vừa với yêu cầu kỹ thuật cao và khó. Kỹ năng đó Lào, Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ… khó đuổi kịp Việt Nam. Nó là tố chất dân tộc. Cái khéo tay của người Việt là một điểm cộng của ngành dệt may

Ngoài ra rõ ràng xu thế thời trang thế giới đang đi theo hướng vừa và nhỏ, không có sản phẩm hàng loạt (mass product), dập khuôn đồng phục quân đội là không thích nữa. Những công ty có quy mô lớn có lợi thế về giá. Nhưng tương lai có thể sẽ không còn những đơn hàng cả triệu sản phẩm giống nhau nữa. May là hướng đầu tư của Việt Nam phù hợp với hướng dịch chuyển nhu cầu của thế giới.

hình 4

Ông nói vậy có nghĩa là Trung Quốc đang bất lợi hơn?

Điều đó rõ ràng, nếu không tại sao họ bị sụt giảm thị phần? Năm 2008 thị phần Trung Quốc ở Mỹ khi Việt Nam bắt đầu quay vào Mỹ là 54%, thì 2017 Trung Quốc còn 37%, còn Việt Nam tăng từ 0% lên 12% năm 2017. Có hai nguyên nhân chính.

Một là ngành may Trung Quốc mất lợi thế thật. Hai là chiến lược phát triển của Trung Quốc không muốn xuất ngành may không nữa, mà muốn làm máy móc cho ngành, vải cho ngành, tức là khâu trên. Khâu may có giá trị gia tăng thấp hơn, họ không làm nữa, không đầu tư mở rộng nữa. Sự sụt giảm của họ bao hàm cả giảm về năng lực cạnh tranh ngành, nhưng ngoài ra còn nói lên tính chủ động của họ trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế

Vậy là vải vóc đang mang lại giá trị gia tăng hơn là may?

Đương nhiên. Giá trị của cả khâu bằng khoảng 18% - 20% giá trị khâu FOB (Free On Board - từ sản xuất đến giao hàng lên tàu). Còn lại là của vải vóc sợi... Giá CMT chỉ may không bao gồm Cut, Make Trim (cắt, may, hoàn thiện), hoặc CMPT: Cut, Make, Trim, Pack (cắt, may, hoàn thiện, đóng gói).

Còn giá ra đến thị trường bán lẻ gấp bốn đến năm lần giá FOB. Đó mới là thương hiệu phân phối và thiết kế. Ví dụ một cái quần 39 đồng, bán lúc sale off sâu nhất là 20 đồng… thì đặt ở Việt Nam chỉ 8 đồng FOB.

Vậy nếu nói ngành dệt may Việt Nam vẫn là ngành thâm dụng lao động thì cũng không sai?

Nếu không thâm dụng lao động thì lao động Việt Nam làm gì? Vấn đề là các nguồn lược của mình đến đâu. Ví dụ như bạn có 20 triệu đồng thì chỉ có thể nghĩ đến việc mở cửa hàng phở đầu đường. Nhưng nếu có 200 triệu thì cũng là phở, bạn sẽ thuê cửa hàng đàng hoàng ở con phố trung tâm.

Giá sử Việt Nam muốn làm cái lớn chẳng hạn như làm vải, vì tốt hơn làm may. Đầu tư may thì 1 chỗ ngồi công nhân hiện đại máy đời cuối là khoảng 100 triệu đồng. 1000 công nhân hết 100 tỉ đồng. Robot vào nữa, khoảng 150 triệu/công nhân. Ngành sợi nếu đầu tư khoảng 500 tỉ đồng có khoảng 150 công nhân. Mỗi công nhân 3,3 đến 3,5 tỉ đồng/chỗ làm việc. Ngành dệt tương tự, khoảng 3,5 - 4 tỉ đồng/chỗ làm việc.

Nếu dệt nhuộm, chi phí còn cao hơn nữa, khoảng 8 tỉ đồng/chỗ làm việc. Tức là nhà máy 800 tỉ đồng chỉ cần khoảng 100 công nhân thôi.

Công thức tăng trưởng mới của ngành dệt may thế giới là để thêm 1 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu, chỉ có thể tăng 20-30 ngàn lao động so với 80 ngàn của giai đoạn trước đây.

Thưa ông hiện tại may Việt Nam chủ động khoảng bao nhiêu % nguyên liệu sợi?

Sợi đang thừa. Thừa là do quy mô ngành dệt nhỏ chứ không phải do ngành sợi tốt. Việt Nam mỗi năm dùng 8 tỉ mét vải. Vải chia ra rất loại kết cấu với 2 nguyên liệu cơ bản là cotton và polyester. Nhưng có thêm linen các kiểu.

Dệt may Việt Namhiện nay có khả năng làm ra khoảng 3 tỉ mét vải thôi, trong khi nhu cầu là 8 tỉ mét. Vì 3 tỉ mét thì sợi cũng chỉ cung ứng khoảng 2 tỉ mét, còn 1 số loại vải đặc biệt mình vẫn phải nhập. Nên bảng của hải quan vừa có xuất sợi, nhập sợi.

Riêng Việt Nam có vị trí địa chính trị có một thứ mà nếu không cẩn thận chắc chắn lỗ. Đó là vì Trung Quốc làm 53% lượng vải thế giới. Nghề dệt nhuộm khi làm ra 1.000 mét vải thì theo quy chuẩn người ta sẽ làm khoảng 1.030 mét, tức là 3% dư. Cái 3% dư đó có thể bán giá bằng 0. Khối lượng vải dư của Trung Quốc tương đương 2% toàn thế giới, tương đương mức tiêu dùng của Việt Nam.

Nói cách khác toàn bộ vải Việt Nam dùng bằng lượng dư cho phép của Trung Quốc. Nếu anh mở nhà máy tôi muốn siết anh chết là đơn giản vì tôi có thể hạ giá đến 0. Mà đây không phải là ngành bảo hộ. Giá của vải Việt Nam đắt hơn vải Trung Quốc thì không có chuyện đối tác chấp nhận.


Bài viết: Hà Đỗ - Minh Thư
Ảnh: Linh Phạm

 

hado