Đại diện FPT Retail cho biết khác với nhà thuốc Long Châu, F.Beauty là ngành kinh doanh mới của công ty, không thông qua mua bán, sáp nhập. Ba cửa hàng đầu tiên của F.Beauty sẽ được mở tại Hà Nội. Sau giai đoạn thử nghiệm, số cửa hàng có thể tăng lên.
Kinh doanh các sản phẩm ngoại nhập thực ra không phải là bước ngoặt của FPT Retail. Bên cạnh kinh doanh các mặt hàng điện tử, thuốc, nền tảng bán hàng online của FPT Retail (FPTShop) cũng đồng thời là trung gian mua hộ các mặt hàng từ các trang thương mại điện tử nước ngoài, bắt đầu từ tháng 5.2019. Các mặt hàng mua hộ của FPT Retail đa dạng từ các sản phẩm máy móc, thời trang, phụ kiện đến các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp (mỹ phẩm).
Khác với việc mua hàng điện tử trực tiếp từ FPTShop, khi mua hàng nước ngoài qua đây, khách hàng phải chuyển một nửa giá trị hàng hoá để đặt cọc. Đây cũng là cách các cá nhân, tổ chức mua hộ hàng từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc… vẫn tiến hành, đặc biệt trong các đợt giảm giá sâu từ các trang thương mại lớn như Amazon, Taobao, Alibaba… Trên giao diện trang mua hộ hàng từ Nhật/Mỹ, FPTShop vẫn giữ nguyên tên các mặt hàng, mô tả sản phẩm và những nhận xét của người tiêu dùng bằng tiếng Nhật/tiếng Anh.
Như nhiều thị trường các sản phẩm ngoại nhập khác, mỹ phẩm ngoại nhập là thị trường đang bị phân mảnh, hoạt động hầu hết dựa vào niềm tin giữa người mua và người bán. Tại Việt Nam, nhà phân phối mỹ phẩm chính hãng theo chuỗi lớn nhất là Guardian với hơn 100 cửa hàng tại 5 tỉnh/thành phố trên cả nước. Guardian bán trực tiếp tại các cửa hàng và một gian hàng online trên nền tảng của Shopee. Sản phẩm được bán tại Guardian đến từ cả Việt Nam và nước ngoài.
Với dân số trẻ và thu nhập đang tăng dần, mỹ phẩm được xem là mảng kinh doanh đầy tiềm năng tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát trên 500 phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 39, Asia Plus Inc đưa ra mức chi tiêu dành cho mỹ phẩm bình quân mỗi tháng dao động từ 400 - 600 nghìn đồng, trong đó chủ yếu là mỹ phẩm trang điểm. Với mỹ phẩm trang điểm, có tới 31% phụ nữ không sử dụng vì không biết cách dùng hoặc nghi ngờ chất lượng mỹ phẩm.
2019 là một năm FPT Retail đưa ra khá nhiều thử nghiệm. Doanh nghiệp bán lẻ với trên 600 cửa hàng từng thử nghiệm bán hàng điện máy, hợp tác với siêu thị điện máy Nguyễn Kim, bán kính tại các cửa hàng bán điện thoại di động, thậm chí mở rộng sang lĩnh vực giao nhận hàng hoá...
Mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khi đã có một công thức vận hành thành công với chuỗi hiện tại, đang là hướng đi của các chuỗi bán lẻ nước ta. Thế Giới Di Động xuất phát từ bán hàng điện tử, đã mở rộng sang kinh doanh điện máy, thực phẩm, hàng tiêu dùng, đồng hồ, thuốc, kính thời trang,… PNJ - nhà sản xuất và bán lẻ trang sức lớn nhất cũng bắt đầu thử nghiệm bán đồng hồ chính hãng tại hệ thống các cửa hàng của mình…
Minh Thư