Bộ Công an làm việc với Giám đốc CDC Nghệ An về thông tin nhận “hoa hồng” từ Công ty Việt Á
Ngày 22/12, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) yêu cầu ra Hà Nội làm việc để làm rõ những thông tin liên quan đến sai phạm của Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Trong thời gian ông Nguyễn Văn Định vắng mặt, việc điều hành, chỉ đạo CDC Nghệ An tạm thời được giao cho ông Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc CDC Nghệ An, phụ trách.
Được biết CDC Nghệ An có mua vật tư, sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á với số tiền khoảng 28 tỉ đồng. Cụ thể, số vật tư, sinh phẩm mua mà CDC Nghệ An mua của Công ty Việt Á chia làm 4 gói thầu, trong đó, ngoài 2 gói được đấu thầu rộng rãi, có 2 gói chỉ định thầu trị giá hơn 18,5 tỉ đồng.
Gói chỉ định thầu đầu tiên là ngày 15-7, khi diễn biến dịch ở Nghệ An đang hết sức phức tạp, phải khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng. Gói chỉ định thầu còn lại là vào ngày 31-10, với tổng trị giá hơn 13 tỉ đồng.
Theo CDC Nghệ An thì quá trình mua sắm vật tư, sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á cũng như các công ty khác đơn vị này đều thực hiện đúng quy trình, đúng trình tự, thủ tục. Thời điểm đầu vào ngày 15-7, CDC Nghệ An mua của công ty này với giá 470.000 đồng/bộ test PCR, thời điểm sau vào 31-10 mua với giá chỉ 367.000 đồng.
Liên quan đến việc CDC Nghệ An mua sản phẩm từ Công ty CP Công nghệ Việt Á, theo thông tin trên VTV, khi làm việc với cơ quan công an, bà Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính Công ty CP Công nghệ Việt Á, đã khai nhận trong quá trình mua bán có chi tiền "hoa hồng" cho CDC Nghệ An.
Công ty Việt Á được CDC Nam Định chỉ định trúng 5 gói thầu hơn 53 tỷ đồng
Chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty Việt Á được lãnh đạo CDC Nam Định phê duyệt chỉ định trúng 5 gói thầu mua sắm thiết bị y tế trị giá hơn 53 tỷ đồng.
Theo đó, bên cạnh được chỉ định trúng gói thầu "Mua sinh phẩm xét nghiệm SARS - CoV - 2" ngày 22/11/2021 với mức giá hơn 30,8 tỷ (30.851.856.000 đồng) với hai loại hàng hóa là 44.064 bộ Tách chiết tự động (136.500 đồng/bộ) và 67.584 bộ Kit xét nghiệm phát hiện Covid (367.500 đồng/bộ) thì Công ty Việt Á còn trúng thêm 4 gói thầu khác tại CDC Nam Định.
Cụ thể, ngày 17/9/2021, ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc CDC Nam Định ký quyết định số 819/QĐ - KSBT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu "Gói thầu số 01: Mua sinh phẩm xét nghiệm SARS - CoV - 2" với tổng giá trị gói thầu là hơn 8,7 tỷ đồng (8.757.584.000 đồng) với 2 doanh nghiệp trúng thầu là Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Thái Sơn.
Tại gói thầu này, riêng Công ty Việt Á trúng thầu với 3 loại hàng hóa trị giá hơn 8 tỷ đồng (8.053.584.000 đồng) và kit xét nghiệm phát hiện Covid được mua với giá 367.500 đồng/bộ.
Trước đó, ngày 18/6/2021, Công ty Việt Á cũng được Giám đốc CDC Nam Định phê duyệt trúng gói thầu “Mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2” tại CDC Nam Định với giá hơn 7,4 tỷ đồng.
Trong văn bản số 507/QĐ - KSBT này, CDC Nam Định duyệt mua kit test của Việt Á với giá 509.250 đồng/bộ, cao hơn mức giá 470.000 đồng/bộ của CDC Hải Dương.
Ngày 03/3/2021, Giám đốc CDC Nam Định cũng ký phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty Việt Á là nhà thầu trúng gói "Mua sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2" với mức giá hơn 7 tỷ đồng (7.095.480.000 đồng). Kit xét nghiệm cũng được mua với giá 509.250 đồng/bộ.
Chưa hết, vào tháng 10/2020, Công ty Việt Á cũng trúng gói thầu "Mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2" do ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc CDC Nam Định ký với mức giá hơn 1,3 tỷ đồng (1.312.500.000 đồng).
Cả 5 gói thầu mà Giám đốc CDC Nam Định phê duyệt cho Công ty Việt Á với tổng số tiền hơn 53,7 tỷ đồng đều được thực hiện dưới hình thức chỉ định thầu.
Quảng Trị mua hơn 30 tỉ đồng kit test Covid-19 do Việt Á sản xuất
Ngày 22/12, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết trong năm 2020 và 2021, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và CDC tỉnh này đã mua 21 gói thầu kit test Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất tại Công ty CP Thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên- Huế với tổng trị giá hơn 30 tỉ đồng. Trong đó, CDC tỉnh Quảng Trị mua chủ yếu là kit test Covid-19 với tổng giá trị hơn 14,4 tỉ đồng, Sở Y tế tỉnh mua 6 gói thầu kit test Covid-19 với trị giá gần 16 tỉ đồng.
Theo Sở Y tế Quảng Trị, ban đầu các gói thầu được mua với giá 470.000 đồng/kit, từ khi đơn vị này đảm nhận việc mua thì một số gói thầu kit test có giá thấp hơn. Cụ thể, Sở này mua 4 gói thầu với 27.264 kit test có giá 470.000/kit; 1 gói thầu với 1.344 kit test có giá 367.500 đồng/kit; 1 gói thầu gần 15.000 kit test cùng hãng sản xuất nhưng khác loại có giá 168.000 đồng/kit.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng cho hay do yêu cầu chống dịch cấp thiết, nên CDC tỉnh và Sở Y tế chủ yếu mua các gói thầu vật tư y tế theo hình thức chỉ định thầu rút gọn theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Trong quá trình mua sắm, đơn vị này tham khảo giá từ các gói thầu đăng tải trên trang công khai giá của Bộ Y tế, 3 báo giá của các nhà cung cấp, văn bản của Bộ Y tế và chứng thư thẩm định giá của cơ quan thẩm định giá của Bộ Tài Chính cấp phép đóng tại TP Đà Nẵng...
Được biết, cơ quan công an cũng đã cử cán bộ đến Sở Y tế tỉnh Quảng Trị khảo sát, nắm một số thông tin về việc mua sắm các gói thầu y tế trên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Hồ sơ của Việt Á không đáp ứng yêu cầu cần thiết về công năng, an toàn...
Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa phát đi thông cáo báo chí, thông tin về kit xét nghiệm PCR do công ty Việt Á sản xuất.
Theo WHO, đến 20-12-2021 có 28 sản phẩm chẩn đoán IVD COVID-19 được chấp thuận thông qua quy trình EUL IVD của WHO, 46 sản phẩm khác không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng, hoặc hệ thống quản lý chất lượng.
Trong số 46 sản phẩm không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết có sản phẩm của Việt Á. Sản phẩm LightPower iVASARS-CoV-21stRT rPCR kit đã nộp hồ sơ cho danh sách EUL hạng mục chẩn đoán IVD COVID-19. Mã hồ sơ đăng ký EUL của sản phẩm là EUL 0524-210-00.
"Hồ sơ sản phẩm đã được đánh giá và không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết. WHO đã đăng tải báo cáo công khai EUL về hồ sơ sản phẩm này", thông cáo cho biết.
Trước đó, cuối tháng 4-2020, Bộ Khoa học và công nghệ, lãnh đạo Việt Á và lãnh đạo một số bộ ngành đã thông báo việc bộ xét nghiệm kể trên của Việt Á "được WHO chấp nhận theo quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp EUL và cấp mã số EUL 0524-210-00". Thực chất đây là mã hồ sơ đăng ký.
Thông tin này mới được Bộ Khoa học và công nghệ gỡ vài ngày trước, khi lãnh đạo Việt Á đã bị bắt để điều tra việc kê khống giá bộ xét nghiệm.