Tại sao các ngân hàng trung ương dao động?

tamvu

14/02/2019 14:15

Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, Brexit và tranh chấp thương mại, các ngân hàng đang giảm mức tăng lãi suất.

Theo như Donald Trump liên tục nói về “sự bùng nổ kinh tế chưa từng có” trên khắp nước Mỹ, các ngân hàng trung ương ở Úc, Ấn Độ và Anh đang chuẩn bị rút lui khỏi các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Vài giờ sau khi tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu Thông điệp Liên bang trước Hạ viện, Philip Lowe, thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc, đã đứng lên cảnh báo về “rủi ro bất lợi chồng chất” - bao gồm các cuộc giao tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, chủ nghĩa dân túy gia tăng và Brexit. Động thái tiếp theo của lãi suất có thể giảm thay vì tăng, ông cho biết.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nơi chịu áp lực của thủ tướng Narendra Modi trong việc nới lỏng chính sách, đã cắt giảm lãi suất xuống một phần tư một ngày sau đó. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh bãi bỏ kế hoạch tăng lãi suất nhiều lần. Các động thái ôn hòa của họ dẫn đến chính sách đảo ngược quan trọng nhất từ ​​trước đến nay: quyết định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell vào ngày 30.1 nhằm bãi bỏ mọi kế hoạch nâng lãi suất cao hơn nữa vì những rủi ro có thể xảy ra đối với sự tăng trưởng của Mỹ.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington DC - Ảnh: Shutterstock
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington DC - Ảnh: Shutterstock

Sự thận trọng giảm dần ở các ngân hàng trung ương hàng đầu là sự tương phản kịch liệt so với thời điểm này năm ngoái. Tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị tại Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1.2018, không khí lạc quan sôi sục, với một cuộc khảo sát của các ông chủ đặt niềm tin ở mức cao nhất trong vòng sáu năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ca ngợi sự bùng nổ tăng trưởng trên khắp toàn cầu ấn tượng nhất kể từ đầu thập kỷ này, với 120 nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng.

Bức tranh đó giờ đang tối dần. Thông tin cập nhật từ IMF vào tháng trước đã làm náo loạn “bối cảnh của thị trường tài chính suy yếu, sự không chắc chắn trong chính sách thương mại và những lo ngại về triển vọng của Trung Quốc”. Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,3% trong năm 2018 xuống còn 2% vào năm 2019 và 1,7% vào năm 2020. Hoạt động sản xuất toàn cầu đang ở mức thấp trong hai năm rưỡi.

“Chúng ta đang có được một đánh giá tỉnh táo hơn rất nhiều về tăng trưởng toàn cầu”, Mohamed El- Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, cho biết.

Sai lầm nằm ở đâu? Thay đổi lớn phản ánh phần nào nhận thức rằng các nhà hoạch định chính sách đã quá lạc quan hồi năm ngoái, El-Erian nói. Đặc biệt, Fed đã vượt mức bằng việc báo hiệu bốn lần tăng lãi suất cho năm 2018 khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh, ông nói. Sự thận trọng mới của họ đang tạo lá chắn cho các ngân hàng trung ương khác để giảm kỳ vọng lãi suất.

Bước ngoặt quan trọng đến trong quý IV, khi các thị trường đột nhiên phải đối mặt với một loạt các mối nguy chính trị, bao gồm cả nguy cơ ngày càng xấu đi trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc thắt chặt điều kiện về tài chính là đủ làm giảm 0,4% tăng trưởng sản lượng của Mỹ sau sáu tháng, Isabelle Mateos y Lago, chiến lược gia tại BlackRock Investment Institute, cho biết. Kể từ đó, khoảng giữa 1/3 và 1/4 của sự thắt chặt đó đã bị đảo ngược khi cổ phiếu tăng trở lại, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài phản ứng lại, bà nói. “Nhả phanh là hợp lý”.

Kinh tế nội địa Mỹ tiếp tục đạt hiệu suất mạnh mẽ, với số lượng việc làm mới trong tháng 1 vượt xa kỳ vọng của Phố Wall và tăng trưởng tiền lương cao hơn lạm phát. Nhưng các công ty lớn trong chỉ số S&P 500 tạo ra hơn một phần ba thu nhập ở nước ngoài đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu ở nước ngoài đang chững lại ở các thị trường bao gồm Trung Quốc, nơi chính phủ đang chiến đấu chống lại tăng trưởng đình trệ.

Các công ty nhỏ hơn của Mỹ cũng đang cảm nhận nguy cơ toàn cầu. Rob Parmentier, chủ tịch của Marquis Yachts với 350 nhân viên ở Green Bay, Wisconsin, cho rằng trong khi nhu cầu trong nước vẫn ổn định, việc áp dụng thuế quan ăn miếng trả miếng đã gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh quốc tế của ông. “Tình hình không phải xấu đi, mà chết hẳn rồi”, ông thẳng thừng.

Việc bổ sung 25% thuế đối với hàng xuất khẩu bằng thuyền của Mỹ sang châu Âu đã bị trừng phạt. Ông nói thêm: “Đó là tác động kép - không chỉ thuế quan, mà cả châu Âu chưa bao giờ thực sự phục hồi sau cuộc suy thoái của họ”.

Fed, dẫn dắt các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong việc bắt đầu thắt chặt năm 2015, đã từng là trung tâm của sự bùng nổ gần đây của chính sách ôn hoà.

Powell tuyên bố mức tăng lãi suất một phần tư điểm phần trăm vào ngày 19.12 năm ngoái, nhưng những nỗ lực của ông nhằm kết hợp mức tăng đó với thông điệp trấn an về những động thái trong tương lai đã thất bại. Điềm gở xảy đến khi cổ phiếu bị bán tháo sau khi vị chủ tịch Fed lặp đi lặp lại những lời sáo mòn khẳng định việc giảm bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương sẽ được “tự động điều chỉnh.”

Phản ứng khó chấp nhận của Phố Wall trước những lời nói của ông đã nhấn mạnh đến các nhà hoạch định chính sách về việc thị trường mong manh đến thế nào. Kể từ đó, niềm tin kinh doanh đã bị sứt mẻ do chính phủ liên bang đóng cửa lâu kỷ lục trong khi các cuộc thảo luận về Brexit vẫn đang xôn xao.

Hơn nữa, hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc chìm xuống khi Trump từ chối cuộc họp trực tiếp với Tập Cận Bình trước hạn chót ngày 1.3.

Với lạm phát của Mỹ ảm đạm hơn bao giờ hết, Fed đã gác lại những lo ngại gần đây về tình trạng kinh tế quá nóng, thay vào đó tập trung vào cái mà các ngân hàng trung ương gọi là rủi ro sụt giá. Hiện tại, tỷ lệ tăng nằm ngoài kế hoạch. Nếu thoả thuận ngừng chiến trong lĩnh vực thương mại bị đảo ngược, các nhà phân tích sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về việc giảm lãi suất ở Mỹ. Nếu đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ hoàn toàn, kèm theo sự thù địch toàn diện với châu Âu về giao dịch tự động, Mỹ có thể bị đẩy vào một cuộc suy thoái hoàn toàn, theo Deutsche Bank. Các nhà phân tích tại đây còn chỉ ra những rủi ro của tăng trưởng đình trệ ở Trung Quốc và Brexit không thể thương lượng.

Trạng thái bất an tại Fed đang được nhân rộng ra những nơi khác. Ngân hàng trung ương Úc trong tuần này đã chuyển sang nhận định thận trọng hơn trong bối cảnh lo ngại rằng giá nhà giảm mạnh và sự đình trệ ở Trung Quốc có thể bóp nghẹt tăng trưởng nội địa.

Thất nghiệp ở Úc giảm xuống còn 5% trong tháng 12 năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Nhưng có những lo ngại ngày càng tăng rằng thị trường nhà đất suy yếu đang gây ảnh hưởng đến tiêu dùng hộ gia đình, với doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 0,4% trong tháng 12 so với tháng trước.

Bằng chứng về thị trường nhà ở đang xấu đi lộ rõ vào mỗi cuối tuần tại Sydney và Melbourne, nơi các cuộc đấu giá nhà vào thứ bảy nhộn nhịp giờ đây phải vất vả để thu hút ngay cả một số ít người mua. Chỉ có bốn trong số 10 căn nhà được rao bán vào tháng 12 được bán ra trong các cuộc đấu giá bên đường truyền thống. Giá tại hai thành phố lớn nhất của Úc giảm lần lượt 12% và 9% so với mức đỉnh đạt được trong năm 2017. Shane Oliver, chuyên gia kinh tế của AMP, dự đoán rằng giá có thể giảm tới 25% so với mức đỉnh.

Stephen King, cố vấn kinh tế của HSBC, nhận thấy lý do chính đáng khiến các ngân hàng trung ương hành động cẩn thận. Trong số 37 quốc gia ông nghiên cứu gần đây, chỉ có tám quốc gia đã giảm tỷ lệ nợ cộng dồn so với thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính. Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ “thận trọng hơn một cách tự nhiên trong việc tăng lãi suất.” Nếu bạn nghĩ rằng cuộc khủng hoảng có liên quan đến nợ, thì ở một vài khía cạnh nào đó, hiện tại chúng ta đang ở trong tình thế dễ tổn thất hơn.”

Một số câu hỏi lớn nhất đặt lên châu Âu. Ủy ban châu Âu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay xuống còn 1,3% từ 1,9%, đẩy lùi triển vọng của các nền kinh tế lớn bao gồm Đức. Khối này hiện dự đoán tăng trưởng yếu nhất ở Ý trong năm năm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của căng thẳng thương mại và Brexit, chỉ vài tuần sau khi nước này ngừng mở rộng chương trình nới lỏng định lượng trị giá 2,6 tỉ euro.

Nhưng bà Mateos y Lago của BlackRock lo ngại rằng các rào cản chính trị nhằm khởi động lại gói kích thích đó quá cao để ECB vượt qua, đồng thời cảnh báo rằng: “Chúng tôi lo ngại khu vực EU không được trang bị tốt để đáp ứng sự suy giảm đáng kể trong nền kinh tế”.

Một trong những điều trớ trêu đằng sau các động thái thay đổi của các ngân hàng trung ương là thay đổi lớn nhất lại xảy ra ở nơi được cho là nền kinh tế có vẻ kiên cường nhất – Mỹ. Bill Dunkelberg, nhà kinh tế trưởng tại Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia, bác bỏ những luận điểm bi quan, cho rằng mối quan tâm lớn nhất trước mắt đối với các công ty là thiếu lao động .

“Có vẻ như tất cả mọi người đang đắm chìm trong việc liệu châu Âu sẽ tụt lại, hay là Ấn Độ hoặc Trung Quốc”, ông nói. “Điều đó sẽ gây một số tác động lên Mỹ , nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đang làm quá”.

Trump, người mô tả Mỹ là “nền kinh tế nóng nhất ở bất cứ đâu” trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, sẽ không đồng ý. Một số nhà phân tích tự hỏi liệu, sau khi thắt chặt quá mức vào năm ngoái, Fed hiện có đang đi quá xa. Mỹ không chịu ảnh hưởng nhiều về mặt thương mại, điều đã cho phép tránh du nhập khủng hoảng từ nước ngoài như trong quá khứ.

Nhưng việc chính phủ Mỹ đóng cửa vào đầu năm nay cho thấy đây cũng là một quốc gia có xu hướng tự gây ra các vết thương kinh tế. Các cuộc tranh cãi có khả năng gây bất ổn lờ mờ hiện ra trước Quốc hội Mỹ về nhu cầu tăng trần đối với nợ quốc gia. Trong khi đó, thời gian không còn nhiều cho thỏa thuận thương mại giữa Trump và Trung Quốc.

Tổn thất nặng nề do sự bán tháo của thị trường vào cuối năm ngoái, Powell quyết tâm hành động an toàn hơn vào năm 2019 bằng cách hoãn lại chu kỳ thắt chặt. Đối với nhóm các các ngân hàng trung ương cũng đang gặp khó khăn ở các nơi khác trên thế giới, có nhiều lý do để làm theo.

Theo Financial Times

tamvu
Bạn đang đọc bài viết "Tại sao các ngân hàng trung ương dao động? " tại chuyên mục Tài chính.