Startup cà phê Trung Quốc tung hàng triệu USD vượt mặt Starbucks

tamvu

24/01/2019 12:09

Để làm được mục tiêu trên Luckin Coffee chú trọng tới tính hiệu quả: không cần giao dịch tiền mặt và khách hàng có thể mua cà phê mà không cần nói chuyện với người bán.

Luckin Coffee, một doanh nghiệp startup Trung Quốc chủ yếu bán cà phê cappuccino mang đi (take away) cho nhân viên văn phòng đang dành hàng triệu USD mỗi năm mở rộng chuỗi bán hàng nhằm đánh bật Starbucks và trở thành nhà bán cà phê lớn nhất đại lục.

Được thành lập khoảng một năm trước, Luckin tự tin với mô hình kinh doanh thành công của mình: xây dựng các đại lý cà phê nhỏ với số lượng vượt xa Starbucks vào cuối năm, cùng với ứng dụng bán hàng cho phép giao hàng mỗi 18 phút và giảm giá thật nhiều. Theo công ty có trụ sở tại Hạ Môn (một thành phố cấp tỉnh ven biển Đông Nam Trung Quốc), để cạnh tranh với đối thủ tầm cỡ Starbucks, công ty này đầu tư 130 triệu USD mỗi năm.

Cà phê Luckin Coffee- Ảnh: Shutterstock
Cà phê Luckin Coffee cạnh tranh với Starbucks ở Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock

Giám đốc chiến lược của Luckin Coffee, ông Reinout Schakel, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh tuần trước: "Trung Quốc hiện là thị trường tốt nhất và đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Starbucks, nhưng họ cũng mất đến 9 năm bị lỗ nặng. Nhưng chúng tôi sẽ nhanh hơn họ".

Thành công của Luckin đang gây sức ép lên Starbucks bởi Starbucks nắm hơn 50% thị phần của thị trường cà phê tại Trung Quốc và cho đến nay vẫn không có đối thủ nào đáng gờm nào. Các công ty cà phê Trung Quốc đang tiếp cận kinh doanh theo nhiều hướng khác nhau với quy mô thị trường cà phê bán lẻ trị giá 32 tỷ USD tại nước này. Đây cũng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất và lớn thứ hai của Starbucks. Cuộc tranh đua này khả năng sẽ làm nóng nền kinh tế Trung Quốc vốn đang chững lại.

Câu hỏi đặt ra là liệu Luckin có đặt cược vào việc giảm giá cho khách hàng và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ để trở thành một thương hiệu mạnh như đối thủ của mình hay không. Starbucks gần đây đã giảm bớt tham vọng của công ty này tại thị trường Trung Quốc, ngay cả khi vẫn đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần doanh thu vào năm 2022. Cuối năm 2018, Starbucks công bố dự báo tăng trưởng bán hàng có thể giảm 1% trong dài hạn, gây lo ngại rằng cạnh tranh và sự sụt giảm doanh thu đang ảnh hưởng xấu tới công ty.

Luckin hiện được định giá 2,2 tỷ USD và được đầu tư bởi các nhà đầu tư gồm quỹ GIC của Singapore và tập đoàn China International Capital Corp. Công ty nhấn mạnh triết lý kinh doanh ở sự thuận tiện và đánh cược rằng các nhân viên văn phòng ở Trung Quốc quan tâm đến việc tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn là trả thêm cho các dịch vụ gia tăng, trong khi chỉ phải trả 1/3 giá tiền cho một cốc cà phê của Luckin.

Trong khi Starbucks tự hào về dịch vụ và sự thân thiện trong những quán cà phê có phong cách như “không gian thứ ba” giữa nhà và công sở, thì Luckin chú trọng tới tính hiệu quả: các cửa hàng của họ không cần giao dịch tiền mặt và khách hàng có thể mua cà phê mà không cần nói chuyện với người bán.

Các cửa hàng này thường được đặt trong hoặc gần các tòa nhà văn phòng và được thiết kế để giao hàng và nhận đồ nhanh. Đây cũng là lỗ hổng cạnh tranh Luckin khai thác được mà Starbucks đã chậm chân. Mặc dù người tiêu dùng Trung Quốc thích dịch vụ giao đồ ăn, song Starbucks cũng mới chỉ triển khai dịch vụ giao hàng thông qua hợp tác với Alibaba vào tháng 8 năm ngoái.

Luckin đặt ra mục tiêu mở 4.500 cửa hàng trong năm nay với diện tích mỗi cửa hàng đa số không lớn hơn diện tích của môt căn hộ studio. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ xa con số 3.600 cửa hàng của Starbucks. Về phần mình, Starbucks cũng sẽ mở rộng các cửa hàng dạng bếp nhỏ và tập trung vào giao hàng trong các siêu thị bán lẻ Freshippo của Alibaba, đồng thời trang bị thêm cho hơn 2.000 cửa hàng để đáp ứng nhu cầu giao hàng.

Theo đó, Luckin cũng phải đối mặt với cuộc chạy đua khốc liệt cùng Starbucks. Doanh nghiệp startup này chủ yếu sử dụng giảm giá và khuyến mại để lôi kéo khách hàng, khiến tăng trưởng về nhu cầu sản phẩm có thể thiếu bền vững. Thị trường khởi nghiệp Trung Quốc thường có nhiều doanh nghiệp startup chạy theo mô hình đầu tư và tiêu tiền mạnh trong giai đoạn đầu, kèm theo sử dụng truyền thông mạnh mẽ, song ít khi đem lại lợi nhuận. Cũng theo đối tác tư vấn chiến lược của O&C ông Jack Chuang, thương hiệu, hương vị được ưa thích cùng khả năng nghiên cứu và phát triển mà Starbucks đem lại đặt ra tiêu chuẩn cao hơn mà Luckin cần vượt qua. Theo đó, "Luckin đang áp dụng tư duy Internet, tức là nếu họ bành trướng đủ rộng thì sẽ tạo ra thói quen cho người tiêu dùng, nhưng thách thức là ở chỗ với ngành thực phẩm đồ uống thì rất khó để tạo ra nhu cầu kiểu như vậy".

Ông Schakel thuộc Luckin trong khi đó cho biết công ty được đầu tư tốt và “không tập trung ngay vào việc tăng vốn” dù các báo cáo cho rằng công ty đang chuẩn bị IPO ở Hong Kong. Thay vào đó, công ty hướng đến tăng cường hợp tác với các đại gia Internet như Tencent hay các chuỗi đồ uống và thực phẩm nước ngoài tại Trung Quốc. Với việc tìm kiếm và chuyển hướng khỏi cuộc cạnh tranh với Starbucks, Schakel cho rằng thị trường Trung Quốc đủ tiềm năng cho hơn một chuỗi cà phê phát triển. Ông còn cho biết, Luckin vẫn coi Starbucks là người đi đầu thị trường cà phê do công ty này có nguồn lực tương đối lớn trong việc khuyến khích tiêu dùng cà phê tại Trung Quốc – một thị trường uống trà truyền thống. Luckin theo đó sẽ tập trung mở rộng ở các thành phố cấp 1 và 2 trong khi chờ xem Starbucks sẽ mở rộng thế nào ở khu vực nông thôn.

tamvu