Số lượng cửa hàng năm 2018 của PNJ tăng kỷ lục, kéo theo lợi nhuận tăng vọt, cho thấy PNJ đang có sự chuyển mình thành công. Doanh thu năm 2018 của PNJ đạt gần 14.700 tỉ đồng và lợi nhuận đạt mức kỷ lục 960 tỉ đồng, tăng 33% so với năm 2017. Trong năm 2018, số lượng cửa hàng của PNJ tăng thêm 68 cửa hàng so với 2017, đạt 337 cửa hàng. Đây cũng là mức tăng cao nhất của PNJ từ trước đến nay.
Xuất phát là một cửa hàng kinh doanh vàng bạc, chuyên thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm mang thương hiệu của mình, PNJ đã dần mở rộng mạng lưới bán hàng và trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Ở mô hình sản xuất và bán sản phẩm, nơi sản phẩm được coi là trọng tâm, thì mô hình bán lẻ phương thức bán hàng và cách vận hành chuỗi được coi trọng hơn cả. Hoạt động với mô hình bán lẻ, PNJ chú trọng vào trải nghiệm khách hàng, bằng việc trình bày cửa hàng, huấn luyện đào tạo nhân viên,...
Năm 2018, lần đầu tiên PNJ bán các sản phẩm từ các nhà sản xuất khác, cụ thể là đồng hồ, là mặt hàng có nhiều điểm tương đồng với lĩnh vực trang sức mà PNJ đang chiếm lĩnh thị trường. Mặc dù đã đề cập đến việc bán sản phẩm trang sức của các thương hiệu khác từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2018 hồi tháng 4.2018, đến nay, PNJ vẫn chỉ bán sản phẩm trang sức do công ty sản xuất.
Trao đổi với tạp chí Nhà Quản Lý, ông Lê Trí Thông, tổng giám đốc của PNJ cho biết việc mở rộng các cửa hàng bán lẻ vẫn đang mang lại hiệu quả cho PNJ. Với sản phẩm trang sức có giá trị như PNJ, khách hàng có xu hướng muốn chọn các thương hiệu có uy tín. Việc mở các cửa hàng tại khắp các tỉnh/thành phố trong cả nước tăng sự hiện diện và tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu PNJ. Với PNJ, mỗi lần mở thêm cửa hàng, hiệu quả hoạt động của cả cửa hàng mới lẫn cửa hàng cũ đều tăng trưởng. Điều này chứng tỏ dư địa thị trường trang sức Việt Nam vẫn còn rộng mở.
Ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc PNJ |
Ngoài ra, theo đánh giá của ông Thông, xu hướng mua đồ trang sức của người Việt hiện nay mới chỉ khoảng 30% khách hàng đặt quan tâm hàng đầu lên vẻ đẹp, thời trang, còn lại 70% vẫn chọn trang sức vì giá trị cất giữ của nó. Với 70% khách hàng nói trên, họ có xu hướng chọn các cửa hàng vàng bạc đá quý truyền thống, nơi các mặt hàng được chế tác đơn giản.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng hiện tại là tỷ lệ mua trang sức vì vẻ đẹp và thời trang đang tăng lên. Mỗi năm chỉ cần vài phần trăm số khách hàng từ cửa hàng vàng bạc đá quý truyền thống chuyển sang, PNJ và các cửa hàng trang sức hiện đại có khả năng có thêm khoảng 500.000 khách hàng. Việc mở thêm cửa hàng của PNJ cũng nhằm mục đích đón số lương khách tiềm năng này.
Kênh bán hàng online, nơi khách hàng chỉ cần click chuột là có thể hoàn tất giao dịch hiện đang là mối đe doạ cho các cửa hàng bán lẻ các mặt hàng thông dụng. Tuy nhiên, với mặt hàng mang tính thời trang như PNJ, khách hàng có xu hướng tìm hiểu sản phẩm trên giao diện online và mua hàng ở cửa hàng thực tế để đảm bảo phù hợp. Đó cũng là lý do PNJ vẫn đang tiếp tục tăng cường mở thêm các cửa hàng. "Khoảng trên một phần ba khách hàng của chúng tôi đến cửa hàng sau khi đã tìm hiểu sản phẩm trên website công ty" - ông Thông cho biết.
PNJ vừa mở cửa hàng đầu tiên theo mô hình flagship - nơi tập hợp đầy đủ các sản phẩm của PNJ từ đồng hồ đến trang sức, được thiết kế theo không gian mở, tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. Ngụ tại góc phố sầm uất tại trung tâm quận 1 - thành phố Hồ Chí Minh, nơi giá thuê mặt bằng đắt đỏ, đến nay hiệu quả của mô hình PNJ Next vẫn đang được PNJ quan sát và đánh giá. Lượng khách đến PNJ Next trong gần nửa tháng vừa qua "vượt quá kỳ vọng, thậm chí có lúc bị thiếu hàng" - ông Thông cho biết.