Phát triển bền vững giữa thách thức khôn cùng

vutuan

26/10/2019 08:01

Tại sao các nền kinh tế tăng trưởng? Làm thế nào để tiếp tục tăng trưởng bền vững trong tương lai khi các nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt?

Tháng 12.2018, hàng ngàn người bao gồm các lãnh đạo quốc gia, chuyên gia, nhà hoạt động, nhà sáng tạo và đại diện từ khu vực tư nhân lẫn xã hội dân sự đã tụ họp tại thành phố Katowice, Ba Lan để bàn về tương lai của Trái đất.

Năm 2018 là năm bản lề để Hội nghị các bên lần thứ 24 (COP 24) nhìn lại những cam kết cắt giảm khí thải, góp phần giữ nhiệt độ địa cầu ổn định kể từ Hiệp định Paris năm 2015.

Cũng trong năm 2018, giải thưởng Sveriges Riksbank về các ngành khoa học kinh tế (hay còn gọi là giải Nobel Kinh tế) được trao cho hai kinh tế gia người Mỹ là William Nordhaus và Paul Romer vì những đóng góp trong việc đưa yếu tố sáng tạo công nghệ và biến đổi khí hậu vào mô hình phân tích kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dài hạn. Lần đầu tiên trong lịch sử, giải Nobel Kinh tế trao thưởng cho những mô hình giúp trả lời và giải quyết vấn đề nền tảng nhất nhưng cũng nhức nhối nhất của thế kỷ: tương lai của nhân loại sẽ ra sao trước bối cảnh những nghiên cứu về kinh tế học đang gần như bế tắc trong việc giải đáp và tìm ra cách thức quản lý bền vững nguồn lực và tài nguyên khan hiếm.

Khởi nguồn cho những mô hình kinh tế đoạt giải của Paul Romer bắt đầu với hành trình tìm kiếm câu trả lời thông qua bản chất của tri thức mới. Theo Romer, các ý tưởng có thể được khai thác vô hạn. Tri thức và công nghệ là những điều mới mẻ, thú vị. Tuy nhiên, mở đầu diễn từ của mình khi nhận giải Nobel Kinh tế, Romer không giấu diếm rằng ông gặp khó khăn trong việc giải thích tại sao những thay đổi về công nghệ dù thú vị, hấp dẫn, nhưng ít được chú ý. Trong mô hình tăng trưởng của Romer, thị trường được coi là nơi sản sinh ra các ý tưởng mới. Nhưng tốc độ mà các ý tưởng được sinh ra và cách thức chúng chuyển hóa thành tăng trưởng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, ví dụ như sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc nghiên cứu và phát triển những vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tư tưởng kinh tế gắn liền với thay đổi công nghệ và cập nhật tri thức mới đã hình thành trong Romer từ những năm 1980. Ông cho biết lúc đang hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Chicago vào thập niên 1980, nhiều người nghi ngờ về khả năng phát triển và tăng trưởng. Vì vậy, Romer tìm mọi cách để hiểu ý tưởng về khả năng phát triển và tăng trưởng, đồng thời tìm hiểu xem những tìm tòi mới để thay đổi liệu có thể bù đắp được khan hiếm về nguồn lực hay không. Trong giai đoạn này, ông bắt đầu phát triển lý thuyết tăng trưởng nội sinh (endogenous growth). Theo đó, Romer cho rằng những tiến bộ công nghệ không chỉ đến từ bên ngoài nền kinh tế, tức nguồn ngoại sinh như giả thiết trong các mô hình kinh tế trước đó. Trái lại, tiến bộ công nghệ có thể ra đời nhờ những hoạt động có chủ đích trên thị trường.

Romer bắt đầu nghiên cứu và chỉ ra những thiếu hụt từ mô hình tăng trưởng Solow (đạt giải Nobel Kinh tế năm 1987). Mô hình Solow giải thích nhiều khía cạnh của tăng trưởng kinh tế nhưng chưa đề cập đến những khác biệt lớn và lâu dài trong tỉ lệ tăng trưởng. Để tăng trưởng dài hạn ổn định, giả thiết đặt ra là theo thời gian, sức lao động phải ngày càng cho năng suất cao hơn nhờ tiến bộ khoa học công nghệ, dù tỉ lệ này có thể khác nhau giữa các quốc gia. Tuy nhiên, mô hình Solow chưa giải thích được những xu hướng này, vì coi thay đổi về công nghệ chỉ đơn giản là yếu tố ngoại sinh đến từ một nơi nào đó.

Thành tựu lớn nhất của Romer là mở ra bí ẩn của chiếc hộp ngoại sinh và cho thấy các ý tưởng mới về công nghệ có thể được tạo ra như thế nào trong nền kinh tế thị trường. Mô hình nghiên cứu của ông chứng minh những thay đổi công nghệ nội sinh có thể định hình tăng trưởng, đồng thời phát hiện những chính sách nào là cần thiết để quá trình tăng trưởng hiệu quả.

Romer tin rằng một mô hình thị trường lý tưởng giúp các ý tưởng được sản sinh phải cho phép sản xuất hàng hóa mới dựa trên các ý tưởng đó với mức chi phí giảm dần nhanh chóng. Tức là bản mẫu của mỗi sản phẩm có thể có chi phí cố định lớn, nhưng bản sao hay sản phẩm được tái sản xuất phải có chi phí cận biên nhỏ hơn. Cấu trúc giá kiểu này đòi hỏi các công ty phải tăng giá, do đó các công ty phải có một số quyền lực độc quyền – mà thực ra điều này chỉ có thể xảy ra với những ý tưởng đủ độc đáo. Romer cũng chỉ ra rằng tăng trưởng do tích lũy ý tưởng khác với tăng trưởng do tích lũy vốn vật chất, sẽ không chứng kiến lợi nhuận giảm. Hay nói cách khác, tăng trưởng do ý tưởng và tri thức chi phối có thể duy trì ổn định theo thời gian.

Theo Romer, tri thức có thể vận hành như một động lực tăng trưởng kinh tế dài hạn. Tức là khi được tích lũy qua nhiều thập niên, tăng trưởng kinh tế hằng năm của một vài phần trăm sẽ chuyển biến cuộc sống của con người. Các mô hình kinh tế trước đó mới chỉ nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo công nghệ như một động lực của tăng trưởng kinh tế chứ chưa mô hình hóa việc các chính sách kinh tế và điều kiện thị trường sẽ quyết định sự ra đời của các công nghệ mới như thế nào. Romer đã giải quyết vấn đề này bằng cách cho thấy các lực lượng kinh tế chi phối việc các công ty sẵn sàng tạo ra ý tưởng mới và đổi mới sáng tạo như thế nào. Giải pháp này của Romer được công bố vào năm 1990, đặt nền móng cho lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Những giải thích về mặt lý thuyết của Romer góp phần tạo nền tảng cho những nghiên cứu khác về tăng trưởng nội sinh, đồng thời tác động lớn đến ngành kinh tế học. Lý thuyết mô hình của Romer vừa khái quát hóa, vừa thực tế hóa, giúp giải thích rằng với mỗi loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau thì cần có những ý tưởng khác nhau tương ứng. Để những ý tưởng này phát triển và được hiện thực hóa thì cần có điều kiện cụ thể.

Có thể nói, phát hiện của Romer cho phép chúng ta hiểu hơn về các điều kiện thị trường giúp tạo ra ý tưởng mới cho những công nghệ sinh lợi nhuận. Qua đó, thế giới có thể phát triển thể chế và chính sách hỗ trợ việc cải thiện và tăng cường phúc lợi xã hội thông qua đẩy mạnh phát triển công nghệ.

Nếu như nghiên cứu của Romer đi sâu vào tri thức – thứ mà con người có thể làm chủ, Nordhaus lại chọn khí hậu, thứ mà con người không thể tự kiểm soát. Những phát hiện của Nordhaus xem xét mối tương tác giữa xã hội và tự nhiên. Ông bắt đầu đi sâu vào chủ đề này vào những năm 1970 khi còn là một giảng viên trẻ của Đại học Yale. Nordhaus tập trung một cách đầy hứng thú với những bằng chứng ngày một rõ ràng về sự nóng lên của Trái đất và các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Cùng thời điểm đó, các nhà khoa học ngày càng tỏ ra lo ngại về việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến khí hậu trở nên ấm hơn. Đó là lúc Nordhaus hiểu rằng mình phải làm một điều gì đó. Mối quan tâm của Nordhaus xoay quanh việc tìm ra các công cụ giúp mọi người hiểu hơn về tác động của nền kinh tế trong việc gây ra biến biến đổi khí hậu, cũng như những hậu quả xã hội khi khí hậu biến đổi bất thường. Ông muốn xây dựng một mô hình khát quát phân tích chi phí và lợi ích của biến đổi khí hậu.

Vào giữa thập niên 1990, Nordhaus trở thành người đầu tiên phát minh ra mô hình đánh giá tích hợp (IAMs), mô hình định lượng mô tả sự tương tác ở quy mô toàn cầu giữa kinh tế và khí hậu. Mô hình của Nordhaus đụng chạm đến giao điểm của một loạt hệ thống phức tạp trong nền kinh tế, tích hợp các kết quả lý thuyết và thực nghiệm từ lĩnh vực kinh tế, hóa học và vật lý. Cũng giống như Romer, Nordhaus bắt đầu những nghiên cứu thông qua tìm hiểu mô hình tăng trưởng Solow. Ông mở rộng mô hình với một nhóm tác động lan tỏa quan trọng, bao gồm sự ấm lên của Trái đất do phát thải khí carbon. Có thể nói, nghiên cứu quan trọng nhất của Nordhaus góp phần đem lại giải Nobel Kinh tế cho ông là mô hình xem xét những tác hại kinh tế từ việc thải khí CO2.

Nordhaus đã tổng hợp các biến mô tả toán học về sự ảnh hưởng của phát thải khí đối với nồng độ carbon trong khí quyển, và cả những quan sát về sự ảnh hưởng của nồng độ carbon trong khí quyển đối với nhiệt độ Trái đất, cũng như mức độ thay đổi nhiệt độ trong tương quan với hoạt động kinh tế.

Mô hình IAMs của Nordhaus gồm ba hợp phần tương tác lẫn nhau:

Hợp phần về sự lưu thông luồng khí carbon: Hợp phần này phản ánh các tương tác hóa học và mô tả tác động từ ảnh hưởng của phát thải khí CO2 toàn cầu đối với nồng độ CO2 trong khí quyển. Thông qua tính toán lượng khí thải CO2 lưu chuyển giữa ba bể chứa là khí quyển, bề mặt đại dương và sinh quyển, đáy đại dương, mô hình giúp nhận biết biến động thời gian của nồng độ CO2 trong khí quyển.

Hợp phần về khí hậu: Hợp phần này phản ánh các tương tác vật lý và mô tả ảnh hưởng của nồng độ CO2 trong khí quyển và khí nhà kính đối với sự cân bằng luồng năng lượng đến và phát sinh từ Trái đất. Theo đó, mô hình hợp phần cho thấy sự thay đổi quỹ năng lượng toàn cầu qua thời gian, giúp nhận biết biến động thời gian của nhiệt độ toàn cầu, vốn được coi là thang đo chính của sự biến đổi khí hậu.

Hợp phần về tăng trưởng kinh tế: Hợp phần này mô tả nền kinh tế toàn cầu với hoạt động sản xuất hàng hóa thông qua sử dụng yếu tố đầu vào là vốn, lao động và năng lượng. Một phần năng lượng là do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguồn sản sinh khí thải CO2. Hợp phần chỉ ra ảnh hưởng của các chính sách môi trường khác nhau (như thuế hay tín dụng carbon) đối với nền kinh tế và lượng khí CO2 mà nền kinh tế đó thải ra. Mô hình giúp nhận biết biến động thời gian của GDP, phúc lợi xã hội và phát thải khí CO2 toàn cầu, cũng như biến động thời gian của những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên.

Suốt 50 năm qua, nhân loại ngày càng ý thức được mối đe dọa khi môi trường bị tàn phá cũng như sự biến đổi của khí hậu. Nordhaus tin rằng hiểu được cái giá phải trả về mặt kinh tế cho những thiệt hại về tự nhiên là vô cùng cần thiết, để giải đáp chi phí mà xã hội chấp nhận đánh đổi để đảo ngược quá trình hủy hoại môi trường.

Kết quả từ nghiên cứu của Romer giúp chúng ta hiểu hơn về sự thay đổi nền kinh tế thị trường thông qua những thay đổi về công nghệ trong dài hạn. Trọng tâm mô hình của Romer nhấn mạnh vào tính nội sinh nền tảng của đổi mới công nghệ, giúp giải thích cách thức mở rộng ra ngoài những giới hạn của nền kinh tế, và cuối cùng là khả năng tăng trưởng hơn nữa của các hoạt động trong tương lai.

Trong khi đó, Nordhaus góp phần khởi xướng mô hình chỉ ra sự phụ thuộc tương hỗ lẫn nhau của nền kinh tế và khí hậu toàn cầu. Với trọng tâm nghiên cứu những thách thức cơ bản của biến đổi khí hậu, Nordhaus nhấn mạnh vào những hiệu ứng phụ tiêu cực nhưng lại vô cùng quan trọng, gây khó khăn cho các nỗ lực hướng tới sự thịnh vượng. Đóng góp của Nordhaus và Romer chỉ mang tính phương pháp luận nhưng lại vô cùng quan trọng đối với phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn. Đồng thời, những mô hình mà Nordhaus và Romer chỉ ra còn cung cấp cho thế giới các góc nhìn nền tảng về nguyên nhân và hậu quả, diễn biến của đổi mới sáng tạo công nghệ và biến đổi khí hậu. 

Nobel Kinh tế 2018 rõ ràng chưa thể cho loài người đáp án cuối cùng về tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, những phát hiện và nghiên cứu của Nordhaus và Romer một lần nữa đưa chúng ta đến gần hơn với các đáp án để có nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ổn định bền vững. Đặc biệt, cả hai nhà kinh tế học đều thống nhất rằng nền kinh tế thị trường hiện nay dù được coi là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của con người nói chung song vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Do đó, vấn đề là các nhà lãnh đạo và giới hoạch định chính sách sẽ làm gì để tăng trưởng phúc lợi xã hội đi đôi với phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn.

Tác giả: Lê Hải Hà

Lê Hải Hà tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Phát triển và Chính sách Môi trường tại School of International Services, thuộc trường American University (Mỹ).

Trước đó, Lê Hải Hà nhận bằng cử nhân ngành Tài Chính Quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội và từng có thời gian công tác tại tổ chức phi chính phủ Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency).

Hiện tại, Lê Hải Hà là Chuyên viên phân tích Cấp cao mảng chính sách công và quan hệ chính phủ tại Việt Nam.

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Phát triển bền vững giữa thách thức khôn cùng" tại chuyên mục E-magazine.