Ở Việt Nam không có truyền hình miễn phí?

thunguyen

30/11/2018 00:36

Bài viết dưới đây của Luật sư Võ Trung Tín – VP Luật Phan Law Việt Nam sẽ cho góc nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Liên quan đến bản quyền truyền hình, quyền lợi của người tiêu dùng đang được đặt ở đâu khi mà truyền hình miễn phí và truyền hình trả tiền lại không được phân định rõ ràng. Có phải chăng ở Việt Nam không có truyền hình miễn phí?

Theo như Nghị định 06/2016/NĐ-CP không quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải có nghĩa vụ dành dung lượng truyền dẫn để thực hiện truyền dẫn phát sóng kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương (sau đây gọi là “Kênh truyền hình thiết yếu”) như các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình quảng bá. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này, nếu các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền muốn phát sóng các Kênh truyền hình thiết yếu thì phải tổ chức các kênh chương trình này thành gói dịch vụ cơ bản, tách biệt riêng với các gói dịch vụ khác, ví dụ: gói dịch vụ nâng cao (bao gồm các kênh chương trình trong nước khác và kênh chương trình nước ngoài), gói dịch vụ theo yêu cầu, gói dịch vụ giá trị gia tăng.

Mặc dù đã có sự phânđịnh rõ ràng về các khái niệm truyền hình quảng bá, truyền hình trả tiền cũng như quy định việc tiếp phát các Kênh truyền hình thiết yếu trên các nền tảng này, tuy nhiên, thực tế các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lại đang thực thi việc này rất nhập nhằng.

Theo đó, để sử dụng truyền hình trả tiền, người tiêu dùng buộc phải mua thiết bị, trả tiền thiết bị và trả tiền thuê bao cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Khi đó, người tiêu dùng mới có thể xem được các gói kênh của các đơn vị này. Vấn đề đặt ra ở đây, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền không phân định rõ ràng các gói dịch vụ của mình theo như quy định tại Điều 14 Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã đề cập ở đây. Gói kênh của các đơn vị này bao gồm luôn cả Kênh truyền hình thiết yếu cùng với các kênh chương trình trong nước khác và kênh chương trình nước ngoài.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng đã phải trả tiền thuê bao để có thể coi được các Kênh truyền hình thiết yếu như đối với các kênh chương trình khác.

Với cách cung cấp dịch vụ của các đơn vị truyền hình trả tiền như hiện nay thì người bị thiệt hại nhiều nhất chính là người tiêu dùng, đặc biệt là trong việc xem các Kênh truyền hình thiết yếu. Bởi lẽ, các Kênh truyền hình thiết yếu ra đời nhằm mục đích thời sự, phục vụ yêu cầu thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng của quốc gia và của địa phương. Vì tôn chỉ và mục đích cũng như tầm quan trọng của các kênh chương trình này đối với người xem trong nước như vậy, Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã quy định nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền tách bạch Kênh truyền hình thiết yếu so với các kênh chương trình khác. Đồng thời, người tiêu dùng phải được tiếp cận các chương trình này mà không phải trả tiền thuê bao, hoặc bị kiểm soát, ràng buộc điều kiện thu tín hiệu để thu phí để có thể cập nhật các thông tin thời sự, các tin tức quan trọng của quốc gia. Điều này hoàn toàn khác với thực tế cách thức mà các đơn vị truyền hình trả tiền đang thực hiện. Việc các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đặt vị thế của các Kênh truyền hình thiết yếu ngang hàng với các chương trình trong nước khác và chương trình nước ngoài, cũng như hạn chế người xem tiếp cận các Kênh truyền hình thiết yếu này rất vô lý và không có cơ sở.

Có thể thấy, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các giải đấu thể thao theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Khi nào các quy định về truyền hình trả tiền vẫn còn mơ hồ, không rõ ràng thì khi đó quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ tối ưu. Do đó,một trong những yêu cầu cấp bách nhất vào thời điểm hiện tại là cần có một hệ thống quy phạm pháp luật đầy đủ và rõ ràng hơn về truyền hình trả tiền và truyền hình miễn phí. Đồng thời, các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các Cơ quan dân quyền cần có tiếng nói, có biện pháp thiết thực để người dân không bị hạn chế trong việc tiếp cận các Kênh truyền hình thiết yếu vì mục đích cập nhật thời sự, các thông tin chính trị, an ninh, quốc phòng của quốc gia.

Một số quy định về pháp luật về truyền hình trả tiền, truyền hình miễn phí

  • Điều 4 Nghị định 06/2016/NĐ-CP, đã xác định các loại dịch vụ phát thanh, truyền hình bao gồm cả truyền hình mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình di động, truyền hình trên mạng Internet đều được cung cấp đến người sử dụng theo hai phương thức là “dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá” và “dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”. Trong đó:
  1. Dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá là dịch vụ do doanh nghệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp cho người sử dụng dịch vụ tự do mà không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, kiểm soát hoặc ràng buộc điều kiện thu tín hiệu;
  2. Dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền là dịch vụ do doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cung cấp cho người sử dụng dịch vụ có áp dụng biện pháp kỹ thuật để quản lý, kiểm soát và ràng buộc điều kiện thu tín hiệu.
  • Điều 13 Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định về nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá bao gồm:
  1. Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương (sau đây gọi chung là “Kênh truyền hình thiết yếu”).
  2. Các kênh chương trình trong nước khác.

Trong đó, kênh truyền hình thiết yếu là các kênh nhằm phục vụ cho mục đích chính trị, tuyên truyền thông tin thiết yếu của quốc gia, của địa phương; luôn đảm bảo tôn chỉ là thời sự – chính trị – an ninh quốc phòng; bám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước để có thể nắm bắt thông tin trọng tâm, đưa tin nhanh chóng, kịp thời đến người dân thông qua các hình thức như truyền hình trực tiếp hoặc các chương trình thời sự hàng ngày.

  • Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thì không có bất kỳ điều khoản nào quy định về nghĩa vụ bắt buộc phải tiếp sóng các kênh truyền hình thiết yếu của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có quyền “chủ động lựa chọn các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài, nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng để cung cấp trên các gói dịch vụ”. Tuy nhiên căn cứ vào Khoản 2 Điều 5 của Thông tư 18/2016/TT-BTTTT thì có thể khẳng định đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có nghĩa vụ cung cấp các kênh truyền hình thiết yếu.

Như vậy, khi các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu trên nền tảng trả tiền thì các đơn vị này phải đảm bảo tuân thủ các quy định được nêu tại Điều 14 Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Cụ thể là các kênh truyền hình thiết yếu được phát sóng trên dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ được phân nhóm riêng thành gói dịch vụ cơ bản mà trong đó:

  1. Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ, chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia phải được cung cấp đến tất cả các thuê bao.
  2. Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương phải được cung cấp đến các thuê bao truyền hình trả tiền trên địa phương nơi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo địa bàn hành chính, trừ trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng không có khả năng chèn hoặc thay thế kênh chương trình.

Điểm nhận tín hiệu kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thực hiện theo thỏa thuận giữa các đơn vị cung cấp nội dung và đơn vị cung cấp dịch vụ lấy từ Tổng khống chế của đơn vị cung cấp nội dung hoặc từ một địa điểm có vị trí thuận lợi, gần nhất, phù hợp với quy định của pháp luật, do đơn vị cung cấp nội dung chịu trách nhiệm để đảm bảo chất lượng tín hiệu và tiết kiệm chi phí truyền dẫn của đơn vị cung cấp dịch vụ.

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Ở Việt Nam không có truyền hình miễn phí?" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.