Nhà đầu tư nước ngoài đã mua cổ phần các doanh nghiệp với giá trị 10,4 tỉ USD trong chín tháng đầu năm, tăng 82% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó tổng số vốn FDI đăng ký trong cùng thời gian đạt gần 11 tỉ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ 2018.
Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài phân bổ 6,3 tỉ USD vào các doanh nghiệp phát hành tăng vốn, và 4,1 tỉ USD mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư trong nước - theo số liệu mới được công bố từ Tổng cục thống kê.
So với đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nhà đầu tư gián tiếp sẽ không tham gia vào việc điều hành doanh nghiệp, mà thường rót vốn để tìm kiếm lợi nhuận, thông thường qua thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, khi mua vào một tỷ lệ cổ phiếu đủ lớn, các tổ chức thường có xu hướng cử người tham gia quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Hiện nay các doanh nghiệp niêm yết đang có xu hướng tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100% từ mức 49% theo quy định trước đó. Trừ các ngành đặc thù theo quy định như ngân hàng tài chính, bảo hiểm,… hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều được quyền tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa.
Ông Tống Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán HDB cho rằng việc mua và sở hữu một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh ổn định đơn giản hơn đầu tư từ đầu hay mở rộng một dự án. Dòng vốn từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc - nền kinh tế đang chịu tổn thương từ chiến tranh thương mại - sẽ tìm điểm đến mới, và mua cổ phần là một trong những lựa chọn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã được vào danh sách theo dõi nâng hạng của tổ chức đánh gía xếp hạng thị trường FTSE Russell. Tuy nhiên, trong đợt công bố kết quả mới đây, thị trường Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi và chưa được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cấp 2. Nâng hạng thị trường là cơ hội để các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn theo danh mục đầu tư.