Masan muốn mở chuỗi bán lẻ

truong.bui

02/05/2019 08:28

Nhà sản xuất hàng tiêu dùng và kinh doanh đa ngành Masan muốn bước chân vào ngành bán lẻ đang tăng trưởng nhưng còn phân mảnh của Việt Nam.

Masan dự kiến mở 11.000 cửa hàng Masan Shop tới từng xã trên cả nước và phát triển 5.000 điểm bán các sản phẩm thịt MEATDeli trên cả nước cho tới năm 2022, Danny Le, giám đốc cấp cao về chiến lược và phát triển của Masan Group tuyên bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hôm 24.4.

"95% doanh thu Masan Shop sẽ tới từ các sản phẩm trong danh mục của Masan", Danny Le nói với giới cổ đông.

Bán lẻ, cùng với việc mở rộng danh mục sản phẩm sang ngành chăm sóc cá nhân và gia đình, là hai chiến lược tiếp theo của Masan trong tương lai.

Ngành bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong gần 30 năm qua, ước đạt quy mô trên 3,3 triệu tỉ đồng trong năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ năm 2018 cao hơn mức tăng năm 2017, đạt 12,4%, trong một năm mà kinh tế Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng kỷ lục.

Nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam còn phân mảnh với hơn 1,5 triệu tiệm tạp hóa nhỏ lẻ chiếm 90% doanh số toàn ngành bán lẻ, và người tiêu dùng cũng phải chi trả thêm 20-25% cho các nhu cầu cơ bản, do sản phẩm đi qua tay nhà phân phối và các điểm bán lẻ, theo lời ông Danny Le.

Đây không phải lần đầu tiên Masan bước chân vào ngành bán lẻ. Năm 2001, Masan mở 25 cửa hàng Masan Mart nhưng nhanh chóng đóng cửa toàn bộ hệ thống này hai năm sau đó do người tiêu dùng chưa có thói quen và nhu cầu tới mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cửa hàng tạp hóa. Từ lúc đó cho tới nay, nhiều chuỗi cửa hàng đã mở ra và phát triển quy mô mạnh mẽ, có chuỗi lên tới cả nghìn cửa hàng.

Quay lại thị trường bán lẻ lần này, Masan đặt mục tiêu phát triển cả ba kênh bán lẻ: truyền thống (cửa hàng tạp hóa), hiện đại (chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) và thương mại điện tử. Trong khi kênh truyền thống có quy mô lớn nhưng tăng trưởng chậm, kênh hiện đại vẫn còn quy mô nhỏ sau 10 năm phát triển, còn thương mại điện tử chỉ phát triển mạnh ở thành thị và tốn kém chi phí thu hút người dùng.

"Một sự kết hợp cả ba kênh bán lẻ sẽ là mục tiêu của Masan", Danny Le nói.

Trước mắt, mục tiêu trong năm 2019 là Masan tự phát triển trên 25 cửa hàng MEATDeli, bao phủ 100% kênh bán lẻ hiện đại và 250 đại lý của chuỗi điểm bán thịt này.

Năm 2019, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng 18-31% doanh thu và 44-58% lợi nhuận sau thuế, tương ứng đạt trên 45.000 tỉ đồng doanh thu và 5.000 tỉ đồng lợi nhuận.

Trường Bùi

truong.bui
Bạn đang đọc bài viết "Masan muốn mở chuỗi bán lẻ" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.