Khối công nghệ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của FPT với doanh thu đạt gần 13.800 tỉ đồng. Hơn 70% doanh thu của khối công nghệ đến từ thị trường nước ngoài. “Các thị trường tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt, đặc biệt là thị trường Mỹ - thị trường lớn thứ hai của FPT tăng trưởng 53,7%, doanh thu vượt mốc 100 triệu USD”, FPT cho biết trong thông cáo báo chí.
Hầu hết doanh thu mảng công nghệ từ thị trường nước ngoài đều là kết quả của FPT Software - đơn vị thành viên của FPT - với các khách hàng là các công ty hàng đầu thế giới như GE, Airbus, Siemens, Amazon,… FPT có 100 khách hàng có mặt trong danh sách tốp 500 công ty lớn nhất thế giới Fortune Global 500.
Tính đến chiều 3.12.2019, FPT Software chính thức cán mốc doanh thu 10.000 tỉ đồng tính từ đầu năm - ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software - công ty thành viên của Tập đoàn FPT cho biết tại Đại hội Sales & Marketing VSMCamp & CSMOSummit 2019.
Ông Tiến nhận định, trong giai đoạn này, nhiều khái niệm, mô hình, công nghệ mới ra đời, cùng với sự phát triển của internet. Nhờ đó, Việt Nam đã có thể rút ngắn khoảng cách công nghệ với các quốc gia trên thế giới. FPT đưa các vấn đề về giải pháp chuyển đổi số để đi “bán hàng” với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Hiện, mảng công nghệ của tập đoàn cũng có dịch vụ giải pháp theo ngành. “Các giải pháp Ngân hàng – Tài chính của FPT hiện đang phục vụ cho hơn 300 ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước”, FPT cho biết.
Các dịch vụ công nghệ thông tin của FPT bao gồm: chuyển đổi số, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ di động, Internet vạn vật...
Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu IDC, quy mô của ngành công nghệ thông tin thế giới dự báo sẽ vượt mốc 6.000 tỉ USD vào năm 2022, tăng khoảng 35% so với năm 2016. Trong đó, nhu cầu phần lớn tập trung tại Mỹ, khu vực châu Âu, và châu Á - Thái Bình Dương.
Thị trường trong nước lại là mảnh đất màu mỡ của dịch vụ viễn thông của FPT khi đem lại hơn 9.400 tỉ đồng sau 11 tháng. Các dịch vụ viễn thông của FPT bao gồm internet băng rộng, kênh thuê riêng, trung tâm dữ liệu, truyền hình FPT, hệ thống báo điện tử VnExpress.net, Ngoisao.net, iOne.net, quảng cáo trực tuyến eClick AdNetwork…
Tổng hai mảng chính là công nghệ và viễn thông chiếm gần 95% doanh thu của FPT. Cuối năm 2017, FPT đã thoái bớt vốn khỏi công ty bán lẻ FPT Retail, đưa công ty này thành công ty liên kết và chỉ hạch toán lợi nhuận theo tỷ lệ sở hữu còn lại (46,5%).
Trong 11 tháng, FPT đạt trên 4.400 tỉ đồng lợi nhuận, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019.
Dâng Phạm