Ngày 9/5, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) vừa sửa đổi tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 dự kiến tổ chức vào ngày 12/5 tới đây. Theo đó Gelex muốn chi xấp xỉ 426 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt năm 2021 với tỷ lệ 5% vốn điều lệ. Số cổ phiếu GEX đang lưu hành là 851,5 triệu đơn vị, nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu GEX sẽ được nhận 500 đồng.
Sau khi trả cổ tức bằng tiền mặt 426 tỷ đồng và trích quỹ khen thưởng phúc lợi 5 tỷ đồng, Gelex còn 78,3 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại trên báo cáo tài chính riêng.
Ngoài ra, HĐQT Gelex cũng thông qua phương án mua lại trái phiếu trước hạn trị giá 300 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu được phát hành vào ngày 19/5/2021 với lãi suất cố định 8,5% mỗi năm. Người mua là một tổ chức trong nước.
Ngày đáo hạn là 19/5/2024, ngày Gelex dự kiến mua lại là 19/5/2022. Như vậy, Gelex trả nợ trước hạn hai năm. Theo các điều khoản của trái phiếu, Gelex có quyền mua lại trái phiếu trước hạn kể từ khi đủ 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 18 triệu cổ phần GEX tại Tập đoàn Gelex và hơn 21 triệu cổ phiếu PXL tại CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Tổng giá trị tài sản bảo đảm được xác định khi phát hành là 460 tỷ đồng. Định kỳ ba tháng một lần, tài sản bảo đảm được định giá lại.
Trước đó, như Nhaquanly.vn đã đưa tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex có kế hoạch niêm yết hoặc đăng ký giao dịch UPCoM đối với cổ phần tại công ty con là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex. Tập đoàn Gelex đồng thời dự định sẽ tăng vốn và đăng ký niêm yết với Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở tập đoàn vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối đồng thời bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược.
Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex trước đây có tên là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, có vốn điều lệ: 7.900.000.000.000 VND, trong đó GELEX sở hữu 99,99%. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty này là trực tiếp đầu tư kinh doanh và/hoặc quản lý khoản đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng Bất động sản và Tiện ích gồm: Bất động sản khu công nghiệp và Bất động sản thương mại: Phát triển khu công nghiệp và hệ sinh thái/dịch vụ đi kèm; đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia khu công nghiệp; Tiện ích Năng lượng và Nước sạch: Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió,…); cung cấp nước sạch.
Được biêt Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex do ông Nguyễn Văn Tuấn biệt danh Tuấn "mượt" làm Tổng Giám đốc, kiêm thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Văn Tuấn được mệnh danh là “ông trùm” M&A với hai thương vụ nổi tiếng nhất là thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các tổng công ty có “gốc” Nhà nước, là Gelex (HOSE: GEX) và Viglacera (HOSE: VGC).
Đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ đông lớn nhất của Gelex Group có ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex Group, sở hữu hơn 192 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 22,58% vốn điều lệ; bà Đào Thị Lơ (mẹ ông Tuấn) sở hữu 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ; .
Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex của đại gia Tuấn "mượt" còn có Chứng khoán VIX (VIX - Ông Tuấn là em trai bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán VIX.), Tổng Công ty IDICO (IDC), Marina Holdings (MHC), và CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW), và CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).
Kết thúc 2021, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của GELEX ghi nhận tổng tài sản hơn 61.189 tỷ đồng nhưng tổng nợ của tập đoàn lên tới hơn 40.691 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần từ mức 18.936 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 10.831 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 23.000 tỷ đồng cuối năm 2021. Còn nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 8.105 tỷ đồng lên thành hơn 17.717 tỷ đồng.
Điều đáng nói, những khoản nợ mà GELEX phải trả đều tăng vọt, trong đó có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 8.372 tỷ đồng, tăng hơn 4.044 tỷ đồng so với số nợ đầu kỳ; nợ phải trả ngắn hạn khác cũng từ hơn 2.624 tỷ đồng tăng lên hơn 4.642 tỷ đồng.
Còn vay và nợ tài chính dài hạn cũng tăng đột biến từ hơn 7.752 tỷ đồng lên thành hơn 13.749 tỷ đồng, tức mức tăng lên gần 6.000 tỷ đồng; trong đó 8.896 tỷ đồng nợ ngân hàng và 6.383 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Những "chủ nợ" lớn của GELEX gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) gần 2.900 tỷ đồng; Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg cho vay hơn 1.627 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho GELEX vay 1.090 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 815 tỷ đồng,…
Mới đây CTCP Tập đoàn Gelex đã bổ nhiệm ông Lê Bá Thọ làm Phó Tổng giám đốc tập đoàn này. Cùng với đó, ông Lê Bá Thọ còn được CTCP Hạ tầng Gelex – công ty con của GEX – đề cử vào hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Viglacera – CTCP, thay thế cho bà Đỗ Thị Phương Lan vừa có đơn từ nhiệm.
Ngoài các chức vụ kể trên, tân Phó tổng giám đốc GEX Lê Bá Thọ còn nắm giữ các vị trí cấp cao ở các doanh nghiệp thành viên của GEX, như: Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư KCN Dầu khí Long Sơn; Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Hạ tầng Gelex.
Đáng chú ý, ông Lê Bá Thọ mới đây đã có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Idico (HNX: IDC). Việc ông Thọ rời ‘ghế nóng’ sau hơn 1 năm phụ trách được tin rằng là chỉ dấu cho thấy nhóm GEX sẽ sớm triệt thoái vốn khỏi IDC.