Tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có hai nước là Việt Nam và Thái Lan giữ giá đồng tiền hoặc tăng giá so với đồng USD trong bối cảnh Nhân dân tệ giảm liên tục và chạm vần ngưỡng 7,2 đồng Nhân dân tệ đổi 1 USD. “Đây là hiện tượng rất hiếm khi xảy ra đối với VND do quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn với Trung Quốc” - báo cáo chiến lược của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài hơn 400 ngày đã khiến nền kinh tế các bên bị suy yếu. Trung Quốc quyết định điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ, được cho là động thái hỗ trợ xuất khẩu của nước này trước những đòn trừng phạt về thuế mà Mỹ đưa ra.
Việc giữ giá so với đồng USD khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn khi giảm sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại từ các quốc gia giảm giá tiền tệ.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình đơn hàng ngành dệt may tám tháng đầu năm không khả quan so với cùng kỳ, trong đó có nhiều doanh nghiệp giá trị đơn hàng mới chỉ đạt 70%. Dưới ảnh hưởng của tỷ giá, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bắt đầu cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc gây ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu - Bộ Công thương nhận định.
Tuy nhiên, ngược lại, giữ giá đồng tiền lại giúp Việt Nam có lợi hơn trong việc nhập các nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất trong nước - khi doanh nghiệp không phải chi trả quá cao cho các món hàng nhập khẩu.
Trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhà nước phải ưu tiên cân đối cùng lúc nhiều mục tiêu phục vụ lợi ích chung, như lạm phát, tỷ giá, lãi suất, dự trữ ngoại hối…