Xuất phát từ mục đích bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (thu phí từ khách hàng) qua ngân hàng, giờ đây, kênh hợp tác giữa hai bên đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng. Sản phẩm kết hợp giữa hai bên được gọi là bancassurance - đến nay vẫn chưa có một thuật ngữ tiếng Việt tương đương.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tám tháng đầu năm 2019 doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance chiếm khoảng 17,2% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường. Tỷ lệ này năm 2018 ở vào khoảng 10%.
Bancassurance bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng ba năm trở lại đây từ những thoả thuận hợp tác độc quyền giữa hai bên bảo hiểm và ngân hàng. Thoả thuận phân phối độc quyền yêu cầu các ngân hàng chỉ được phân phối sản phẩm bảo hiểm của duy nhất một công ty bảo hiểm. Bắt đầu bằng hợp đồng độc quyền giữa Manulife - một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu Việt Nam với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn vào năm 2015, đến nay thị trường bảo hiểm liên tục công bố những thương vụ hợp tác tương tự.
Cuối tháng 9.2019, hãng tin Bloomberg đưa tin FWD - công ty bảo hiểm đến từ Hồng Kông đã chiến thắng các đối tác, dành được thoả thuận độc quyền với Vietcombank. Thương vụ ước tính trị giá 400 triệu USD đến nay vẫn chưa được công bố chính thức.
2017 và 2018 được đánh giá là hai năm nở rộ của thị trường bancassurance Việt Nam - theo đánh giá của Tạp chí Bảo hiểm châu Á Asia Insurance Review. Có thể kể đến những tên tuổi như Manulife và Techcombank (2017), AIA và VPBank (2017), AIA và HSBC (2017), Dai-ichi Life và Sacombank (2017), FWD và Nam Á Bank (2017), AVIVA và Vietinbank (2017), Chubb Life và Viet A Bank (2018)…
Việt Nam với tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ còn thấp - khoảng 10% cơ hội với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn còn rộng mở. Tính đến tháng 9.2019, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ. Đây là năm thứ năm liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình từ 25 - 30%/năm - theo số liệu từ Bộ tài chính.
Các ngân hàng trong nỗ lực tăng tỷ lệ doanh thu từ các loại phí dịch vụ, hơn là các khoản cho vay tín dụng truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro, đang coi bancassurance là một kênh bán hàng hiệu quả.
Mảng này mang lại cho Vietcombank 430 tỉ doanh thu năm 2018, tăng hơn 55% so với 2017 - theo báo cáo thường niên của Vietcombank. Tăng thu phí dịch vụ, trong đó có thu phí bancassurance nằm trong kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2019 của Vietcombank.
Techcombank nhờ hợp đồng độc quyền với Manulife từ năm 2017 đã tự ghi tên mình thành ngân hàng đứng đầu hệ thống với riêng sản phẩm bancassurance. Doanh thu mảng này của Techcombank năm 2018 đạt gần 920 tỉ đồng, tăng 41% so với năm 2017 - báo cáo thường niên của ngân hàng cho biết. Hợp đồng độc quyền này có thời hạn 15 năm.
Phí bảo hiểm sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho mảng dịch vụ của các ngân hàng trong thời gian tới, chứng khoán Rồng Việt VDSC nhận định trong báo cáo ra hồi tháng Chín.