Công ty Cổ phần Xây dựng số 5: May mắn góp mặt tại nhiều dự án nghìn tỷ đồng, nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu

Hoàng Thăng - Lê Pháp

19/09/2023 09:50

Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (HoSE: SC5) dù liên tục góp mặt trong nhiều gói thầu trị giá cả nghìn tỷ đồng nhưng vẫn phải đối diện với tình trạng nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu và đã nhiều lần sử dụng hợp đồng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các ngân hàng.

Liên tiếp góp mặt trong các dự án nghìn tỷ đồng, tiết kiệm dưới 1%

Tiền thân là xí nghiệp Xây dựng số 5, trực thuộc tổng công ty Xây dựng số 1 – Bộ Xây dựng, đến năm 2004 thì thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành công ty Cổ phần Xây dựng số 5. Năm 2007, cổ phiếu doanh nghiệp này chính thức được giao dịch tại sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) với mã chứng khoán SC5.

Trụ sở doanh nghiệp được đặt tại số 137 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Dũng, hiện sở hữu 3,81% cổ phần công ty.

Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 có thể được coi là một doanh nghiệp lớn trong “làng thầu” khi liên tiếp góp mặt trong hàng loạt gói thầu “khủng” trên cả nước. Trong đó, có không ít gói thầu xây dựng với các Bệnh viện, gói thầu dân sinh... Với bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành xây lắp, SC5 là một “ông lớn” trong lĩnh vực đấu thầu khi tính đến tháng 6/2023, Công ty đã tham gia 58 gói, trúng 36 gói với tổng giá trị lên tới 11,2 nghìn tỷ đồng.

cong-ty-cp-xay-dung-so-5-pld-1694959666.png

Có thể kể đến như: Tại 2 gói thầu thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp (thuộc UBND TPHCM) làm chủ đầu tư/bên mời thầu. SC5 được phê duyệt trúng thầu với giá trị lần lượt là 1.734 tỷ đồng và 1.806 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tiết kiệm cho ngân sách được 9,3 tỷ đồng và 25,2 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tiết kiệm là 0,53% và 1,38%).

Cũng tại chủ đầu tư trên, SC5 được lựa chọn trúng gói thầu thi công xây dựng và thử tĩnh tải cọc trị giá 478 tỷ đồng, nhưng số tiền tiết kiệm được chỉ 2 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng trúng thầu xây lắp trị giá 32,7 tỷ đồng, nhưng tiết kiệm chỉ được hơn 13 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm gần như là bằng 0 đồng.

Tháng 6/2022, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 đã trúng gói HD-PW-08: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và kết nối hộ gia đình cho các khu vực còn lại của phía Tây TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) tại Ban QLDA Phát triển tổng hợp các đô thị động lực thành phố Hải Dương có giá trúng thầu 315,354 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 52 triệu đồng (tương đương 0,016%).

thong-bao-ket-qua-lua-chon-nha-thau-pld-1694959832.png

Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu HD-PW-08: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và kết nối hộ gia đình cho các khu vực còn lại của phía Tây thành phố Hải Dương.

Tương tự, hiện trạng này cũng xuất hiện tại một số gói thầu khác như gói “Thiết kế, thi công, lắp đặt công trình (EC)” tại Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng có giá trúng thầu 417,2 tỷ đồng, tiết kiệm 2,1 tỷ đồng (tỉ lệ 0,52%).

Tại Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, liên danh SC5 – WASE trúng gói thầu EPC với giá trị 1,2 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm 9,3 tỷ đồng, tương đương 0,72%.

Cần lưu ý rằng, trong công tác đấu thầu, mục tiêu lớn nhất là tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách. Các đơn vị là chủ đầu tư bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao, cũng cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm này, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Lợi nhuận “mỏng”, nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu, nhiều lần dùng hợp đồng làm tài sản bảo đảm

Liên quan đến tình hình tài chính, việc liên tiếp trúng những gói thầu có giá trị lớn góp phần đem về cho SC5 hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

Cụ thể, trong 4 năm 2019 – 2022, SC5 báo cáo doanh thu thuần đạt 2,2 nghìn tỷ đồng năm 2019, giảm xuống 1,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, tiếp tục giảm nhẹ còn 1,7 nghìn tỷ đồng năm 2021 và tăng mạnh lên 2,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.

ket-qua-kinh-doanh-cua-sc5-pld-1694959666.png

Kết quả kinh doanh của SC5 trong giai đoạn 2019 – 2022.

Cũng phải lưu ý rằng, hai năm 2020 và 2021 là thời gian mà dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Thế nhưng, giữa những khó khăn “bủa vây” ngành xây dựng, mức doanh thu 2,6 nghìn tỷ đồng của SC5 là một kết quả “đáng nể”.

Dù vậy, lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 của doanh nghiệp này lại giảm mạnh tới 33,6% so với cùng kỳ khi chỉ ghi nhận 22,5 tỷ đồng. Trước đó, SC5 báo lãi sau thuế lần lượt 33,7 tỷ đồng (năm 2019), 35,2 tỷ đồng (2020) và 33,9 tỷ đồng (2021).

Theo BCTC quý II/2023 vừa được công bố, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn gần 9,4 tỷ đồng, giảm khoảng 1,4 tỷ đồng (tương đương giảm 12,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Thoạt nhìn, đây được coi là mức lợi nhuận “đáng mơ ước” của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế “bấp bênh” như hiện nay, nhưng nó có vẻ chưa tương xứng với doanh thu “khủng” hàng năm của SC5.

chi-so-bien-loi-nhuan-gop-cua-sc5-pld-1694959665.png

Chỉ số biên lợi nhuận gộp của SC5 có xu hướng giảm mạnh trong hai năm 2021 – 2022. Chỉ số biên lợi nhuận ròng trong năm 2022 cũng chưa đầy 1%.

Tuy nhiên, theo giải trình từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm do doanh thu chỉ đạt khoảng 653,7 tỷ đồng, giảm 145 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn bán hàng tăng 186 triệu đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp trong quý II/2023 giảm 331 triệu đồng, tương đương giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 723 triệu đồng (tăng 16,2% so với cùng kỳ) do trong kỳ phát sinh chi phí sửa chữa văn phòng làm việc. Doanh thu tài chính tăng 328 triệu đồng (tăng 18,2% so với cùng kỳ), chủ yếu do tăng khoản lãi từ các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn; chi phí tài chính tăng 1,505 tỷ đồng (tăng 15,8% so với cùng kỳ).

Tính đến ngày 30/06/2023, nợ phải trả của Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 đang ở mức hơn 2.165 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn chủ sở hữu (354 tỷ đồng). Đa số khoản nợ mà doanh nghiệp này đang gánh đều trong ngắn hạn, với 2.130,7 tỷ đồng, chiếm tới 98,3% tổng nợ.

co-cau-tai-san-nguon-von-cua-sc5-pld-1694959666.png

Cơ cấu tài sản – nguồn vốn của SC5 giai đoạn 2019 – 2022.

Dù công việc xây dựng yêu cầu sử dụng nhiều vốn, nhưng việc nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu cho thấy công ty đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay để duy trì hoạt động kinh doanh, tạo ra nhiều rủi ro trong việc trả nợ. Ngoài ra, SC5 đã nhiều lần vay vốn tại ngân hàng, sử dụng các quyền tài sản hoặc các khoản phải thu, nguồn thu từ hợp đồng để làm tài sản bảo đảm.

Đơn cử như theo hợp đồng số 1683026.22 tại Ngân hàng VIB - Chi nhánh Sài Gòn ký ngày 21/6/2022, tài sản bảo đảm là toàn bộ khoản phải thu, nguồn thu từ hợp đồng xây lắp số: HD-PW-08/2022/HĐXL giữa Ban QLDA phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương và SC5 để thực hiện gói thầu HD-PW-08 với tổng giá trị 315,3 tỷ đồng.

Tương tự, theo hợp đồng số 03QTS/2023/HĐBĐ/NHCT906-SC5 tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh 3 thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 14/6/2023, tài sản bảo đảm là các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng thi công xây dựng công trình số 4069/HĐ-TCT-QLDA1 được ký kết giữa SC5 và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV về việc thực hiện gói thầu Cung cấp vật tư và thi công xây dựng cùng các hợp đồng, phụ lục khác giữa 2 bên.

Trong tổng quan, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 đã trúng nhiều gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng tiết kiệm được chỉ rất ít so với giá trị thầu. Biên lợi nhuận ròng của công ty trong năm 2022 chưa đạt 1% và quỹ nợ phát triển mạnh lên tới 6 lần vốn chủ sở hữu.

Việc sử dụng quá nhiều vốn vay và sử dụng hợp đồng làm tài sản bảo đảm tạo ra nhiều rủi ro trong việc trả nợ. Đây là những thách thức mà công ty cần đối mặt và giải quyết để đảm bảo sự bền vững và phát triển trong tương lai.

Hoàng Thăng - Lê Pháp