Phát triển sản phẩm OCOP cần gắn với vùng nguyên liệu

Thảo Nguyên

26/07/2024 10:19

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã hình thành một số vùng nguyên liệu về nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP như: Vùng nguyên liệu về cà gai leo, tinh dầu sả, nấm tại huyện Bố Trạch, vùng nguyên liệu nông sản ớt, tiêu tại huyện Lệ Thủy, tỏi sạch tại thị xã Ba Đồn, khoai gieo tại huyện Quảng Ninh, lạc tại huyện Quảng Trạch, mật ong tại huyện Tuyên Hoá…

Đặc biệt, đối với tỉnh, trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì ưu tiên phát triển 2 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm và nhóm dược liệu. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ các chủ thể kinh tế trong việc triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm…

Mặc dù các sản phẩm OCOP được công nhận với nhiều chủng loại hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng nhưng vẫn thiếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, theo đánh giá của giới chuyên môn, các sản phẩm có nguồn gốc, lợi thế địa phương của Quảng Bình còn hạn chế về bao bì đóng gói và khả năng cạnh tranh, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương.

 Đa số các chủ thể có sản phẩm OCOP là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, với tiềm năng, thế mạnh có sẵn, nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Bình khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường. Chương trình OCOP là một chương trình lớn của ngành Nông nghiệp và được triển khai sâu rộng đến từng thôn xã, thời gian qua các địa phương đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chương trình này.

b3c580f420da8584dccb-1721963815.jpg
Quảng Bình ngày càng xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP đa dạng.

Đến nay toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), như vậy số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt mục tiêu so với Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh đề ra (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao).

Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như: Khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản như: Yến, Cam, Tiêu, Bột nghệ, Mật ong…. Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh. Tại Quảng Bình, đề án OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của từng vùng trên địa bàn, từ đó nâng chất lượng đời sống nông dân.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám Đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình chia sẻ, chương trình OCOP là sản phẩm địa phương, do đó, việc phát huy được giá trị lợi thế đặc sản của địa phương, là hết sức quan trọng như hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 100% chủ thể tham gia chương trình OCOP, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông qua lồng ghép các nguồn vốn để các chủ thể kinh tế đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; Hỗ trợ công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ; Tư vấn, hỗ trợ chủ thể trong việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm.

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, việc thường xuyên hỗ trợ chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh nhằm tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm tiếp cận với các thị trường lớn, có tiềm năng. Thông qua đó nhiều sản phẩm được bày bán, tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang rà soát, lựa chọn từ 1 đến 3 sản phẩm đặc sắc nhất để tập trung nâng cấp thành sản phẩm OCOP 5 sao trong thời gian tới.

Ngoài xây dựng nguồn nguyên liệu tốt, để đưa các sản phẩm OCOP vươn xa, Quảng Bình đã triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể từ khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ...

b7fccc097327d6798f36-1721963843.jpg
Chương trình OCOP đã mang lại nhiều điểm tích cực cho tỉnh Quảng Bình.

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý của các sản phẩm OCOP, xây dựng bao bì, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… và các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo, giới thiệu, kết nối giao thương, tham gia giao dịch trao đổi mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thanh toán onlie cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình.

Cũng theo ông Nam, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP gia tăng giá trị các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết với các hoạt động du lịch, để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình ngày càng vươn xa. Nâng tầm giá trị, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng sử dụng, hình thành những thương hiệu mạnh có uy tín trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thảo Nguyên