Nghiên cứu của Barbara Kellerman (2004) đã xác định bảy kiểu lãnh đạo tồi - tôi thường tránh dùng từ lãnh đạo, vì lãnh đạo là kỹ năng, không phải vai trò, không nhất thiết phải là người đứng đầu của một tổ chức/một nhóm, tôi sẽ gọi là "sếp" trong ngữ cảnh này. Bảy kiểu sếp đó là:
1. Bất tài: Nếu sếp của bạn không biết những gì họ đang làm, họ thiếu những kỹ năng hoặc kinh nghiệm cần thiết cho công việc, họ liên tục mắc phải những sai lầm mà bạn không mong đợi ở vị trí của họ... thì rất có thể bạn đang làm việc cho một người quản lý kém năng lực.
2. Cứng nhắc: Nếu sếp của bạn đóng cửa với những ý tưởng mới hoặc ý tưởng của người khác, họ kiên trì tuân theo một cách thức, họ không thể thay đổi hoặc bỏ kế hoạch bất kể bối cảnh đã thay đổi… nghĩa là họ cứng nhắc. Họ có thể có kỹ năng và kinh nghiệm nhưng không muốn thay đổi.
Những người lãnh đạo giỏi thể hiện sự linh hoạt. Họ linh hoạt trong tâm trí; cởi mở với những ý tưởng mới và sẵn sàng thay đổi nếu đó là điều đúng đắn. Họ cũng có thể áp dụng Lãnh đạo theo tình huống và áp dụng phong cách phù hợp với bối cảnh.
3. Tâm lý không ổn định: Nếu sếp của bạn dễ mất bình tĩnh, khó đoán, cảm xúc đi từ thái cực này sang thái cực khác không… thì họ đang gặp khó khăn để quản lý cảm xúc của mình, họ không hiểu tác động của cảm xúc của họ đối với người khác. Họ thể hiện sự thiếu đồng cảm và linh hoạt về cảm xúc.
Những nhà lãnh đạo giỏi bộc lộ bản thân và thể hiện sự dễ bị tổn thương, nhưng họ cũng rất cân bằng. Các nhà quản lý hiệu quả là những người ổn định tâm lý và ý thức được trạng thái cảm xúc của họ ảnh hưởng đến nhóm như thế nào. Sự cân bằng này là một trong những đặc điểm chính để trở thành một Nhà lãnh đạo Mở.
4. Nhẫn tâm: Nếu sếp của bạn tự cho mình là trung tâm, họ luôn nói về 'tôi' thay vì 'chúng ta', họ thờ ơ hoặc không biết đến nhu cầu của người khác … thì có thể họ là một người nhẫn tâm, họ nhỏ mọn và không tử tế. Họ luôn xem xét mọi việc xung quanh thông qua tác động của nó đối với họ chứ không cần biết nó tác động tới những người khác ra sao.
Những nhà lãnh đạo giỏi luôn quan tâm đến người khác. Họ là những Nhà lãnh đạo phục vụ, họ phát triển con người và giúp mọi người cũng như tổ chức đạt được mục tiêu.
5. Tư lợi: Biểu hiện của người tư lợi là cố gắng thăng tiến bằng chi phí của người khác hoặc các tài nguyên của tổ chức, họ nói dối hoặc ăn cắp để đạt được điều họ muốn, mục tiêu lợi ích cá nhân: thăng tiến hoặc nhiều tiền hơn… vượt qua chuẩn mực về đạo đức, hay pháp luật.
Những nhà lãnh đạo lãnh đạo giỏi có một nền tảng đạo đức mạnh mẽ. Họ không chỉ thành công bằng sự lôi cuốn mà còn bằng việc đưa ra những lựa chọn có đạo đức.
6. Tầm thường: Nếu sếp của bạn đam mê quyền lực, thiếu công bằng trong cách đối xử với mọi người không, nếu họ không được mọi người tin tưởng và tôn trọng, nếu họ có được và duy trì quyền lực bằng cách đẩy những người khác xuống… thì họ là người tầm thường.
Tất cả những nhà lãnh đạo giỏi trên thế giới đều không tầm thường. Họ công bằng. Họ khuyến khích mọi người trong nhóm phát triển và trưởng thành. Họ để những người khác có cơ hội trở thành người dẫn đầu và luôn hướng tới mục tiêu tốt đẹp chung.
7. Xấu xa: Nếu sếp của bạn đang tạo ra một môi trường sợ hãi, một nền văn hoá độc hại, nếu tất cả những khái niệm đúng sai đều không có ý nghĩa với họ… thì xin chia buồn với bạn.
Người lãnh đạo đích thực là người dựa trên nền tảng: Điều Thật (Khoa học) - Điều Tốt (Đạo đức) - Điều đẹp (Thẩm mỹ) và hướng tổ chức mình/nhóm mình tới những điều đó.
Bạn có thể rút ra bài học gì khi làm việc với một sếp tồi?
Trong rất nhiều điều tiêu cực khi làm việc với một sếp tồi, cũng có một điều tích cực đó là bạn biết rõ hình ảnh của một người sếp tồi trông như thế nào và tránh để không trở thành một phiên bản giống họ. Rất dễ để nhìn nhận ra những điều không ổn của người khác nhưng rất khó để tự nhận thức về bản thân mình. Hãy cố gắng đối xử với người khác như cách mình muốn được đối xử và thể hiện năng lực lãnh đạo của bạn.
Cho dù bạn là ai, là nhân viên, quản lý hay người đứng đầu tổ chức. Hãy cố gắng rèn luyện để trở thành một người tốt hơn và làm gương cho những người khác. Nơi làm việc của bạn, thế giới của bạn sẽ tốt đẹp hơn khi có nhiều người cùng hướng tới những điều THẬT - TỐT - ĐẸP.
Và cuối cùng, lời khuyên cho những ai đang phải chịu đựng một người sếp tồi: Nếu không thể thay đổi được hoàn cảnh, hãy bỏ đi, tìm một nơi làm việc tốt hơn, một người sếp tốt hơn. Bạn không phải là cái cây, cũng không phải là nô lệ của họ, bạn có hai chân và bạn tự do, bạn có thể di chuyển.