Ông Đặng Đông Hà: “Du lịch xanh Quảng Bình hướng đến sự phát triển bền vững”

Đinh Loan

24/07/2024 15:54

Quảng Bình, với lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng, bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp cùng thương hiệu “Điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn, khác biệt...”. Đã từng bước được khẳng định, du lịch Quảng Bình có lợi thế lớn và đã chủ động trong việc phát triển các sản phẩm du lịch theo xu hướng du lịch xanh. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình xung quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa ông, du lịch xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả du khách và môi trường. Vậy Quảng Bình đã có những định hướng gì để phát triển loại hình du lịch này như thế nào?

Ông Đặng Đông Hà: Trong Kế hoạch số 1614/KH-UBND (ngày 14/8/2023) về việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày (18/5/2023) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xác định nhiệm vụ về “Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.

Sở Du lịch đã chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trong việc phát triển loại hình du lịch xanh với các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khi hậu, du lịch Net Zero; liên kết với các công ty lữ hành quốc tế để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu các bon tiêu thụ; phố biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của Nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…

ha-dl-1721810980.jpg
Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình.

Tại Quảng Bình, Khu nghỉ dưỡng Blue Diamond Camp là một trong những sản phẩm du lịch đầu tiên được xây dựng theo xu hướng Net Zero và phấn đấu công nhận đạt Net Zero trong năm 2025; Làng du lịch Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (nay là Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc) công nhận là Làng Du lịch tốt nhất (đạt 12/17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc)… Các sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên, khám phá hang động, du lịch sinh thái của Quảng Bình cũng là những sản phẩm phù hợp với xu thế du lịch xanh và sẽ tiếp tục để hoàn thiện trong thời gian tới.

Phóng viên: Trước đây, khi nói đến khó khăn, thách thức của Du lịch Quảng Bình, trong nhiều yếu tố có yếu tố như du du lịch mùa vụ. Vậy ông đánh giá yếu tố này như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Ông Đặng Đông Hà: Thời vụ trong du lịch là quy luật có tính phổ biến ở tất cả các nước và các vùng có hoạt động du lịch và một trong những nguyên nhân quyết định là điều kiện khí hậu.

Sự tác động của thời vụ đối với du lịch Quảng Bình trong thời gian qua là khá rõ rệt. Thời gian hoạt động du lịch chủ yếu trong năm tập trung vào mùa hè và các dịp lễ lớn, do đó lúc cao điểm thì áp lực lên chất lượng dịch vụ là rất cao, trong khi thời gian còn lại thì lượng khách giảm nhiều. Thời gian hoạt động của nhiều tour, điểm đến bị gián đoạn, thậm chí dừng hẳn. Số lượng du khách giảm nhiều đương nhiên dẫn đến hệ quả là doanh thu của ngành bị sụt giảm mạnh. Từ đó, ảnh hưởng đến việc duy trì và đảm bảo số lượng, chất lượng nhân lực cho mùa sau, chất lượng dịch vụ cũng sẽ bị giảm.

Để giảm tính mùa vụ trong hoạt động du lịch của tỉnh, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 xác định tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Phong Nha - Kẻ Bàng thành khu du lịch quốc gia và thành phố Đồng Hới là một trong hai trung tâm động lực tăng trưởng.

Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, liên vùng nên định hướng này là điều kiện quan trọng để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các đơn vị, địa phương tập trung tạo lập chuỗi dịch vụ du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch thích ứng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường khách du lịch bao gồm cả khách du lịch nội địa và quốc tế.

d32894bc27b682e8dba7-1721811016.jpg
Hệ thống hang động, thiên nhiên hùng vĩ của Quảng Bình tạo nên nhiều sức hút cho du khách.

Chúng tôi cũng đã tham mưu tỉnh bố trí vốn đầu tư công và huy động các nguồn lực đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại. Cụ thể, tỉnh đang xây dựng đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam, xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ Cảng hàng không Đồng Hới; mở đường du lịch Đồng Hới đi Phong Nha, nâng cấp cảng biển tổng hợp quốc tế Hòn La, mở hệ thống giao thông đường bộ, đường sông kết nối các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh đầu tư đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách và thích ứng với điều kiện thời tiết khác nhau.

Ngành du lịch đã và đang đồng hành cùng với doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá với nội dung đa dạng, chuyên biệt cho các thị trường mục tiêu để thu hút khách đến đến cả năm theo từng nhóm sản phẩm. Quảng bá mọi điểm đến gắn với sản phẩm thích ứng thời tiết và hướng đến các thị trường khách quốc tế, thị trường ngách với các sản phẩm du lịch đặc thù ngoài mùa cao điểm.

Cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển mô hình làng văn hóa du lịch, làng du lịch nông thôn, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc và miền núi làm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…Tỉnh cũng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch. Cụ thể là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giảm miễn tiền thuế đất, đào tạo nhân lực, tiếp cận mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số... Tập trung cho doanh nghiệp, người dân tạo nhiều hàng hóa, sản phẩm và thị trường khách trong nước và quốc tế, để có lượng khách đến trong cả năm phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết. Từ đó giảm dần thời gian thấp điểm, từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.

Một ví dụ điển hình về phát triển sản phẩm du lịch khắc phục tính mùa vụ trong năm 2023 là Sở đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu xây dựng mô hình làng du lịch thích ứng thời tiết - Làng du lịch Tân Hóa và đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới vào tháng 10/2023. Trước đó, ngày 15/8, Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa và Resort tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là 2 sản phẩm du lịch, điểm đến mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, đổi mới hoạt động du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Đặc biệt, 2 sản phẩm du lịch này vừa gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh vừa góp phần giảm tính thời vụ trong hoạt động du lịch, một trong những khó khăn, tồn tại lâu nay của ngành du lịch tỉnh. Ngoài ra, với sự xuất hiện của 2 sản phẩm này đã phần nào khẳng định ý chí, niềm tin, mong muốn của người Quảng Bình trong mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ thiên nhiên, phát triển cộng đồng, biến những điều khó khăn thành sự thay đổi kỳ diệu, bởi như bạn biết rằng, xã Tân Hóa là vùng “rốn lũ” của huyện Minh Hóa, còn Kim Thủy là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Lệ Thủy.

Phóng viên: Vậy thưa ông, trong thời gian sắp tới Quảng Bình cần làm gì để hướng phát triển du lịch xanh bền vững cần có những giải pháp đồng bộ gì?

Ông Đặng Đông Hà: Hoạt động du lịch trong thời gian qua đã và đang mang lại lợi ích to lớn cho tỉnh Quảng Bình, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Song mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm thì xu hướng phát triển du lịch khác nhau, kéo theo đó là phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch xanh.

e33f1c61ac6b0935507a-1721811016.jpg
Hiện nay, du lịch Quảng Bình thu hút được khách du lịch nhờ nhiều hoạt động, chương trình hấp dẫn.

Quảng Bình có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh, đặc biệt là có di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng, bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp,… Để tiếp tục tạo được sức cạnh tranh, hướng tới thị trường một cách sâu rộng đối với phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, như  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch xanh. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra sự phát triển du lịch bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu qủa cao hơn.

Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch xanh, các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch Netzero,... Liên kết với các công ty lữ hành để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu các bon tiêu thụ; phố biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của Nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…du lịch nông thôn, bảo tồn văn hóa địa phương; Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh, đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động du lịch...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Đinh Loan