Ông Trần Đình Hiệp: Cần một giải pháp đồng bộ của các ngành liên quan để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình

Đinh Loan

23/07/2024 15:42

Quảng Bình, hội tụ rất nhiều yếu tố để phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp. Làm thế nào để phối hợp các ngành như Du lịch, NN-PTNT thực hiện triển khai các mô hình, chương trình hiệu quả phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu đa dạng hoá ngành du lịch của Quảng Bình. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Quảng Bình xung quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa ông, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 của Quảng Bình.  Với mục tiêu, phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Ông có thể chia sẻ việc kết nối du lịch và các sản phẩm OCOP của địa phương trong việc phát triển nông thôn mới hiện nay?

Ông Trần Đình Hiệp: Quảng Bình đã đưa phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong bốn khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025) và đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 667/KH-UBND ngày (13/4/2023) thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, là một trong 6 Chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022.

Quảng Bình với quan điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm, và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả; thông qua đó góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản...

85e1a8b48e042c5a7515-1721723235.jpg
Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình (cầm micro) tham dự Chương trình Hội nghị và Đối thoại do Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức.

Phóng viên: Thưa ông, vai trò của du lịch nông thôn còn góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), phát huy giá trị văn hóa bằng các đặc sản địa phương. Vậy theo ông, để làm tốt vai trò đó, Quảng Bình cần có những hành động cụ thể như thế nào?

Ông Trần Đình Hiệp: Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã bám sát các nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương để đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 Làng Văn hóa Du lịch, Làng du lịch nông thôn đã được hình thành và bước đầu có sự đầu tư, hoàn thiện hạ tầng (Làng Văn hóa Du lịch Cảnh Dương, Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm và Làng Du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa).

Trong đó Làng Du lịch Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là Làng Du lịch tốt nhất tại kỳ bầu chọn năm 2023; triển khai xây dựng 9 tuyến đường hoa, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu sáng - xanh - sạch đẹp (trong đó năm 2023 đã hoàn thành 3 tuyến, năm 2024 đang triển khai xây dựng 06 tuyến). Đang xây dựng 5 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Ba Đồn, Đồng Hới nhằm thu hút khách du lịch đến với tỉnh Quảng Bình; hỗ trợ đầu tư xây dựng 8 căn hộ bugalow tại khu du lịch Lèn Chùa Ecostay, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (mô hình phát triển du lịch sinh thái ở nông thôn gắn liền với nâng cao vai trò của cộng đồng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng); Phong trào khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất, đã có 66 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 102 vườn mẫu đạt chuẩn.

Những kết quả đạt được đó đã góp phần đẩy mạnh chương trình phát triển du lịch nông thôn, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt, xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống.

Phóng viên: Thưa ông, chắc hẳn bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế?

Ông Trần Đình Hiệp: Việc phát triển du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh hiện có, chưa huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nguồn lực của nhân dân. Việc kết nối các điểm du lịch nông thôn với các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh trong các chương trình tham quan phổ biến đến Quảng Bình chưa được triển khai hiệu quả, chưa thu hút được nhiều khách du lịch ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn chỉ mới tập trung tại một số khu vực nhất định. Các điểm du lịch đã được cấp phép còn chưa nhiều, có nhiều điểm vẫn đang hoạt động tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể; các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú.

Phóng viên: Vậy theo ông, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới Quảng Bình cần những giải pháp cụ thể gì?

Ông Trần Đình Hiệp: Theo tôi chúng ta cần một giải pháp đồng bộ. Thứ nhất: Cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Thứ 2: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về tầm ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, không chỉ góp phần thực hiện bền vững các tiêu chí bền vững trong xây dựng nông thôn mới và góp phần xây dựng nông thôn trở thành một vùng quê đáng sống, giàu bản sắc văn hoá.

Thứ 3:  Khuyến khích, kêu gọi đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn; phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của từng vùng miền và từng địa phương, có chất lượng đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng, có tính trải nghiệm, cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách; Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…).

02dc452c2a8a88d4d19b-1721723532.jpg
Ông Trần Đình Hiệp (thứ hai từ trái sang phải) tại một chương trình giới thiệu các sản OCOP của tỉnh Quảng Bình.

Thứ 4: Đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp ở khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, phục vụ khách, vận hành cơ sở lưu trú… cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Thứ 5: Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề… trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch như: Sách hướng dẫn, sách ảnh, biển chỉ dẫn du lịch; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này!

Đinh Loan