Cổ phiếu 'họ FLC' đồng loạt tăng trần, dư mua hàng trăm tỷ đồng

Quang Diệu

06/09/2021 17:43

Cổ phiếu Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan như KLF, AMD, ROS và HAI đồng loạt tăng kịch trần trong phiên giao dịch 6/9 với lượng dư mua hàng triệu đơn vị.

flc-1630924896.jpg
Nhóm cổ phiếu của Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan đồng loạt tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ chứng kiến diễn biến tích cực với cả ba chỉ số chính đều đóng cửa trong sắc xanh. Kết phiên, VN-Index tăng 11,74 điểm (0,88%) lên 1.346,39 điểm, HNX-Index tăng 2,2 điểm (0,64%) lên 345,63 điểm, UPCoM-Index tăng 0,65 điểm (0,69%) lên 94,69 điểm.

Tâm điểm của thị trường hôm nay lại tiếp tục tập trung ở nhóm cố phiếu vốn hóa vừa và nhó, có tính đầu cơ cao. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu của Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan đồng loạt tăng mạnh. 

Đóng cửa buổi chiều, FLC tăng trần lên 11.250 đồng/cổ phiếu, các lệnh bán dù dồn dập nhưng đều được "quét" một cách sạch sẽ với lượng dư mua trần cuối phiên đến hơn 10,6 triệu đơn vị. Tình trạng này cho thấy các nhà đầu tư sẵn sàng chi ra gần 120 tỷ đồng để mua cổ phiếu FLC với giá cao kịch biên độ nhưng không có người bán.

Ngoài FLC thì ROS của Xây dựng FLC Faros, HAI của Nông dược HAI, Đầu tư KLF của Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS, AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone đều đồng loạt tăng kịch trần. Trong khi ART của Chứng khoán BOS tăng hơn 4,2% lên 9.900 đồng/cp. Các mã ROS, HAI, AMD, KLF cũng dư mua trần từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị. 

Riêng cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC là mã duy nhất của "họ FLC" đóng cửa trong cửa hôm nay trong sắc đỏ. Cụ thể, GAB giảm 0,15% trong phiên hôm nay xuống còn 194.500 đồng/cp với vỏn vẹn chỉ 200 cổ phiếu được giao dịch.

Trong tuần trước, Tập đoàn FLC đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 sau soát xét với tổng tài sản tại cuối quý II giảm hơn 1.191 tỷ (tương đương 3,7%) so với báo cáo tự lập. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 742 tỷ và tài sản dài hạn giảm 449 tỷ.

Cụ thể, tài sản ngắn hạn giảm do các khoản phải thu sụt 1.195 tỷ đồng xuống còn 11.394 tỷ trong khi hàng tồn kho tăng thêm 453 tỷ lên gần 2.481 tỷ.

Bên phía tài sản hạn, tài sản dở sang sau kiểm toán giảm 453 tỷ đồng trong khi đầu tư tài chính dài hạn và tài sản khác tăng không đăng kể.

Tương ứng bên nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FLC được điều chỉnh tăng nhẹ 2 tỷ trong khi tổng nợ phải trả giảm 1.193 tỷ đồng. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng thêm 716 tỷ, ngược lại nợ dài hạn giảm 1.909 tỷ - chủ yếu do điều chỉnh phải trả dài hạn khác.

Trong văn bản giải trình, Tập đoàn FLC không giải thích về những sự điều chỉnh của kiểm toán trong bảng cân đối tài sản nguồn vốn.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm sau kiểm toán được điều chỉnh tăng gần 413 tỷ đồng (tương đương 11%) so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên giá vốn hàng bán điều chỉnh tăng tới 512 tỷ, tương đương 13,9%. Kết quả, FLC chuyển từ lãi gộp 58,5 tỷ thành lỗ gộp 41,2 tỷ trong nửa đầu năm.

FLC vẫn có lãi trước thuế nhờ được điều chỉnh doanh thu tài chính tăng thêm 149 tỷ sau soát xét. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế giảm từ 97,3 tỷ xuống còn 96,2 tỷ đồng.

Giải trình về sự chênh lệch này, FLC cho biết là do điều chỉnh một số giao dịch hợp nhất.

Quang Diệu