Bauhaus cái nôi của chủ nghĩa công năng11

vutuan

Bauhaus không chỉ là một ngôi trường, mà còn là một trường phái nghệ thuật coi trọng công năng, có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành thiết kế công nghiệp hiện đại.

Trường Bauhaus được thành lập vào năm 1919 bởi kiến trúc sư gốc Đức Walter Gropius (1883-1969). Nhiều người cho rằng, nếu đế quốc Đức thắng trận, chúng ta có lẽ sẽ không có Bauhaus, một nền nghệ thuật sinh ra từ sự bại trận của Đức trong chiến tranh. Thực vậy, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), nước Đức lâm vào khủng hoảng với vô vàn khó khăn thiếu thốn, đời sống sáng tạo nghệ thuật bị chèn ép bởi các nhu cầu thực dụng. Là một kiến trúc sư trong thời điểm đó, Gropius nhận ra hiện thực rằng các đường nét kiến trúc uốn lượn, bay bướm trước đại chiến đã không còn phù hợp. Đồng thời, ông cũng thừa nhận tính thực tế của các kỹ thuật xây dựng mới như bê tông đúc sẵn để nhanh chóng và dễ dàng lắp ráp tại công trường. Tuy nhiên, ông tin rằng sự sống còn của nghệ thuật không phải do hoàn cảnh, mà phụ thuộc vào người thiết kế có đủ tâm huyết để “thổi nguồn sống vào sản phẩm máy móc vô hồn”. Ông phản đối sự sao chép, hợm hĩnh và giáo điều trong nghệ thuật và cảnh báo sự thực dụng quá mức sẽ khiến chức năng sản phẩm quyết định toàn bộ thẩm mỹ bên ngoài. Ông quyết tâm lập ra một ngôi trường để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của các họa sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, và cống hiến cả cuộc đời mình để phổ biến quan điểm thẩm mỹ đi kèm với công năng.

Khóa cơ bản

Năm 1919, chính quyền thành phố Weimar cấp giấy phép cho Gropius lập Học viện thiết kế Bauhaus Quốc gia, trên cơ sở sáp nhập hai trường: Viện Hàn lâm Nghệ thuật Weimar với Trường Mỹ nghệ. Cái tên “Bauhaus” có nghĩa là “ngôi nhà của các công trình” (building house), mặc dù mãi đến năm 1927, khoa kiến trúc của trường mới được thành lập. Ngôi trường tồn tại dưới nhiều điều kiện khác nhau, trong ba thành phố ở Đức là Weimar (1919-1925), Dessau (1925-1932) và Berlin một năm ngắn ngủi, sau đó phải đóng cửa do áp lực của Đức Quốc xã.

Sự thay đổi địa điểm và người lãnh đạo trường dẫn đến sự chuyển đổi liên tục về trọng tâm, chương trình, kỹ thuật giảng dạy cũng như người hướng dẫn. Mặc dù vậy, về tổng quan, chương trình giảng dạy nghệ thuật ở trường Bauhaus mang đặc điểm chung là kết hợp lý thuyết và thực hành – mô hình sau này được kế thừa ở hầu hết các trường đào tạo nghệ thuật trên thế giới. Khi được nhận vào Bauhaus, sinh viên được yêu cầu phải hoàn tất một khóa cơ bản sáu tháng do họa sĩ bậc thầy Johannes Itten đề ra và giảng dạy, bên cạnh các nghệ sỹ như Josef Albers, và László Moholy-Nagy. Trong sáu tháng này, sinh viên được cảm nhận và thử nghiệm các yếu tố cơ bản của nghệ thuật bao gồm màu sắc, hình dáng và vật liệu. Cụ thể, họ tự mình khám phá các thiết kế trong không gian hai và ba chiều sử dụng một loạt các chất liệu đơn giản như dây kẽm, gỗ, đất sét và giấy, để nắm bắt hiệu ứng tâm lý khi kết hợp hình khối, màu sắc và kết cấu. Sau khóa học, sinh viên được vừa học vừa thực hành tại các xưởng thủ công: đồ gỗ, đồ sắt, đồ gốm, thủy tinh, tranh tường, dệt may, đồ họa, in ấn, dựng cảnh sân khấu,… Các lớp học này do hai người phụ trách: một nghệ sỹ dạy về lý thuyết nghệ thuật, và một thợ thủ công là người coi trọng kỹ thuật và quy trình sản xuất. Sau ba năm, các sinh viên xuất sắc nhất sẽ được tham gia khóa học kiến trúc xây dựng (mà do nhiều nguyên nhân, mãi đến năm 1927 mới được hình thành).

Sự chuyển hóa

Giai đoạn đầu của trường, các sinh viên được tự do thể hiện cảm nhận cá nhân, Bauhaus không thiếu các tác phẩm thể hiện cái tôi và chủ nghĩa ấn tượng, trái ngược với mong muốn ban đầu của Gropius là nghệ thuật phải tuân thủ và thể hiện tính kinh tế và trật tự duy lý của xã hội hiện đại, thay vì đặt nghệ thuật trên tầm nhu cầu thực dụng. Bước ngoặt bắt đầu từ năm 1922, khi Johannes Itten rời trường do khác biệt quan điểm, Bauhaus bắt đầu tập trung vào các thiết kế duy lý và có mục đích rõ ràng. Không còn vương vấn với thủ công lãng mạn, Bauhaus tập trung vào đô thị, công nghệ và sản xuất dây chuyền của thế kỉ XX. Sản xuất đại trà được đặt lên hàng đầu, bỏ đi những cảm xúc và hình ảnh cá nhân. Các sản phẩm được làm ra phải với mục đích là nguyên mẫu để đem đi sản xuất bằng máy, và một vài thiết kế còn được sản xuất với mục đích thương mại. Đặc trưng của các sản phẩm là hình dạng mang tính hình học (đặc trưng của tính chính xác công nghiệp thay vì tính bay bổng thủ công), bề mặt nhẵn phẳng, đường viền đều đặn, màu sắc chủ đạo và các vật liệu hiện đại. Tất cả đặc tính này đối với nhiều người là sự phản bội tính cá nhân tất yếu của nghệ thuật. Tuy nhiên, những đặc trưng trong giai đoạn cuối này của trường phái Bauhaus chính là đặc trưng được đánh giá cao nhất và có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất của phong cách Bauhaus.

Đời sống sinh viên

Trong đội ngũ giáo sư của trường đã bao gồm nhiều nghệ sỹ xuất chúng của thế kỷ XX. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như Paul Klee (họa sĩ), Wassily Kandinsky (họa sĩ và nhà lý luận nghệ thuật), Lyonel Feininger (nghệ thuật đồ họa), Oskar Schlemmer (điêu khắc và dựng cảnh sân khấu), Marcel Breuer (thiết kế nội thất), Herbert Bayer (in ấn và quảng cáo), Gerhard Marcks (đồ gốm), và Georg Muche (dệt may). Sinh viên trường Bauhaus được tiếp xúc thường xuyên với những họa sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng nhất thời đại bấy giờ. Sinh viên phải nghiên cứu và làm việc rất tập trung và cẩn thận, được xem như “thợ học việc” tại các xưởng thủ công, và phải làm các bài kiểm tra thủ công trong thời gian giới hạn. Việc sinh viên trường phải làm việc nghiêm túc và cật lực đã khiến Bauhaus trở thành cái tên ám ảnh, đến nỗi các mẹ người Đức lúc đấy hay có câu “Nếu các con không ngoan, mẹ sẽ gửi các con đến Bauhaus.”

Chiếc ghế của Marcel Breuer

Tuy vậy, một mặt khác khi đề cập đến văn hóa của trường Bauhaus là hình ảnh sôi động của những cuộc diễu hành thả diều và buổi tiệc giấu mặt (masked balls), những buổi chiều tràn ngập ánh sáng và âm nhạc, buổi múa ba lê mang tính trừu tượng mà sinh viên tổ chức. Đây là cơ hội kết nối sinh viên từ nhiều thế hệ và quốc tịch khác nhau thành một cộng đồng sinh hoạt chung. Bauhaus là một ngôi trường nghệ thuật đầu tiên tổ chức những hoạt động sinh hoạt trong cộng đồng như vậy.

Các sản phẩm tiêu biểu

Mặc dù các sản phẩm Bauhaus, được thực hiện với bằng các chất liệu kinh tế, mang đậm tính hình học nhưng vẫn giữ được nét quyến rũ thanh lịch và trên thực tế, các tác phẩm được sản xuất ra ở trường rất đa dạng. Công chúng cũng nhiệt liệt đón nhận các thiết kế đầy nghệ thuật mà vẫn đầy đủ chức năng được sản xuất đại trà. Từ các buổi thực hành trong phân xưởng ở Bauhaus, rất nhiều sản phẩm đã ra đời và trở thành chuẩn mực thiết kế: ấm trà của Marianne Brandt, chiếc đèn bàn của Wilhelm Wagenfeld, hay ghế thép hình ống đơn giản của Marcel Breuer, nguyên mẫu cho chiếc ghế ngồi bằng vải canvas phổ biến sau này. Đặc biệt hơn cả, chính là tòa nhà trụ sở của trường Bauhaus khi dời đến Dessau năm 1925 do chính tay Gropius thiết kế. Ngôi trường Bauhaus với những hình khối và kính lấp lánh đã tạo nên một phong cách kiến trúc quốc tế mới lạ, với chức năng kết hợp giữa phân xưởng, giảng đường, nhà hát, … một nơi để các sinh viên và đội ngũ trường Bauhaus thỏa sức làm việc và sáng tạo.

Trường Bauhaus chỉ tồn tại vỏn vẹn 14 năm và trải qua nhiều biến cố, nhưng ảnh hưởng của ngôi trường để lại vô cùng sâu rộng. Nguyên lý thiết kế của Bauhaus coi trọng chức năng nên dễ bị xem là thiếu “tính thời trang”, nhưng chỉ riêng cụm từ “phong cách Bauhaus” đã thể hiện sự công nhận rộng rãi tính thời trang của thiết kế Bauhaus. Phương pháp và ý tưởng giảng dạy ở Bauhaus cũng được truyền bá khắp thế giới. Ngày nay, gần như tất cả chương trình đào tạo nghệ thuật đều có dựa trên mô hình của Bauhaus - sinh viên học về các yếu tố cơ bản của thiết kế trước khi học chuyên ngành. Dù thời gian tồn tại không dài, nhưng chính việc Đức Quốc xã gây sức ép khiến Bauhaus phải đóng cửa, đã tiếp thêm sức mạnh để trường phái Bauhaus có cơ hội vươn xa thông qua các giáo sư và sinh viên của trường. Gropius di cư đến Anh năm 1934, để lại dấu ấn ở đây trước khi đến Mỹ và trở thành giáo sư tại trường Harvard từ năm 1937. Klee chuyển đến Thụy Sỹ và Kandinsky dời đến Pháp năm 1933. Albers di chuyển đến Chicago năm 1933, nơi ông công tác giảng dạy tại trường Cao đẳng Black Mountain và hình thành chương trình học dựa trên nguyên lý Bauhaus. Moholy-Nagy di chuyển tới Chicago và thành lập viện nghiên cứu nghệ thuật tên “New Bauhaus” của riêng mình năm 1937.

Trường Bauhaus ở Dessau: một trong những kiệt tác của kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Walter Gropius thiết kế năm 2015.
Trường Bauhaus ở Dessau: một trong những kiệt tác của kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Walter Gropius thiết kế năm 2015.

iPhone – một hiện thân của Bauhaus

Theo nhà sử học nghệ thuật Nicholas Fox Weber, tác giả cuốn sách iBauhaus: iPhone là Hiện thân của Ý tưởng và Thiết kế Bauhaus (tên gốc: iBauhaus: The iPhone as the Embodiment of Bauhaus Ideals and Design), chiếc điện thoại của hãng mang đậm dấu ấn Bauhaus, từ quan điểm nhà sáng lập, đến cái tên và vẻ duyên dáng của sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Chẳng hạn: ông cho rằng Steve Jobs cũng giống như Gropius, ủng hộ sản xuất hàng loạt (mass production) các sản phẩm có ích cho số đông, chứ không hứng thú với các sản phẩm đẹp đẽ chỉ dành cho số ít tầng lớp quý tộc. Steve Jobs cũng chịu ảnh hưởng từ phong cách tối giản do thời thơ ấu lớn lên trong ngôi nhà theo phong cách nhà đúc của kiến trúc sư Joseph Eichler.

Weber cho rằng phong cách Bauhaus thể hiện rõ nhất ở tính thẩm mỹ của sản phẩm, đầu tiên là giao diện màu trắng làm nền cho các ứng dụng. Weber viết: Màu trắng, màu nền của các màn hình máy vi tính, trong đó có iPhone, có tác dụng giống như màu trắng của một tờ giấy mới, hoặc của các “giá đỡ”, thuật ngữ chính xác trong lịch sử nghệ thuật, của những bức tranh mà Klee, Kandinsky và Schlemmer, đã vẽ nên ở Bauhaus…. Màu trắng là thiết yếu, không chỉ vì là bề mặt tiếp nhận và là màu nền hữu dụng làm nổi các màu sắc khác, mà còn vì màu trắng là sự khởi đầu, và quan trọng nhất là, màu trắng thuộc về thế giới tưởng tượng.

Weber còn truy tìm dấu vết của mô hình tổ chức Bauhaus trong niềm tin về tổ chức của Apple, bao gồm việc công ty này phản đối cạnh tranh nội bộ, coi trọng các hoạt động cộng đồng và nhấn mạnh các mục tiêu chung. Ông thậm chí lập luận về sự tương đồng giữa cái tên của hai thể chế:“Bauhaus” cũng khá mơ hồ. “iPhone” cũng vậy: ngắn gọn, chưa từng có trước đó, sành điệu và độc đáo… Cả hai cái tên đều khiến chúng ta vừa tò mò vừa thích thú.

Weber có lẽ đã hơi đi quá xa trong sự suy diễn và liên tưởng. Nhưng không thể phủ nhận rằng, những tư tưởng thẩm mỹ từ Bauhaus đã theo nhiều ngả đường khác nhau in đậm dấu trong đời sống đương đại.

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Bauhaus cái nôi của chủ nghĩa công năng11" tại chuyên mục E-magazine.