Góc nhìn chuyên gia: Kịch bản và những yếu tố nào sẽ tác động tới thị trường chứng khoán năm 2024

Mai Ngọc

27/12/2023 11:52

Năm 2023, thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều biến động, khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường năm 2024 sẽ xoay chiều nhờ các chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FinPeace cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá. Năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm. Về mặt kỹ thuật, năm 2024 sẽ xuất hiện những nhóm cổ phiếu tăng trưởng được theo xu hướng (trend) và chớm đầu của xu hướng.

Còn ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư của FIDT, cho rằng chỉ số VnIndex sẽ đi rất sát với diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2024. Về tình hình quốc tế, một số tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,3% năm 2024, cho thấy quốc gia này sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng không có suy thoái. Do đó, tăng trưởng toàn cầu năm 2024 có thể ở mức tương tự 2023, tức 2,9% – theo dự báo của IMF.

Chuyên gia của FIDT nhận định, năm 2024, Việt Nam có nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong khoảng 6–6,5%, do chính sách tiền tệ – tài khoá có độ trễ nhất định, nên sẽ phát huy vào năm sau. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu cũng phục hồi từ tháng 10 và 11/2023, cho thấy tín hiệu ban đầu của hồi phục kinh tế và là bước đệm cho năm 2024.

Về thị trường chứng khoán, lợi nhuận thị trường (EPS) năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

411783841-1284598828888407-88242398688845937-n-1703652681.jpeg
Ảnh minh hoạ. Ảnh: NQL.

FIDT cũng đưa ra 3 kịch bản với diễn biến chỉ số VnIndex năm 2024. Với kịch bản lạc quan, VnIndex có thể đạt 1.420 điểm nhờ yếu tố, gồm: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn; Chính phủ và NHNN xử lý vấn đề pháp lý thị trường bất động sản và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên; dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.

Ngược lại, VnIndex ước đạt 1.300 điểm với kịch bản cơ sở, dựa trên các yếu tố, gồm: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt năm 2024; kinh tế Mỹ hạ cánh mềm; rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế và dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quí 2-2024.

Thậm chí, chỉ số này có thể xuống mức 1.150 điểm với kịch bản tiêu cực, dựa trên các yếu tố, gồm: kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng còn bấp bênh; kinh tế mỹ xảy ra suy thoái nhẹ; pháp lý bất động sản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng chưa nhiều cải thiện; dòng vốn ngoại vẫn tập trung ở thị trường phát triển.

“Kịch bản cơ sở có khả năng xảy ra cao nhất năm 2024 với 65%”, ông Huỳnh Hoàng Phương cho biết.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước trong khoảng 15-20% trong năm 2024, dựa trên nền năm 2023 tăng trưởng thấp và yếu tố về định giá thị trường. Cụ thể, P/E thị trường hiện ở mức 15 lần – mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.

Vị chuyên gia này cũng kỳ vọng sự xoay chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB là động lực chính hỗ trợ tình hình vĩ mô thế giới trong năm 2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm và các đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và EU vẫn tồn tại rủi ro.

Còn tại tại báo cáo triển vọng 2024, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.

Theo VCBS, về dài hạn, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế  trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).

Với cơ sở trên, đơn vị này chỉ số VnIndex có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm rong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.

VCBS dự báo trong năm 2024, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000–17.000 tỉ đồng trên cả ba sàn, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên dự kiến giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830–850 triệu cổ phiếu trên cả ba sàn.

Còn theo các chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong năm 2024, lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với năm 2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý 3 và quý 4/2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.

Ở kịch bản cơ sở, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên ngưỡng 1.250 - 1.280 điểm trong năm 2024. Định giá hiện tại của VN-Index, chỉ số P/E đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây.

Mai Ngọc