Giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt

Mai Phương

04/06/2024 14:03

Ngày 4/6 tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Diễn đàn Môi trường lần thứ III - năm 2024 với chủ đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”. Đây là sự kiện thường niên hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6).

Diễn đàn nhằm tích cực phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để định hướng cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong quản lý, đầu tư và phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng đến phát triển bền vững.

dien-dan-moi-truong-pld-1717491666.jpg
Diễn đàn Môi trường lần thứ III - năm 2024 với chủ đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Đào Xuân Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho biết, quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả. Khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, vì chất thải rắn sinh hoạt, có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. 

“Với chức năng của mình, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường mong muốn thông qua diễn đàn này, truyền thông chính sách tới doanh nghiệp, người dân về việc phân loại rác đầu nguồn và sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, góp phần giảm bớt phát thải, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng một cộng đồng xã hội phát triển, hiện đại, văn minh” - TS. Đào Xuân Hưng bày tỏ.

ts-dao-xuan-hung-pld-1717491666.jpg
TS. Đào Xuân Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhận định, sự gia tăng dân số cùng với quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước diễn ra mạnh mẽ một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mặt khác đã làm gia tăng lượng và thành phần chất thải, trong đó có cả chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực rất lớn đến môi trường.

Việc thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều thách thức, khó khăn bởi nhiều nguyên nhân sau: Thứ nhất, hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ. Nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại. Đây là công việc quan trọng nhất trước khi thực hiện công tác phân loại chất thải.

Thứ hai, thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hầu hết các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thuộc quản lý nhà nước, chưa đảm bảo năng lực và trang thiết bị cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

Thứ ba, nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt. Cụ thể là nhiều địa phương vẫn tư duy chất thải phải mang đi xử lý, chưa tìm kiếm hoặc xây dựng các cơ sở tái chế trong và ngoài tỉnh để biến chất thải sau phân loại thành tài nguyên và nguyên liệu sản xuất, phát triển kinh tế của đất nước; chưa đưa các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các điểm tập kết/trạm trung chuyển/trạm phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các khu tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào trong quy hoạch của tỉnh để có lộ trình thực hiện; chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với địa phương.

Thứ tư, nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế và cần thời gian để tổ chức thực hiện.

ong-ho-kien-trung-pld-1717491666.jpg
 Ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học đã có nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời các Viện nghiên cứu, các Doanh nghiệp môi trường, xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt.

Theo khuyến nghị của Ths. Đinh Nam Vinh – Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn kiền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn; cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải hiện đại như nhà máy tái chế, nhà máy chuyển hoá rác thành năng lượng, xử lý rác bằng phương pháp sinh học và các công nghệ tái chế tiên tiến khác. Điều này sẽ giúp giảm lượng rác thải đến bãi rác và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Mai Phương