Giá trị của lý thuyết hợp đồng

vutuan

01/11/2019 11:30

Nền kinh tế hiện đại được liên kết với nhau bằng vô số hợp đồng. Các công cụ lý thuyết mới của Oliver Hart và Bengt Holmström - hai chủ nhân của giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2016...

Xã hội có nhiều mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau bằng hợp đồng, như mối quan hệ giữa các cổ đông của một công ty/tập đoàn với nhà quản lý điều hành cấp cao; giữa công ty bảo hiểm với chủ sở hữu xe ô tô, hoặc giữa cơ quan công quyền với các bên cung cấp hàng hóa/dịch vụ.

Vì các mối quan hệ như vậy thường kéo theo xung đột lợi ích (conflict of interest), nên các hợp đồng phải được thiết kế hợp lý để đảm bảo rằng các bên đưa ra quyết định cùng có lợi. Những người đoạt giải năm 2016 đã phát triển lý thuyết hợp đồng (contract theory), một khung toàn diện cho phân tích nhiều vấn đề khác nhau trong thiết kế hợp đồng, như cách thức trả lương cho nhà điều hành cấp cao dựa trên hiệu quả (performance-based pay), khấu trừ và đồng chi trả trong bảo hiểm và tư nhân hóa các hoạt động của lĩnh vực công,…

Vào cuối những năm 1970, Bengt Holmström đã chỉ ra cách giải quyết vấn đề điển hình - vấn đề ông chủ và người đại diện (principal - agent problem) hay vấn đề giữa người ủy thác và người nhận ủy thác. Chẳng hạn những cổ đông của một công ty (ở đây chính là ông chủ - principal) nên thiết kế một hợp đồng như thế nào để tối ưu đối với CEO của công ty (đóng vai trò là người đại diện - agent) – người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của công ty mà không phải tất cả mọi hoạt động của họ đều được giám sát. Nguyên tắc dựa trên thông tin (informativeness principle) của Holmström đã nêu chính xác cách thức trả công của hợp đồng dựa trên các thông tin liên quan đến hiệu quả công việc (performance-relevant information). Sử dụng mô hình ông chủ và người đại diện cơ bản, Holmström đã chỉ ra cách hợp đồng tối ưu cân nhắc một cách cẩn trọng giữa rủi ro (risk) và động lực (incentive). Về sau, Holmström đã khái quát các kết quả này thành những kết luận thực tế hơn. Chẳng hạn như khi nào nhân viên không nên chỉ được trả công bằng tiền lương mà còn cần có cơ hội thăng chức trong tương lai; cần phải trả công theo hiệu quả như thế nào cho những người đại diện dành nỗ lực cho nhiều nhiệm vụ cùng một lúc; và khi nào các thành viên trong một nhóm có thể ỉ lại vào nỗ lực của người khác (trong kinh tế học, đây là vấn đề được gọi là “free rider” – hay người đi xe không trả tiền).

Ngoài ra, Hart cũng gợi ý rằng không phải lúc nào cũng nên áp dụng duy nhất một cách trả công. Cụ thể, việc trả công nên nghiêng về lương cố định trong những ngành có độ rủi ro cao. Trong khi đối với môi trường ổn định hơn, theo Hart, cách trả lương cần dựa trên sự đo lường hiệu quả công việc.

Vào giữa thập niên 1980, Oliver Hart đã có những đóng góp nền tảng cho một nhánh mới của lý thuyết hợp đồng liên quan đến các trường hợp của Hợp đồng Không hoàn chỉnh (Incomplete Contract).

Ý tưởng của nhánh lý thuyết này xuất phát từ hiện thực: không có bất kỳ hợp đồng nào có thể quy định cụ thể mọi tình huống. Vì vậy, nhánh lý thuyết mới của Hart nêu lên những phân bổ tối ưu về quyền kiểm soát (control right) – tức là xác định bên nào trong hợp đồng nên có quyền quyết định sẽ làm gì trong trường hợp các bên không đạt được đồng thuận. Theo đó, bên có quyền ra quyết định sẽ có sức mạnh đàm phán lớn hơn và có thể sẽ đạt được thỏa thuận tốt hơn trong trường hợp một tình huống xảy ra. Kết quả là điều này sẽ củng cố động lực của bên có quyền khi đưa ra những quyết định nào đó, trong khi làm yếu đi động lực đối với bên còn lại. Trong những tình huống phức tạp, việc phân chia quyền quyết định trở thành phương án thay thế cho việc trả công theo hiệu quả công việc.

Mô hình đa nhiệm vụ (multi-tasking model) của Holmstrom cho thấy nếu việc trả công theo hiệu quả công việc của nhà quản lý quá đặt nặng lên dòng tiền mặt trong ngắn hạn thì điều này có thể gây hại đến


Trong nhiều nghiên cứu, Hart cùng với các cộng sự như Sanford Grossman và John Moore đã phân tích về cách phân bổ quyền sở hữu tài sản vật chất. Chẳng hạn, các tài sản nên được sở hữu bởi một công ty duy nhất hay riêng biệt bởi nhiều công ty khác nhau? Hay giả sử một phát minh mới yêu cầu sử dụng một máy móc cụ thể và kênh phân phối, thì ai nên sở hữu máy móc và ai nên sở hữu kênh phân phối - nhà phát minh sáng chế, nhà vận hành máy móc hay nhà phân phối? Nếu như đổi mới là hoạt động khó để thiết kế hợp đồng nhất, thì có vẻ như một cách thực tế, câu trả lời có thể là người đưa ra sáng kiến. Nhà sáng tạo nên sở hữu tất cả tài sản trong một công ty, dù có thể thiếu chuyên môn về sản xuất và phân phối. Vì nhà sáng tạo là bên thực hiện các khoản đầu tư không nằm trong hợp đồng lớn hơn, nên họ cũng có nhu cầu lớn hơn sức mạnh đàm phán cho tương lai.

Một ứng dụng khác của lý thuyết về Hợp đồng Không hoàn chỉnh liên quan đến sự phân chia lĩnh vực công và tư. Các nhà cung cấp dịch vụ công, như trường học, bệnh viện và nhà tù, có nên thuộc sở hữu tư nhân hay không? Theo lý thuyết, điều này phụ thuộc vào bản chất của các khoản đầu tư không có trong hợp đồng. Giả sử một người quản lý điều hành một cơ sở dịch vụ phúc lợi có thể thực hiện hai loại đầu tư: hướng đến cải thiện chất lượng, hoặc khác lại nhằm giảm chi phí bằng cắt giảm chất lượng. Thêm vào đó, giả sử các khoản đầu tư như vậy rất khó để xác định trong hợp đồng. Nếu chính phủ sở hữu một cơ sở và thuê một người quản lý để điều hành, thì người quản lý này sẽ có ít động lực để cung cấp một trong hai loại đầu tư trên, vì chính phủ không thể hứa hẹn một cách đáng tin cậy rằng sẽ thưởng cho những nỗ lực như vậy.

Nếu một nhà thầu tư nhân cung cấp dịch vụ, thì động lực để họ đầu tư vào cả chất lượng lẫn tiết kiệm chi phí sẽ mạnh mẽ hơn. Một nghiên cứu năm 1997 của Hart viết chung cùng Andrei Shleifer và Robert Vishny đã chỉ ra rằng: các động lực hướng đến cắt giảm chi phí thường quá mạnh mẽ. Do đó, ý muốn về việc tư nhân hóa phụ thuộc vào sự đánh đổi giữa cắt giảm chi phí và gia tăng chất lượng. Trong nghiên cứu trên, Hart và các cộng sự đặc biệt quan tâm đến trường hợp của các nhà tù tư nhân. Trên thực tế, chính quyền liên bang tại Mỹ đã chấm dứt sử dụng các nhà tù tư nhân, một phần bởi vì các điều kiện trong nhà tù tư nhân còn tồi tệ hơn các nhà tù công, theo một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ.

Những phát hiện của Hart về các Hợp đồng Không hoàn chỉnh đã làm sáng tỏ quyền sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp, tác động lớn lao đến một số lĩnh vực kinh tế, cũng như khoa học chính trị và luật học. Nghiên cứu của Hart cung cấp cho chúng ta công cụ lý thuyết mới, để nghiên cứu các vấn đề chẳng hạn như: loại công ty nào nên hợp nhất, chỉ ra cách kết hợp quản lý vốn bằng vốn chủ sở hữu và nợ vay, và khi nào các tổ chức như trường học hoặc nhà tù nên thuộc sở hữu tư nhân hoặc sở hữu công.

Thông qua những đóng góp ban đầu, Hart và Holmström đưa ra lý thuyết hợp đồng như một lĩnh vực nghiên cứu cơ bản vô cùng rộng lớn. Không dừng lại ở một khung lý thuyết, hai nhà kinh tế đã khám phá ra nhiều ứng dụng của nó trong những thập kỷ qua. Các phân tích của Hart và Holmström về thỏa thuận hợp đồng tối ưu tạo nên một nền tảng để thiết kế các chính sách và tổ chức trong nhiều lĩnh vực, từ luật phá sản cho đến việc thiết lập chính trị. Nhờ đó, chúng ta có được những công cụ để phân tích không những điều khoản của hợp đồng, mà còn việc phân chia quyền kiểm soát, quyền sở hữu và quyền ra quyết định giữa các bên trong hợp đồng.


Thực hiện: Minh Tâm (biên dịch)
Ảnh: Shutterstock

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Giá trị của lý thuyết hợp đồng" tại chuyên mục Khoa học quản lý.