Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu gây khó cho doanh nghiệp
Đây là một trong những điểm hàng loạt thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu kiến nghị về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương xây dựng. Theo nghị định 95/2021 hiện đang quy định, các thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, bao gồm cả 2 đầu mối sản xuất trong nước là các nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và Dung Quất, cũng như được tự do mua bán trao đổi lẫn nhau giữa các thương nhân phân phối. Tuy nhiên, dự thảo lần này quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà không được mua từ các nhà cung cấp khác.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ gây khó cho hoạt động kinh doanh xăng dầu và tiềm ẩn nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, các quy định về kinh doanh xăng dầu cần đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp tự do lựa chọn nguồn cung cấp, ít nhất là giữ nguyên như nghị định 95/2021 hiện tại.
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang khẳng định thương nhân phân phối ký hợp đồng bao tiêu cho doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất xăng dầu để phân phối ra thị trường chính là kênh phân phối có đủ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý xăng dầu và thị trường khách hàng… Do đó, quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp cần được đảm bảo để đáp ứng kịp thời nguồn cung cho thị trường rộng khắp đến cả những vùng sâu, vùng xa.
Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cũng cho rằng dự thảo quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau là siết lại điều kiện kinh doanh, bó buộc và hạn chế tự do thị trường. Quy định này khiến hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản.
Khi các doanh nghiệp đầu mối thiếu hàng, nếu thương nhân phân phối không được mua của nhau dẫn tới đứt gãy hệ thống bán lẻ gây thiếu xăng dầu cục bộ như tình trạng cuối năm 2022. Trong khi đó, các thương nhân phân phối nếu được mua của nhau có thể điều tiết hàng dư từ khu vực thừa sang khu vực thiếu, giảm bớt áp lực thị trường.
Kiến nghị mở rộng nguồn cung cho doanh nghiệp
Trong kiến nghị mới đây của tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các doanh nghiệp nhấn mạnh kiến nghị nhà nước cần xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới có tính cải cách đột phá đối với thị trường xăng dầu. Trong đó, đảm bảo tự do hoá, không phân loại, phân biệt đối xử; tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức tổ chức, địa bàn, quy mô, đối tác kinh doanh và hình thức cung ứng dịch vụ trên cơ sở luật định.
Bản kiến nghị cũng đề xuất Nhà nước áp dụng thử nghiệm cơ chế đấu thầu, đấu giá qua sàn kinh doanh xăng dầu để người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt nhất. Theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu tấn/năm, hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá. Do đó, đây là một giải pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng.
Ông Phạm Ngọc Hùng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đề xuất giải pháp lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Việc lập sàn cũng tăng tính cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn với giá hợp lý hơn cũng như ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường cũng sẽ chủ động xây dựng hệ thống kho chứa, vận tải để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, các doanh nghiệp phân phối sẽ giảm được áp lực phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh quá chặt như hiện nay.