Cần lập sàn kinh doanh xăng dầu để có thị trường cởi mở, minh bạch

Phạm Sơn

14/05/2024 18:27

Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu với nhiều quy định quá khắt khe là tư duy bao cấp, lạc hậu. Điều này không chỉ trói buộc hoạt động của doanh nghiệp mà còn trái với chủ trương phát triển kinh tế thị trường của Nhà nước. Thay vào đó, lập sàn kinh doanh xăng dầu sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thị trường xăng dầu. 

Dự thảo Nghị định “bóp nghẹt” doanh nghiệp

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đồng tình tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội.

vcci-pld-1715743852.jpg
Hội thảo do VCCI tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp.

Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, hơn 200 doanh nghiệp đến từ các địa phương tham gia hội thảo, cao gấp đôi so với lượng giấy mời do VCCI phát ra. Điều này thể hiện sức nóng của nội dung hội thảo lần này. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc soạn thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu không đơn giản, chịu áp lực không nhỏ với quá nhiều mục tiêu đặt ra trong việc xây dựng Nghị định này. Bên cạnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh: “Những can thiệp hành chính đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế. Còn động lực thị trường mới là bền vững nhất, công tác quản lý cần theo hướng này”.

Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham gia Hội thảo cũng đồng tình với việc dự thảo Nghị định phải theo hướng tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp, cần bằng lợi ích giữa các thành phần tham gia thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội thảo cho rằng dự thảo lần này có quá nhiều quy định khắt khe không cần thiết, trói buộc hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ. 

ong-dau-anh-tuan-pld-1715743734.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định các quy định phải tạo động lực cho thị trường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Trịnh Quang Khanh cho biết, các Nghị định về điều kiện kinh doanh xăng dầu đã nhiều lần được thay thế, sửa đổi nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Nhiều quy định được còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó cho doanh nghiệp.  

“Thời gian qua, một lít xăng khi bán ra thị trường phải thực hiện quá nhiều mục tiêu. Tôi đề nghị, Nghị định mới cần lược bớt các quy định không cần thiết, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu không doanh nghiệp dễ bị “bắt lỗi” bởi các cơ quan thanh kiểm tra” – ông Khanh nói.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) Văn Tấn Phụng nhận định, nếu Nghị định mới giữ nguyên tinh thần và nội dung như hiện nay thì nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ vừa và nhỏ sẽ khó cạnh tranh thậm chí dẫn đến phá sản. Từ đó dẫn đến các rủi ro về khủng hoảng nguồn cung xăng dầu, đứt gãy nguồn cung như đã từng xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng trong khi Nhà nước sẽ khó kiểm soát được các hiện tượng tiêu cực, trục lợi và buôn lậu về xăng dầu…

Lập sàn xăng dầu để có thị trường cởi mở và minh bạch

Một trong những điểm bất cập lớn trong dự thảo lần này được các doanh nghiệp chỉ ra là điều 14 dự thảo quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau dù trong Nghị định trước đây vẫn cho phép. Các doanh nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ cũng bị hạn chế rất chặt về số lượng nhà cung cấp, làm hạn chế tính cạnh tranh và gây nguy cơ đứt gãy nguồn cung của thị trường. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng nhiều quy định khác như yêu cầu về kho chứa với thương nhân phân phối, cách tính giá, quỹ bình ổn… chưa phù hợp với hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Dự thảo cũng trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp đầu mối dẫn đến một số doanh nghiệp siêu lớn độc quyền, thao túng thị trường. 

kinh-doanh-xang-dau-pld-1715743851.jpg
Nhiều bất cập trong dự thảo được các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo.

Từ những bất cập kể trên của dự thảo Nghị định lần này, ông Phạm Ngọc Hùng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, dự thảo này mang tư duy quản lý theo kiểu bao cấp, lạc hậu. Điều này thể hiện qua việc quy định giá một cách cứng nhắc nhưng lại không rõ ràng khi quy định giá theo trung bình cộng 7 ngày của giá thời điểm của thị trường Singapore. Trong khi đó, giá này thường cao hơn từ 8% - 10% so với giá hợp đồng dài hạn là giá thực tế mà các doanh nghiệp đầu mối mua vào. Cùng với đó, giới hạn số lượng nhà cung cấp mà doanh nghiệp được lựa chọn cũng khiến cho thị trường vận hành một cách méo mó, mất tính cạnh tranh. 

Bởi vậy, ông Hùng đề xuất giải pháp lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Theo ông Hùng, lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 27 triệu tấn/năm, hoàn toàn đủ khả năng để lập sàn và lấy giá sàn này làm cơ sở tính giá thay vì phải lấy giá thị trường Singapore như hiện nay. 

Việc lập sàn cũng tăng tính cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn với giá hợp lý hơn cũng như ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường cũng sẽ chủ động xây dựng hệ thống kho chứa, vận tải để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, các doanh nghiệp phân phối sẽ giảm được áp lực phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh quá chặt như hiện nay. Đề xuất này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp tham gia Hội thảo. 

Phạm Sơn