"Đại gia" xăng dầu Lê Văn Tám vừa bán 49% cổ phần Kho Cảng LNG Cái Mép cho công ty Mỹ là ai?

Trọng Đạt

14/03/2024 20:20

Doanh nhân Lê Văn Tám - ông chủ tòa lâu đài nghìn tỷ tại khu đất vàng đắt bậc nhất Phú Thọ, được biết đến là một đại gia đình đám trong lĩnh vực xăng dầu.

AG&P LNG (Singapore-based Atlantic, Gulf and Pacific LNG), một công ty con của Tập đoàn Nebula Energy (Mỹ) vừa ra thông báo đã mua lại 49% cổ phần của Kho Cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giá trị thương vụ không được công bố.

Theo lãnh đạo AG&P LNG, cảng Cái Mép hiện đang trong quá trình chạy thử trước và sẽ tiến hành nhập khẩu hàng hóa chạy thử từ 2 đến 3 tháng trước khi có đợt khí đầu tiên vào tháng 9 tới. Ngoài việc cung cấp LNG bằng xe tải, trạm này còn có khả năng vận chuyển hàng rời cho phép LNG được nạp lại vào các tàu nhỏ hơn để vận chuyển.

Kho cảng được kết nối bằng đường ống đến khu công nghiệp Phú Mỹ và cuối cùng sẽ cung cấp cho nhà máy điện Hiệp Phước đang được xây dựng của Công ty TNHH Hải Linh. Nhà máy điện dự kiến bắt đầu phát điện vào tháng 9 đến tháng 10/2025, ông Sathyamoorthy chia sẻ.

a1-1710422095.jpeg
Ông Lê Văn Tám - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (trái) và ông Karthik Sathyamoorthy - Giám đốc Điều hành AG&P LNG (phải) tại buổi lễ ký kết.

Cảng có vị trí chiến lược gần Đồng bằng sông Cửu Long và có ba bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000 m3 LNG, có hệ thống giao nhận có thể nạp LNG vào bồn chứa và xuất LNG cho các tàu nhỏ hơn.

Ngoài ra, AG&P LNG còn thành lập liên doanh với Công ty Hải Linh là Vietfirst LNG Trading, để kinh doanh và nhập khẩu LNG. Liên doanh này dự kiến sẽ nhận được giấy phép nhập khẩu trong vòng 6 tuần tới.

Được biết, Kho cảng LNG Cái Mép do Công ty TNHH Hải Linh làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện xong phần đầu tư xây dựng. Doanh nghiệp vận hành dự án là Công ty CP Kho Cảng LNG Cái Mép.

Công ty CP Kho Cảng LNG Cái Mép mới thành lập tháng 5/2023, vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: ông Lê Văn Tám chiếm 83,62%, bà Nguyễn Thị Hải (vợ ông Tám) chiếm 13,74% và Công ty TNHH Hải Linh 2,63%. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế vào tháng 8/2023.

'Đại gia' xăng dầu Hải Linh - Doanh nhân Lê Văn Tám 

Công ty TNHH Hải Linh (Hải Linh) được thành lập ngày 18/7/2002, trụ sở tại tỉnh Phú Thọ; hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bán buôn xăng dầu, mỡ và các sản phảm liên quan dùng động cơ; bán buôn khí đốt và các sản phẩm liên quan (bao gồm cả khí thiên nhiên LNG).

Doanh nghiệp này được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng... Hiện tại công ty có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh trên. Thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20-30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.

Năm 2022, Công ty TNHH Hải Linh đứng thứ 68 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 33 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Và nhắc đến Hải Linh, không thể không nhắc đến ông Lê Văn Tám. Vị doanh nhân này sinh năm 1966, là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

1611566781-763ee777d61b07a5940f192c3c92fb9e-1710422190.png
Ông Lê Văn Tám được biết đến là một đại gia buôn xăng dầu đình đám tại tỉnh Phú Thọ và sở hữu tòa lâu đài cực kỳ xa hoa trị giá cả nghìn tỷ đồng tọa lạc tại vị trí đắc địa ở địa phương này.

Nói về những ngày đầu khởi nghiệp của mình, ông Lê Văn Tám từng chia sẻ trên báo Phú Thọ như sau: Hải Linh những ngày đầu khởi nghiệp vào giữa năm 2002 gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngay tại thời điểm đó, kinh doanh xăng dầu gần như là độc quyền của một số doanh nghiệp Nhà nước.

Sau hơn 20 năm thành lập, Công ty Hải Linh vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu và dịch vụ logistics. Hiện tại Hải Linh có hơn 60.000 thành viên khắp thị trường trên cả nước.

Cập nhật tình kinh doanh, theo dữ liệu từ VietnamFinance cho thấy,  giai đoạn 2017-2019, Công ty Hải Linh tăng trưởng khá nhanh qua các năm như: 11.549 tỷ đồng (năm 2017) tăng gấp rưỡi lên 17.663 tỷ đồng (năm 2018), tăng thêm 7% lên 18.879 tỷ đồng (năm 2019). Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này lại có xu hướng giảm qua từng năm, năm 2017 là 469,9 tỷ đồng, năm 2018 giảm xuống còn 423,3 tỷ đồng và 2019 là 449 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của Công ty Hải Linh trong giai đoạn 2017-2019 là khá tốt, tăng từ 88,9 tỷ đồng (2017) lên 123,4 tỷ đồng (2018) rồi lên mức 197,4 tỷ đồng (2019). Tuy nhiên, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này cũng tăng đáng kể ở giai đoạn này, từ 90,2 tỷ đồng (2017) lên 101,7 tỷ đồng (2018) và 125,1 tỷ đồng (2019).

Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng khá lớn, nhất là năm 2019 với 444,6 tỷ đồng, cao gần bằng lợi nhuận gộp và cao hơn khá nhiều so với hai năm trước đó (lần lượt ở mức 402,4 tỷ đồng và 354,5 tỷ đồng.

Kết quả là lợi nhuận sau thuế của Công ty Hải Linh chỉ ở mức “èo uột” và suy giảm qua các năm. Cụ thể, năm 2017, Công ty Hải Linh báo lãi 39,4 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 25 tỷ đồng ở năm 2018 và 15,7 tỷ đồng ở năm 2019.

Gần đây nhất, năm 2021 doanh thu của công ty lên tới 20.607 tỷ đồng, thế nhưng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 164 tỷ đồng.

Thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh vào đầu tháng 2/2023 cho thấy, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ từ 2.050 tỷ đồng lên 4.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý chỉ hai tháng sau đó, vốn điều lệ đã giảm từ 4.550 tỷ đồng về còn 1.350 tỷ đồng. Hai thành viên góp vốn của công ty bao gồm: ông Lê Văn Tám sở hữu 85,9% và bà Nguyễn Thị Hải sở hữu 14,1%.

a3-1710422105.jpeg
"Đại gia" xăng dầu Lê Văn Tám còn được nhắc đến với vai trò là ông chủ sở hữu lâu đài Hải Linh tọa lạc tại mặt đường Nguyễn Tất Thành, giáp Công viên Văn Lang thuộc TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Được biết, ngoài Hải Linh, trong hệ sinh thái của vị doanh nhân đất Phú Thọ này còn có một số doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu, Công ty TNHH MTV Hải Linh Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Hải Linh Hà Nam, Công ty TNHH MTV Hải Linh Tây Bắc, Công ty CP Hải Linh LNG...

Bên cạnh công việc kinh doanh, "đại gia" xăng dầu Lê Văn Tám còn được nhắc đến với vai trò là ông chủ sở hữu lâu đài Hải Linh tọa lạc tại mặt đường Nguyễn Tất Thành, giáp Công viên Văn Lang thuộc TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Tòa lâu đài này được khởi công từ năm 2019 nhưng đến nay "siêu lâu đài" vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo đơn vị thiết kế và thi công, lâu đài có diện tích sàn tầng 1: 2.100 m2; tầng 2: 1.768 m2; tầng 3: 1.980 m2; tầng 4: 1.500 m2; tầng 5: 1.500 m2; tầng 6: 1.350 m2 và 4 chóp nhỏ trên sàn tầng 6, mỗi chóp gần 500m2; mái phòng thờ: 174m2, các cung tròn lớn và mái lớn khoảng 1000m2.

Theo tìm hiểu được biết, tổng đầu tư của tòa lâu đài này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, công trình này trở thành trụ sở làm việc của Công ty Hải Linh.

Trước đó, thông tin từ Thanh tra Chính phủ, Công ty Hải Linh sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản quỹ bình ổn giá, nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng với tổng số tiền trên 2.551 tỷ đồng (số liệu cộng dồn của các kỳ).

Sau đó, Công ty Hải Linh thông tin về việc này, ông Lê Văn Tám - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh cho biết, tháng 9/2022, đoàn thanh tra làm việc tại doanh nghiệp, công ty đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo đúng quy định và không còn nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trong Thông cáo báo chí đăng tải trên website, Công ty Hải Linh nhấn mạnh, số tiền 2.551 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã trích lập và được trích xả theo các kỳ điều hành giá của Bộ Công Thương.

Liên quan đến sự việc, ông Tám có văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình thực hiện trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tính đến ngày 31/2/2023, ghi nhận số dư Quỹ của Công ty Hải Linh) còn trên 46 tỷ đồng (có xác nhận của ngân hàng).

Trọng Đạt