Ngày 20/12, CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: HCM) đã ký Hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD – tương đương 2.374 tỷ đồng với nhóm 12 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng Cathay United Bank (CUB).
Đây là khoản vay có giá trị lớn nhất của HSC đến thời điểm hiện tại với các định chế tài chính Đài Loan. Trước đó, nhà môi giới này đã có các lần ký kết khoản vay lần lượt là 50 triệu USD và 44 triệu USD với nhóm này.
Khoản vay tín chấp này có hạn mức 3 năm, vốn thu về chủ yếu được phân bổ cho các hoạt động kinh doanh của công ty. Đây là nguồn lực rất lớn để giúp đa dạng cơ cấu tài chính và cân đối các hạn mức tín dụng với chi phí tối ưu.
Đại diện HSC, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc HSC chia sẻ: "Khoản vay hợp vốn này sẽ được HSC sử dụng để phát triển hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững".
Ông Giang nói tiếp: "Những thành tựu HSC đạt được đến từ yếu tố quản trị công ty và chính sách quản trị rủi ro thận trọng, nguồn nhân lực vững mạnh, mô hình kinh doanh hiệu quả, minh bạch, nguồn vốn dồi dào và các đối tác kinh doanh tốt. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn tất việc tăng vốn chủ sở hữu lên 7,300 tỷ đồng. Tổng tài sản của HSC đã tăng gấp đôi so với 1 năm trước, lên gần 24,000 tỷ đồng".
Theo ông Giang, trước thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, HSC luôn sẵn sàng chuẩn bị cho các điều kiện thị trường mới bằng cách đẩy mạnh năng lực tài chính thông qua hai cách: tăng vốn chủ sở hữu và vay ngân hàng nhiều hơn.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2021, HSC ghi nhận doanh thu thuần 2.411 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 90% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm 2021. Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) 9 tháng năm 2021 đạt 3.027 đồng/cổ phiếu. Hệ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA) và hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) lượt đạt 5,9% và 19,3%.
Giá HCM đóng phiên hôm nay 20/12 đạt 47.000 đồng/cổ phiếu, vốn hoá vượt 21.000 tỷ đồng.
Không chỉ HSC mà nhiều đơn vị khác cũng huy động vốn vay tín chấp. Trong tháng 9, Chứng khoán SSI gây chú ý với khoản vay tín chấp kỷ lục 118 triệu USD (hơn 2.700 tỷ đồng) cũng từ nhóm hàng hàng đầu Đài Loan; trong đó dẫn đầu là UBOT và Fubon.
Trong tháng 3 và 4, VietinBank Securities cũng huy động tổng cộng 90 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) từ các ngân hàng Đài Loan và Hàn Quốc. Hay như Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng vay thêm 459 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD) từ Taishin International Bank Co. Ltd vào đầu năm.
Thực tế việc vay tín chấp nước ngoài (không tài sản đảm bảo) khá khó khăn bởi hiện chỉ có rất ít các công ty chứng khoán top đầu của Việt Nam có thể vay với giá trị lớn. Vấn đề mấu chốt là các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh được uy tín, mức độ minh bạch cũng như khả năng hoạt động hiệu quả.