Bước tiến mới của cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu

vutuan

21/10/2019 19:00

Giống như Angus Deaton năm 2015, ba nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay cũng được vinh danh nhờ những thành tựu chống đói nghèo. Tuy nhiên, đây không hẳn là một sự lặp lại.

Ngày 14.10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chính thức công bố giải thưởng Nobel Kinh tế (tên chính thức: giải thưởng Sveriges Riksbank về khoa học kinh tế) năm 2019 dành cho ba nhà kinh tế Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer “vì cách tiếp cận thí nghiệm của họ nhằm giảm đói nghèo trên toàn cầu”.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI)

Tuy nhiên mới hơn một năm trước, đồng loạt 15 nhà kinh tế hàng đầu thế giới cùng gửi đi một bức thư ngỏ, được đăng tải công khai trên The Guardian. Nội dung bức thư lập luận rằng, nhiều tỉ đô la Mỹ đã chi cho hoạt động viện trợ có thể mang đến rất ít tác động về giảm nghèo, trong khi chúng ta thất bại trong việc giải quyết gốc rễ của vấn đề. Trong những lập luận của mình, các nhà kinh tế trên đã đề cập đến Esther Duflo (người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay), đồng thời lên tiếng chỉ trích phương pháp thí nghiệm ngẫu nhiên (khái niệm sẽ được giải thích chi tiết ngay trong phần sau) mà Duflo khuyến nghị Chính phủ Pháp áp dụng để đề ra “những nguyên tắc hướng dẫn dành cho ngân sách viện trợ - vốn gia tăng đáng kể dưới chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron”.

Một điểm đáng chú ý khác: trong danh sách 15 nhà kinh tế hàng đầu ký tên trong bức thư trên, có cả Angus Deaton – người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015. Điều gì khiến các quan điểm về kinh tế phát triển khác nhau đến vậy? Vì sao thí nghiệm ngẫu nhiên được nhận đánh giá: “đã định hình lại nghiên cứu trong kinh tế học phát triển”? Một cách cụ thể, phương pháp này đã giúp thế giới giảm đói nghèo hiệu quả ra sao?

 


PHƯƠNG PHÁP THÍ NGHIỆM KIỂM SOÁT NGẪU NHIÊN (RCT): TỪ Y KHOA ĐẾN KINH TẾ PHÁT TRIỂN

Banerjee, Duflo và Kremer là những người tiên phong trong việc sử dụng phương pháp Thí nghiệm Kiểm soát Ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trial - RCT) vào lĩnh vực kinh tế phát triển. Đây vốn là phương pháp phổ biến trong thí nghiệm y khoa để đo lường, đánh giá tác dụng của các loại thuốc mới. Những thí nghiệm này được tiến hành trên nhiều người tham gia (tình nguyện hoặc chiêu mộ), để tìm kiếm đáp án cho câu hỏi: liệu loại thuốc mới có tác dụng đáng kể hay không?

Khi được ứng dụng cho kinh tế học phát triển, phương pháp RCT cho phép lượng hóa tác động của tác động chính sách thông qua việc thí nghiệm hiện trường, nghiên cứu và so sánh giữa hai nhóm đối tượng được lựa chọn ngẫu nhiên: (1) nhóm chịu tác động (intervention group) và (2) nhóm không chịu tác động (no intervention/control group) – được kiểm soát hoàn toàn, dùng để đối chứng. Việc quan sát, đánh giá (bằng kinh tế lượng) và nghiên cứu kết quả của hai nhóm đối tượng này cho phép đánh giá tác dụng của biện pháp hoặc chính sách tác động (Trong trường hợp có nhiều biện pháp/chính sách cần đánh giá, sẽ có thêm nhiều nhóm chịu tác động tương ứng).

Phương pháp Thí nghiệm Kiểm soát Ngẫu nhiên do đó không giống như phương pháp thực nghiệm truyền thống. Giải thích dưới đây của Tiến sĩ Đỗ Quốc Anh sẽ làm cụ thể hoá sự khác biệt cơ bản trên giữa hai phương pháp trên:

Làm sao để có bằng chứng khoa học chính xác trong ngành kinh tế học ?

Các giáo sư Jeffrey Sachs và William Easterly thuộc về thế hệ các nhà kinh tế học làm nghiên cứu thực nghiệm theo phương pháp truyền thống: sử dụng công cụ kinh tế lượng để phân tích dữ liệu từ các cuộc điều tra. Dữ liệu điều tra thường được thiết kế theo mục đích chung và không thể ghi lại hết tất cả những thông tin có thể ảnh hưởng đến đối tượng. Vì thế, các nghiên cứu kinh tế thực nghiệm như vậy hiếm khi có thể kết luận chính xác tác động của từng chính sách, và để mở một khoảng trống không nhỏ cho các cách giải thích khác nhau.
Từ gần 20 năm nay, hai tác giả của cuốn sách này, giáo sư Abhijit Banerjee và Esther Duflo ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT, bang Massachusetts), là những nhà tiên phong trong việc thúc đẩy phương pháp nghiên cứu mới bằng việc thiết kế, điều tra, đo đạc dựa vào các thí nghiệm ngẫu nhiên, tức là đánh giá kỹ các biện pháp, chính sách kinh tế giống như các nghiên cứu y học đánh giá từng loại thuốc mới. Phương pháp này đã tạo ra một bước ngoặt chóng mặt trong kinh tế học phát triển: Nhiều niềm tin truyền thống về chính sách bị đánh đổ, nhiều kết quả bất ngờ mới được khẳng định, và kết quả thí nghiệm (chứ không chỉ là thực nghiệm) mở đường cho những lý thuyết mới có lý và có ích hơn.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Anh - Học viện Khoa học Chính trị Sciences Po, Paris (Pháp), viết trong lời giới thiệu cho cuốn sách “Poor Economics” (tựa tiếng Việt: Hiểu nghèo thoát nghèo)

 


RCT mang đến lợi thế không thể bàn cãi để trả lời cho những câu hỏi hết sức cụ thể và đa dạng trong kinh tế học phát triển. Chẳng hạn như một chính sách hoặc biện pháp cụ thể thực sự có tác dụng hay không? Tại sao người nghèo châu Phi không ngủ màn để phòng tránh bệnh sốt rét - dù họ được đã được phát màn miễn phí trước đó? Làm cách nào để nâng cao giáo dục cho trẻ em nghèo? Việc trang bị nhiều sách giáo khoa và các bữa trưa miễn phí có cải thiện chất lượng học tập của trẻ em nghèo hay không?

Abhijit Banerjee, Esther Duflo

Như chính Duflo từng khẳng định tại TED Talk năm 2010: “Tôi sẽ chia nhỏ nó (các vấn đề lớn) thành các vấn đề nhỏ hơn và tìm câu trả lời cho những vấn đề nhỏ hơn này. Đó phải là những đáp án tốt, khoa học và thiết thực”. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cũng đánh giá: “Ba nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay đã chỉ ra rằng những câu hỏi nhỏ hơn và chính xác hơn này thường được trả lời đúng nhất thông qua các thí nghiệm, được thiết kế cẩn thận cho những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất”.

Thông qua đánh giá cụ thể tác động, RCT đồng thời là công cụ hữu hiệu để hiểu về các đối tượng nghiên cứu (học sinh, bố mẹ, giáo viên,…), điều gì thôi thúc họ ra quyết định. “Banerjee, Duflo và Kremer không chỉ kiểm nghiệm một hoạt động can thiệp có hiệu quả hay không, mà còn giải thích vì sao (lại dẫn đến kết quả như vậy)?”, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển giải thích. Để hiểu về động cơ, ràng buộc và thông tin tác động đến quá trình ra quyết định của người tham gia thí nghiệm (người nghèo trên thế giới), ba nhà kinh tế đã vận dụng lý thuyết hợp đồng (contract theory)kinh tế học hành vi (behavioral economics), những công trình đã được vinh danh trước đây vào năm 2016 và 2017.

“Để tìm ra giải pháp thực sự (cho cuộc chiến chống đối nghèo toàn cầu – MIU), chúng ta cần bỏ thói quen biến người nghèo thành những nhân vật như trên hoạt hình, dành thời gian nghiêm túc tìm hiểu về cuộc sống của họ với tất cả sự phức tạp và đa dạng ẩn sâu bên trong”, Banerjee và Duflo nhấn mạnh trong cách tiếp cận vấn đề đói nghèo trong lời mở đầu cuốn sách Poor Economics xuất bản năm 2011. Tuy nhiên, phương pháp này không phải là không tồn tại hạn chế. Khả năng chia nhỏ vấn đề (điểm lợi thế trước đây) khiến cho tác dụng đánh giá của phương pháp chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, như đánh giá một dự án, một biện pháp cụ thể, chứ không thể mở rộng thành quy mô lớn như chính sách quốc gia/vùng. Nếu việc thí nghiệm liên quan đến sức khỏe con người (thường gặp trong kinh tế phát triển), phương pháp này còn gặp phải những trở ngại về đạo đức (ethical challenge), bởi sẽ ra sao đối với nhóm người không được nhận điều trị.

Cuốn sách “Poor Economics” (tựa tiếng Việt: Hiểu nghèo thoát nghèo) của hai tác giả Abhijit Banerjee và Esther Duflo

Một hạn chế khác khi áp dụng RCT trong kinh tế học phát triển đến từ sự tốn kém. Khác với các thí nghiệm trong phòng trong kinh tế học hành vi, có thể thực hiện trong phòng. Lĩnh vực kinh tế phát triển (như Banerjee, Duflo và Kremer thực hiện) thường đòi hỏi các thí nghiệm trên thực địa có quy mô mẫu rất lớn. Năm 2015, Banerjee và Duflo đã thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm trên 10.000 hộ gia đình tại sáu quốc gia thu nhập thấp và trung bình, để đánh giá tác động của gói biện pháp viện trợ (bao gồm trợ cấp tiền mặt, thực phẩm, dịch vụ y tế, đào tạo kỹ năng,…) trong vòng hai năm liên tiếp. Rõ ràng, những nghiên cứu như vậy cần đến nguồn kinh phí lớn tài trợ, chưa kể đến việc huy động nguồn nhân lực (người tham gia thí nghiệm), sự hợp tác, tổ chức và quản lý của chính quyền địa phương (nơi tiến hành thí nghiệm thực địa),… “Nhìn chung, việc thực hiện các nghiên cứu RCT trên thực địa là hết sức vất vả và tốn kém, đòi hỏi nỗ lực không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu. Do vậy, giải thưởng Nobel chính là một phần đền đáp cho những nỗ lực của họ”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI), đưa ra lời bình luận.

Lược đồ minh họa cách phân nhóm trong phương pháp Thí nghiệm Ngẫu nhiên Có đối chứng (RCT) - Nguồn: MIU tổng hợp

Khi áp dụng RCT vào kinh tế phát triển, cũng cần lưu ý đến vấn đề liên quan đến tính phổ quát của kết luận nghiên cứu. Trong tài liệu giới thiệu khoa học về giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nêu rõ: “Một vấn đề then chốt (đối với thí nghiệm trên hiện trường đó là liệu các kết quả thực nghiệm có tính đúng trong những bối cảnh khác (ngoài bối cảnh lựa chọn ngẫu nhiên của thí nghiệm) hay không?”. Hay nói cách khác, tính đúng trong khung cảnh của thí nghiệm (internal validity) có thể mở rộng và vẫn đúng trong điều kiện, hoàn cảnh phổ quát (external validity) hay không?

Ba nhà kinh tế đoạt giải năm nay cũng đi đầu trong nghiên cứu về tính phổ quát của kết luận nghiên cứu thí nghiệm thực địa và phát triển các phương pháp mới làm tăng hiệu ứng lấn át và hiệu ứng tràn cho các kết quả có được từ việc áp dụng RCT. Thêm vào đó, việc tăng cường liên kết giữa thực nghiệm với các lý thuyết kinh tế, cũng giúp cho các nghiên cứu sử dụng sử dụng Thí nghiệm Kiểm soát Ngẫu nhiên, có nhiều cơ hội đúng trong những trường hợp phổ quát hơn.

NHỮNG THÍ NGHIỆM CỤ THỂ

Trên phạm vi toàn cầu, bất chấp những tiến bộ mạnh mẽ gần đây, vẫn có hơn 700 triệu người sống với mức thu nhập vô cùng thấp. Mỗi năm, có khoảng năm triệu trẻ em dưới năm tuổi tử vong vì những căn bệnh thường có thể được ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị không hề tốn kém. Một nửa số trẻ em trên thế giới vẫn rời khỏi trường học mà không được trang bị kỹ năng đọc viết và tính toán cơ bản. Bằng phương pháp mới (RCT), ba nhà kinh tế Banerjee, Duflo và Kremer đã lần lượt tiếp cận các phương diện cụ thể của bài toán lớn: đâu là những cách thức tốt nhất để chống lại nghèo đói trên toàn cầu?

GIÁO DỤC

Ngay từ những năm 1990, Kremer và các đồng nghiệp đã sớm rời khỏi trường đại học của họ ở Mỹ để đến vùng quê tại Kenya và tìm câu trả lời cho các vấn đề liên quan đến giáo dục. Tại những nước nghèo, trẻ em thường xuyên thiếu sách vở và đến trường trong tình trạng đói. Trước thực trạng này, những câu hỏi đặt ra đó là: biện pháp can thiệp nào có thể giúp nâng cao chất lượng giáo dục với chi phí ít tốn kém nhất? Nếu được cung cấp sách vở và bữa ăn miễn phí, thì các em học sinh có thực sự cải thiện kết quả học tập hay không? Kết quả từ nghiên cứu thực nghiệm bằng phương pháp RCT của Kremer và cộng sự cho thấy: việc có thêm sách vở hoặc các bữa ăn miễn phí đều không khiến cho kết quả học tập cải thiện hơn. Và nếu sách vở mang đến tác dụng tích cực nào, thì điều đó chỉ đúng với những học sinh xuất sắc nhất mà thôi. Hiện tượng này tại các quốc gia thu nhập thấp được gọi là sự khủng hoảng trong học hành (learning crisis).


Nối tiếp kết quả này, Banerjee, Duflo và cộng sự đã thực hiện những nghiên cứu thí nghiệm thực địa tiếp theo và phát hiện ra rằng, vấn đề lớn nhất tại các quốc gia thu nhập thấp không phải là thiếu nguồn lực (cho giáo dục), mà là việc dạy học không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của học sinh. Trái lại, sự hỗ trợ có mục tiêu – tập trung vào các học sinh yếu kém – mang lại hiệu quả vô cùng tích cực, ngay cả trong trung hạn. Từ đó, phương thức dạy kèm được đề xuất cho các quốc gia thu nhập thấp.

SỨC KHỎE

Đối với sức khỏe của trẻ em tại các nước nghèo, vấn đề hệ trọng đặt ra đó là chi phí thuốc và chăm sóc sức khoẻ có nên bị tính phí hay không, và nếu có thì mức chi phí bao nhiêu là phù hợp? Cụ thể trong trường hợp thuốc tẩy giun, Kremer và đồng nghiệp cho thấy, 75% cha mẹ cho con uống thuốc tẩy giun nếu thuốc này được trợ cấp hoàn toàn và phát miễn phí. Nếu việc mua thuốc tốn một mức chi phí dưới 1 USD (tương ứng với mức trợ cấp vẫn tương đối cao), thì tỉ lệ trên giảm xuống còn 18%. Các trường hợp nghiên cứu thực nghiệm tương tự đều có chung kết quả: người nghèo cực kỳ nhạy cảm với giá cả khi quyết định đầu tư cho hoạt động phòng ngừa y tế.

Một giải thích khác cho tình trạng những gia đình nghèo ít chi tiêu cho các biện pháp ngừa bệnh, đó là do chất lượng dịch vụ y tế thấp. Lấy trường hợp cụ thể về việc tiêm phòng vắc-xin. Dù là biện pháp phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu và rẻ nhất cho trẻ em, nhưng chỉ có 6% trẻ em được tiêm phòng đầy đủ, theo một cuộc điều tra thực nghiệm do Banerjee, Duflo và cộng sự tiến hành. Trong một bài thuyết trình tại TED Talk, Duflo giải thích tỉ lệ tiêm chủng thấp là điều dễ hiểu vì những gia đình nghèo phải đưa con của họ đi rất xa để đến được trạm y tế để tiêm phòng, nhưng nơi đó thường xuyên đóng cửa hoặc những người chịu trách nhiệm không có mặt.

Tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ em có thể được cải thiện nhờ tăng tính sẵn sàng của các cơ sở y tế và khuyến khích các hộ gia đình đưa trẻ em đi tiêm phòng.

Để giải quyết vấn đề này, họ đề xuất hai giải pháp: (1) thiết lập cơ sở y tế lưu động để tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ và (2) kết hợp giải pháp này với một hình thức khích lệ khác – tặng đậu lăng (một loại lương thực phổ biến tại Ấn Độ) cho những gia đình cho con tiêm phòng. Kết quả thực nghiệm cho thấy, tỉ lệ trẻ em được tiêm phòng đầy đủ tăng gấp ba lần (từ 6% ban đều lên 18%) khi áp dụng giải pháp can thiệp thứ nhất kể trên. Tỉ lệ này thậm chí còn đạt tới 39% khi áp dụng giải pháp can thiệp thứ hai.

Như vậy, vấn đề tiêm phòng có thể được giải quyết bằng hai cách: tăng tính sẵn sàng và khả năng tiếp cận người dân cho các cơ sở y tế và khích lệ các hộ gia đình đưa con cái của họ đi tiêm phòng. Tuy nhiên, nếu như tỉ lệ tiêm phòng cao nhất chỉ đạt 39%, thì có nghĩa 61% trẻ em còn lại vẫn chưa được tiêm phòng. Do đó, hai giải pháp trên không thể giải quyết dứt điểm vấn đề. Nguyên nhân của hiện tượng tỉ lệ tiêm phòng đầy đủ tại nhiều nước nghèo vẫn còn thấp đến từ những nguyên nhân khác. Một trong số đó là do con người không phải lúc nào cũng duy lý (rational).

ĐỊNH KIẾN HIỆN TẠI

Quan sát và nghiên cứu thực nghiệm của Duflo, Kremer và cộng sự giải thích vì sao các hộ gia đình nhỏ, đặc biệt tại vùng Thượng Sahara - châu Phi, không chấp nhận các sáng tạo mới, như thụ tinh nhân tạo bất chấp lợi ích tiềm năng lớn. Một giải thích cho hiện tượng này chính là định kiến hiện tại (present bias) – tức con người thường tiếp tục làm những gì đã quen thuộc trong quá khứ, vì vậy họ có khuynh hướng trì hoãn quyết định (trong trường hợp này là trì hoãn việc tiếp nhận một đổi mới trong y khoa). Rồi đến ngày mai, họ lại tiếp tục trì hoãn quyết định của mình và rơi vào vòng tròn luẩn quẩn – vẫn cứ không đầu tư cho tương lai dù lợi ích trong dài hạn có tốt đẹp thế nào.

Điều này dẫn tới tính duy lý hạn chế (bounded rationality) - tính duy lý bị coi là hạn chế khi các đối tượng không thể ứng xử một cách tối ưu. Trong trường hợp này, theo Banerjee, Duflo và Kremer, những khoản trợ cấp tạm thời mang đến tác động tốt hơn những khoản trợ cấp cố định đều, bởi lẽ việc chỉ được nhận trợ cấp “ở đây và bây giờ” sẽ làm suy giảm động lực trì hoãn ra quyết định. Nhận định này đã được Duflo, Kremer và cộng sự khám phá khi nghiên cứu về việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

THÀNH CÔNG KHÔNG XA XÔI

Banerjee, Duflo và Kremer đã giới thiệu một cách tiếp cận mới để có được câu trả lời tin cậy cho câu hỏi: đâu là những phương thức tốt nhất để chống lại nghèo đói trên toàn cầu? Họ đã sớm thực hiện các nghiên cứu tương tự về nhiều vấn đề khác và ở nhiều quốc gia khác nhau. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định: “Giờ đây, các phương pháp nghiên cứu thí nghiệm ngẫu nhiên của họ hoàn toàn chiếm lĩnh ưu thế trong kinh tế học phát triển”.

Các kết quả nghiên cứu của ba nhà kinh tế đoạt giải năm nay, cùng các nghiên cứu tiếp nối sau đó, đã giúp cải thiện đáng kể khả năng chống lại đói nghèo trong hiện thực. Hơn năm triệu trẻ em Ấn Độ đã được hưởng lợi từ các chương trình dạy kèm hiệu quả trong trường học. Đó là kết quả trực tiếp từ một trong những nghiên cứu của họ. Một ví dụ khác nữa là các khoản trợ cấp lớn cho chăm sóc y tế dự phòng đã được đưa ra tại nhiều quốc gia.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tin tưởng: “Những người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã đóng vai trò quyết định trong việc định hình lại nghiên cứu trong kinh tế học phát triển. Các nghiên cứu của họ đã giúp làm giảm đói nghèo trên toàn cầu và còn có tiềm năng vô cùng lớn để cải thiện hơn nữa cuộc sống của những người nghèo khó nhất trên hành tinh”.

Bây giờ, chúng ta hãy quay lại một trong những câu hỏi được đưa ra ban đầu: điều gì khiến các phương pháp tiếp cận và quan điểm về kinh tế phát triển có thể khác xa nhau đến thế? Một mặt, Deaton đi tìm kiếm đáp án cho những câu hỏi lớn (chẳng hạn như: viện trợ nước ngoài tốt hay xấu?), thông qua các phương pháp do chính ông tiên phong, như hệ thống đường cầu tiêu dùng, hệ thống điều tra hộ gia đình quốc gia,… Mặt khác, Duflo, Banerjee và Kremer – bằng phương pháp Thí nghiệm Kiểm soát Ngẫu nhiên (RCT) – luôn tìm cách chia nhỏ các câu hỏi lớn, đặt lại thành các câu hỏi nhỏ hơn. Họ đặt niềm tin có thể giúp giảm nghèo bằng một can thiệp tại một thời điểm nào đó và tin tưởng rằng: “Thành công không phải lúc nào cũng xa xôi như ta tưởng”. Đó là sự lạc quan về giảm nghèo, nhưng không mù quáng, mà dựa vào khoa học. “Chúng ta cần bắt đầu hành động ngay. Mọi chuyện sẽ không dễ dàng. Đó là một tiến trình chậm chạp, nhưng không còn cách nào khác”, Duflo nói.

Lý giải về cách dịch cụm từ Randomized Controlled Trial (RCT)

Trong khuôn khổ bài viết và báo cáo này, chúng tôi (MIU) sử dụng cách dịch thống nhất Randomised Control Trial (RCT) là “Thí nghiệm Kiểm soát Ngẫu nhiên”. Một vài khía cạnh cần được giải thích như sau.
Thứ nhất, RCT là một phương pháp “thí nghiệm”, chứ không phải “thử nghiệm” hay “thực nghiệm”. Cách chuyển ngữ này đã được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quốc Anh (tại Sciences Po, Paris - Pháp) sử dụng trong lời mở đầu bản dịch sang tiếng Việt cho cuốn sách “Poor Economics” của hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay (Abhijit Banerjee, Esther Duflo), do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2015.
Từ“Trial” trong thuật ngữ gốc, cũng như cách gọi tắt phương pháp đôi khi được sử dụng ngắn gọn là “experiment”-nghĩa là “thí nghiệm”. Rộng hơn, từ “thực nghiệm” được sử dụng cho từ “empirical”, để chỉ các phương pháp, hướng tiếp cận sử dụng dữ liệu từ thực tế. Dữ liệu đó có thể bắt nguồn từ quan sát, điều tra (observational data), hoặc là có cả sự tham gia thiết kế của nhà nghiên cứu (có yếu tố thí nghiệm). Còn cách dịch experiment thành “thử nghiệm” làm thiếu giá trị khoa học của phương pháp thiết kế, mà thiên về tính pilot hơn.
Bên cạnh đó, từ “randomised” được dịch là “ngẫu nhiên”, để chỉ cách lựa chọn đối tượng nghiên cứu một cách ngẫu nhiên, không theo chủ đích từ trước. Việc phân chia cách đối tượng nghiên cứu này thành các nhóm nhỏ (group) như nhóm chịu tác động can thiệp của biện pháp/chính sách (intervention group) và nhóm không chịu tác động can thiệp/hay nhóm được kiểm soát hoàn toàn (controlled).
“Controlled” đặt nặng vào ý nghĩa “kiểm soát”, cũng lại có liên hệ đến thí nghiệm trong phòng lab có môi trường kiểm soát hoàn hảo. Giải thích chi tiết về cách chia nhóm và một vài ví dụ đã được chúng tôi diễn giải và trình bày trong bài viết.
Ngoài ra, cách dịch RCT là Thí nghiệm Kiểm soát Ngẫu nhiên cũng đã được Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường tại Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) sử dụng trong một vài ghi chú của mình.

Tác giả: Vũ Ngọc Tâm

Vũ Ngọc Tâm tốt nghiệp cử nhân loại giỏi chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội (FTU) và chuyên ngành Kinh tế - Quản Lý, Đại học Nice Sophia Antipolis - UNS (Pháp), theo chương trình song bằng FTU - Nice.

Anh nhận bằng Thạc sĩ Tài chính loại giỏi tại trường đại học Paris XI - Paris Saclay (Pháp) và sau đó trở thành kiểm soát viên và kiểm toán viên nội bộ của tập đoàn bất động sản Foncia Group (Pháp) cho đến cuối năm 2017. Ngoài lĩnh vực kinh tế - tài chính, anh còn có kiến thức vững chắc và kinh nghiệm phụ trách biên tập tại một số chuyên trang tài chính và tạp chí kinh doanh tại Việt Nam.

Anh hiện đang phụ trách vai trò Tổng thư ký toà soạn Tạp chí Nhà Quản Lý (The Manager Magazine) và Giám đốc The Manager Intelligence Unit (MIU) - Đơn vị Nghiên cứu và Phân tích trực thuộc.

Tạp chí Nhà Quản Lý

 

vutuan